Nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh không tế tổ quy mô lớn dịp rằm tháng Giêng để phòng dịch

(Baohatinh.vn) - Đối với nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh, lễ tế tổ rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ được tổ chức rầm rộ nhất trong năm. Tuy nhiên, để phòng dịch, năm nay, nhiều dòng họ lớn đã lên phương án lễ tế tối giản.

Nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh không tế tổ quy mô lớn dịp rằm tháng Giêng để phòng dịch

Thời điểm này, nhiều dòng họ đã bắt đầu quét dọn, sửa soạn tại nhà thờ để chuẩn bị tế tổ rằm tháng Giêng.

Ông Phan Đình Bài (tộc trưởng họ Phan Đình ở xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) cho biết: “Rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy là 2 ngày tế tổ quan trọng nhất của họ Phan Đình chúng tôi. Trong đó, lễ rằm tháng Giêng hằng năm, chúng tôi tổ chức tế lớn, con cháu đi xa thường về rất đông.

Ngoài một mâm chung do tôi làm trưởng họ phụ trách, 76 gia đình trong họ, mỗi gia đình đều làm một cỗ để tế tổ. Tuy nhiên, năm nay do dịch, chúng tôi vừa họp bàn và thống nhất sẽ chỉ làm nghi thức tế lễ đơn giản, ít người”.

Là một dòng họ lớn với hàng trăm gia đình và khoảng 700 đinh (con trai). Trong đó, ở địa bàn Thịnh Lộc có 76 gia đình với 350 đinh. Con cháu họ Phan Đình nhiều người thành đạt và nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trong xã hội, vì vậy, hằng năm, lễ tế tổ rằm tháng Giêng của dòng họ này đều được tổ chức trang trọng và quy mô. Lễ tế còn thu hút hàng trăm người dân ở các địa phương trong huyện về tham dự.

Nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh không tế tổ quy mô lớn dịp rằm tháng Giêng để phòng dịch

Ông Phan Đình Bài (Trưởng tộc họ Phan Đình, ở xã Thịnh Lộc, Lộc Hà): năm nay, đoàn làm lễ sẽ giảm bớt từ 18 người xuống 6 người.

Theo ông Phan Đình Bài: Về nghi thức tế, năm nay, đoàn làm lễ sẽ giảm bớt từ 18 người xuống 6 người. Ngoài ra, dòng họ cũng chuẩn bị sẵn vật tư phòng dịch cần thiết, như: nước sát khuẩn, khẩu trang y tế cho con cháu về thắp hương tại nhà thờ.

Các gia đình có nhu cầu làm cỗ tế sẽ giới hạn mỗi gia đình cử một người đại diện đưa mâm cỗ đến thắp hương cúng xong đưa về, không tổ chức ăn uống đông người tại nhà thờ họ...

Nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh không tế tổ quy mô lớn dịp rằm tháng Giêng để phòng dịch

Nhà thờ dòng họ Lê Xuân (thôn Thanh Tân, xã Thạch Châu, Lộc Hà).

Cũng tại Lộc Hà, họ Lê Xuân (Thạch Châu) một trong những dòng họ nổi tiếng có mâm cỗ cúng gà bay, gà chầu... cùng nghi thức tế tổ cầu kỳ trong rằm tháng Giêng cũng sẽ không tổ chức rình rang như những năm trước.

Ông Lê Xuân Chất (Phó Ban phụ trách Hội đồng gia tộc họ Lê Xuân) cho biết: “Chấp hành chủ trương phòng dịch của chính quyền, năm nay, dòng họ Lê Xuân cũng đã phổ biến với con cháu trong dòng họ về việc tế tổ tối giản. Ngoài việc sẽ không tụ tập đông người khi làm lễ hay ăn uống tại nhà thờ, mỗi người khi đến thắp hương cho tổ tiên cũng đều phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch”.

Nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh không tế tổ quy mô lớn dịp rằm tháng Giêng để phòng dịch

Dòng họ Lê Xuân (Thạch Châu) sẽ tuân thủ nghiêm ngặt phòng dịch trong lễ tế tổ rằm tháng Giêng sắp tới. Trong ảnh: Ông Lê Xuân Chất sửa soạn tại nhà thờ họ chuẩn bị cho lễ tế sắp tới.

Không chỉ ở Lộc Hà, rằm tháng Giêng này, nhiều dòng họ lớn ở các địa phương: Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân... cũng dự kiến sẽ chỉ làm nghi thức tế tổ tại nhà thờ họ một cách đơn giản, ít người nhất.

Ông Phạm Văn Tiến (62 tuổi, ở thôn Tiến Hòa, xã Yên Hồ, Đức Thọ) cho biết: “Theo tôi được biết thì ngoài họ Phạm chúng tôi, các dòng họ khác trong xã Yên Hồ cũng không tổ chức tế tổ quy mô như hằng năm. Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không chỉ con cháu trong họ mà các bậc trưởng họ cũng ý thức được việc phòng dịch đảm bảo an toàn cho con cháu dòng họ mình”.

Nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh không tế tổ quy mô lớn dịp rằm tháng Giêng để phòng dịch

Mâm cỗ cúng "gà bay" độc đáo trong lễ rằm tháng Giêng ở các dòng họ Thạch Châu (Lộc Hà). Ảnh: tư liệu của Kiều Minh

Được biết, sau Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 895 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 19/2 vừa qua về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, chính quyền nhiều địa phương đã tổ chức gặp mặt, tuyên truyền và thống nhất về công tác phòng dịch đối với đại diện các dòng họ.

Ông Nguyễn Tiến Anh - cán bộ chuyên trách văn hóa xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) thông tin: “Để quán triệt chủ trương phòng chống dịch Covid-19 trong dịp lễ rằm tháng Giêng sắp tới, UBND xã Cẩm Nhượng vừa tổ chức gặp mặt đại diện các dòng họ có nhà thờ tổ trên địa bàn toàn xã. Tại cuộc gặp, đại diện các dòng họ đã thống nhất cao trong việc không tổ chức tế tổ tập trung đông người; các biện pháp phòng dịch phải đảm bảo chặt chẽ”.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.
'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

Ra mắt ngày 4/4 tại các rạp trên toàn quốc, bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng do tư nhân đầu tư vốn “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khắp cả nước. Chỉ sau 2 ngày công chiếu chính thức, 4 ngày chiếu sớm, bộ phim đã vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng và tiếp tục tăng.
Dạ hội văn nghệ “Hồng Lĩnh tự hào địa linh”

Dạ hội văn nghệ “Hồng Lĩnh tự hào địa linh”

Dạ hội văn nghệ với chủ đề “Hồng Lĩnh tự hào địa linh” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách về tham dự Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).