Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng giá thịt lợn vẫn chỉ giảm nhẹ và đang ở mức cao.
Mới đây, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát, đánh giá thực trạng toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung ứng lợn giống, lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn.
Trước đó, các bộ, ngành đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để kéo giảm giá thịt lợn như: tăng tỷ lệ tái đàn, nhập khẩu thịt lợn, nhập khẩu lợn sống… nhưng giá mặt hàng này trên thị trường vẫn ở mức cao.
Tại Hà Tĩnh, hiện giá lợn hơi xuất bán tại chuồng mức 85.000 - 88.000 đồng/kg; giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ dân sinh từ 140.000 – 160.000 đồng/kg. So với mức giá ở thời điểm cao kỷ lục (giá lợn hơi hơn 95.000 đồng/kg vào cuối tháng 5/2020) thì giá thịt lợn hiện nay đã giảm, song người tiêu dùng vẫn mong chờ một mức giá thấp hơn.
Giá lợn hơi hiện dao động từ 85.000 - 88.000 đồng/kg.
Theo các chủ trang trại, giá thịt lợn chưa thể đưa về mức thấp như trước đây là bởi việc tái đàn còn chậm, chưa đáp ứng nguồn cung cho thị trường.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa – Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi (thôn Thành Văn, xã Xuân Thành, Nghi Xuân) cho hay: Nhờ nuôi đàn nái 300 con, có thể tự cung cấp lợn giống và việc phòng dịch nghiêm ngặt nên trang trại vẫn đảm bảo việc tái đàn thường xuyên. Ngoài số lợn nái, hiện HTX đang có khoảng 2.000 con lợn thịt các lứa. Trang trại vừa xuất bán 60 con với giá lợn hơi 88.000 đồng/kg. Mức giá này đã được duy trì hơn 1 tháng nay.
Theo bà Nghĩa, từ đầu năm tới nay, giá lợn giống rất cao, khó mua, cộng thêm các chi phí chăn nuôi đều tăng nên hầu hết các trang trại chưa thể tái đàn như trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nhất là với những hộ chăn nuôi phải mua lợn giống từ bên ngoài. Việc tái đàn chưa đáp ứng đủ nguồn cung nên việc giảm giá lợn hơi cũng như giá thịt lợn thành phẩm xuống là rất khó.
Theo các cơ sở chăn nuôi, giá lợn cao là do tái đàn chưa phục hồi nên nguồn cung còn hạn chế.
Ông Phạm Văn Cảnh – Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên) cũng cho biết: Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi lớn cũng chưa thể phục hồi đàn lợn như trước, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì đã bỏ chăn nuôi nhiều, bởi các chi phí cao và nhiều bà con vẫn ngại dịch tả lợn châu Phi.
Ông Cảnh cho rằng, việc phục hồi chăn nuôi để tăng nguồn cung, giảm giá thịt lợn xuống thấp phải mất thời gian dài hàng năm, còn trong năm nay nếu giảm cũng chỉ giảm nhẹ.
Thịt lợn thành phẩm tại chợ dân sinh giá 140.000 - 160.000 đồng/kg.
Bà Nhung – tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Vườn ươm (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Giá thịt lợn thành phẩm hiện nay từ 140.000 – 160.000 đồng/kg. Mức giá này đối với người tiêu dùng là vẫn rất cao nên lượng người mua thịt lợn không nhiều, đồng nghĩa với việc buôn bán của tiểu thương chúng tôi cũng khó khăn hơn”.
Giá thịt lợn cao gây khó cho cả người bán lẫn người mua.
Thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, thường xuyên nắm bắt giá cả, tình hình cung cầu thịt lợn trên thị trường; chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn các hành vi đầu cơ, tăng giá thịt lợn bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trên thị trường, ngăn chăn dịch tả lợn châu Phi.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Để phối hợp với Đoàn liên ngành của bộ trong thực hiện các nội dung liên quan tại địa phương, Sở Công Thương đã chủ động tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương khảo sát, lập danh sách các tổ chức, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến và mua bán thịt lợn trên địa bàn. Sở và địa phương cũng cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả thịt lơn trên địa bàn, đặc biệt là tại các siêu thị, chợ”.