Theo kế hoạch, năm nay, Lễ khai trương du lịch biển cấp tỉnh năm 2023 sẽ diễn ra vào tối 22/4 tại Khu du lịch Xuân Thành (Nghi Xuân). Đây là dịp để Nghi Xuân quảng bá hình ảnh văn hóa, con người địa phương, nhất là sự lan tỏa những giá trị của Nguyễn Du và Truyện Kiều cùng các tác phẩm của ông trong đời sống. Từ đó, làm tiền đề để phát huy thế mạnh du lịch đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuần Văn hoá - du lịch Nguyễn Du là dịp để Nghi Xuân quảng bá hình ảnh văn hóa, con người địa phương.
Trước khi diễn ra Lễ khai trương du lịch biển năm 2023 diễn ra, huyện Nghi Xuân triển khai kế hoạch tổ chức Tuần Văn hoá - du lịch Nguyễn Du. Sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 15/4 đến 18/4 với ý nghĩa mang đậm bản sắc dân tộc, gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương Nghi Xuân.
Theo đó, trong đêm khai mạc tại quảng trường Nguyễn Du (tối 15/4) là chương trình nghệ thuật “Truyện Kiều với không gian diễn xướng”. Tại chương trình này, người dân, du khách sẽ được thưởng thức và hòa mình vào các làn điệu trò Kiều; dân ca ví, giặm; ca trù; ngâm Kiều, lẩy Kiều, xẩm Kiều, ru Kiều...
Trong những ngày từ 16 - 18/4, vở kịch “Hoạn Thư ghen” sẽ được công chiếu do các nghệ sĩ, diễn viên CLB Sân khấu Biển hẹn trực thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hải Phòng biểu diễn. Ngoài ra, người dân và du khách sẽ được xem những thước phim tài liệu nghệ thuật về Nguyễn Du và Truyện Kiều, phim “Kiều” và Chung kết cuộc thi “Đọc thuộc Truyện Kiều” tại Nhà văn hóa Nguyễn Du…
Để các chương trình đảm bảo chất lượng, thu hút đông đảo khán giả đến xem, huyện Nghi Xuân đã và đang tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan gấp rút triển khai, thực hiện theo chương trình, kế hoạch đề ra.
Câu lạc bộ Trò Kiều xã Tiên Điền tập cảnh trong trích đoạn “Phút xao lòng Từ Công chết đứng”
Sau khi hoàn thành kịch bản, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện đã lên kế hoạch tập luyện để chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật “Truyện Kiều với không gian diễn xướng”. Ngoài các nghệ nhân và các diễn viên quần chúng, đêm khai mạc có sự góp mặt của ca sĩ Phan Thị Quỳnh Anh - á quân Sao Mai 2019, là một người con quê hương Nghi Xuân.
Những ngày qua, các câu lạc bộ trò Kiều, ca trù, hát văn… không kể ngày, đêm tích cực tập luyện với những trích đoạn “Gia đình viên ngoại”, “chị em Kiều viếng mộ Đạm Tiên”; “Kim Kiều giao ước” hay “Kiều rơi vào lầu xanh bị ép làm kỹ nữ” , “Kim - Kiều đoàn viên” bằng các làn điệu dân ca ví, giặm; các nghệ nhân hăng say tập luyện “Tiếng đàn Thuý Kiều qua 8 lần gảy” qua các làn điệu ru, lẩy, ví, ngâm kiều, ca trù, tiết mục “Khép lại thiên Truyện Kiều” bằng những làn điệu hát văn…
Câu lạc bộ Hát văn Xuân Hồng tập luyện trích đoạn “Khép lại thiên Truyện Kiều”.
Bà Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân cho biết: “Nếu như trước đây, các loại hình nghệ thuật phái sinh từ Truyện Kiều như: ngâm Kiều, ru Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều... chủ yếu được biểu diễn trong các không gian diễn xướng nhỏ thì hiện nay, có thêm nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu khai thác các câu chuyện trong truyện Kiều như: chèo, dân ca ví, giặm và biểu diễn nhiều hơn trong các liên hoan, hội diễn, các sự kiện văn hóa, chính trị... Những tiết mục biểu diễn trong đêm “Truyện Kiều với Không gian diễn xướng” nhằm phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc trên địa bàn với mong muốn đưa Truyện Kiều đi vào đời sống Nhân dân”.
Trong dịp này, ở các trường học, giáo viên và học sinh cũng đang hào hứng chuẩn bị cho cuộc thi Chung kết “Đọc thuộc Truyện Kiều” sắp được diễn ra trong Tuần Văn hoá - du lịch Nguyễn Du.
Các em học sinh Trường Tiểu học Xuân Giang tranh thủ học thuộc Truyền Kiều trong giờ ra chơi.
“Tham gia cuộc thi chung kết em rất vui nhưng cũng rất hồi hộp, lo lắng khi phải thuộc lòng 440 câu trong Truyện Kiều. Tranh thủ những giờ nghỉ trên lớp hay ở nhà em đều cố gắng đọc thuộc mỗi ngày 30 câu thật trôi chảy, nhấn nhá từng đoạn, từng câu chữ để tạo sự truyền cảm cho người nghe” - em Đỗ An Bình, học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học Xuân Giang chia sẻ.
Theo Thầy Võ Minh Thiện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân, Cuộc thi chung kết “Đọc thuộc Truyện Kiều” nhằm quảng bá, tôn vinh, góp phần gìn giữ, nâng tầm giá trị của kiệt tác Truyện Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hiểu thêm về Truyện Kiều của Nguyễn Du; từ đó thúc đẩy phong trào thuộc Truyện Kiều trong các nhà trường trên địa bàn.
Nhà văn hóa Nguyễn Du ở thị trấn Tiên Điền - nơi công chiếu những bộ phim về Nguyễn Du và Truyền Kiều.
Thời điểm này, Công ty CP Không gian Văn hóa Việt Media, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cũng chuẩn bị tốt các điều kiện để chuẩn bị công chiếu phim tài liệu nghệ thuật về Nguyễn Du và Truyện Kiều tại Nhà văn hóa Nguyễn Du và phim “Kiều” của đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền.
Thời lượng phim tài liệu nghệ thuật về Nguyễn Du và Truyện Kiều là 180 phút, chia thành ba phần: Gia thế và tuổi thơ (Nguyễn Du năm 6 tuổi trở về quê cha Tiên Điền); phong trần và thanh cao (Nguyễn Du trưởng thành, ra làm quan và sáng tác); nghiệp văn và quan trường (giá trị Truyện Kiều, di sản Nguyễn Du).
Đó sẽ là một trong những điểm nhất của Tuần Văn hoá du lịch Nguyễn Du nhằm quảng bá các giá trị văn hóa Nghi Xuân với bạn bè trong nước, tạo môi trường thuận lợi nhằm xây dựng và phát triển văn hóa gắn với du lịch di sản trên địa bàn.
Sự kiện Tuần Văn hoá - du lịch Nguyễn Du gắn với lễ khai trương du lịch biển năm 2023 có quy mô cấp tỉnh ở Khu du lịch biển Xuân Thành là chuỗi hoạt động có ý nghĩa, góp phần khẳng định giá trị trường tồn của Truyện Kiều và lưu giữ, phổ biến các loại hình văn nghệ dân gian trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đặc biệt, sự kiện sẽ tạo điểm nhấn nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người nơi đây, thu hút du khách thập phương đến với Nghi Xuân ngày càng nhiều thêm.
Ông Bùi Việt Hùng
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân