Từ tiqui-taca đến gegenpressing
Thập kỷ này bắt đầu bằng tiqui-taca ma mị và kết thúc bởi gegenpressing rực lửa. Từ cuối thập niên 2000, Luis Aragones, nhà hiền triết xứ Hortaleza đưa bóng đá Tây Ban Nha lên đỉnh bóng đá châu Âu tại EURO 2008 sau 44 năm chờ đợi bằng lối đá bật nhả tí tách.
Thuật ngữ tiqui-taca (hoặc tiki-taka) xuất hiện 2 năm trước, tại World Cup 2006, thời điểm Luis Aragones manh nha áp dụng lối đá ban bật nhỏ cho ĐT Tây Ban Nha, tuy chưa thể gặt hái thành công ngay lập tức nhưng cũng để lại những ấn tượng sâu sắc.
Chứng kiến màn trình diễn ma mị ấy, Andres Montes, bình luận viên của LaSexta đã thốt lên đầy phấn khích: “Estamos tocando tiki-taka tiki-taka” (Chúng ta đang chơi tiqui-taca). Trong lúc cao hứng ấy, hẳn nhiên Montes không thể tưởng tượng được thuật ngữ ông nói ra trở thành một biểu tượng, một xu hướng, một trào lưu thời trang trong bóng đá.
Tiqui-taca vừa là tượng thanh, vừa là tượng hình. Những pha chuyền bóng ngắn liên hồi tạo ra thanh âm tích tắc như chiếc kim giây đồng hồ. Và để chuyền bóng ngắn, các cầu thủ phải chuyền và di chuyền liên lục, với bước xử lý nhanh, gọn, nhẹ (nghĩa của từ tiki-taka trong ngôn ngữ xứ Basque).
Luis Aragones, Andre Montes đều đã thành người thiên cổ và tiqui-taca cũng dần trôi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những phong cách tân kỳ và phù hợp hơn. Ngay cả Pep Guardiola, một biểu tượng khác của tiqui-taca, thậm chí đưa tiqui-taca lên đến đỉnh cao và toàn bích cùng Barcelona những năm đầu thập kỷ này cũng nếm trải không ít thất bại cay đắng và dần thay đổi bản thân để thích nghi.
Hơn nữa, bản thân Pep luôn phủ nhận tiqui-taca. Khi thực hiện một cuộc phỏng vấn trong thời gian dẫn dắt Bayern Munich, vị chiến lược gia này tuyên bố tiqui-taca là “rác rưởi” và vô nghĩa trong bối cảnh truyền thông lẫn người hâm mộ nhắc hoài về thuật ngữ này.
Diễn giải khái quát về vấn đề này, tiqui-taca chỉ có thể xem là phương pháp chứ không thể xem là đấu pháp cụ thể. Chuyền bóng tí tách để làm gì nếu không tiếp cận được khung thành đối phương?! Bước đột phá chiến thuật Pep đem đến không nằm ở tiqui-taca mà nằm những yếu tố khác.
Thứ nhất, thủ môn và trung vệ cũng tham gia phối hợp hoặc theo cách nói thời thượng ngày nay là chơi bóng từ sân nhà nhằm nắm thế chủ động, áp đảo về thời gian kiểm soát bóng và hạn chế nguy cơ bị tấn công.
Thứ hai là chiêu thức đánh lạc hướng. Các đội bóng của Pep xuyên phá hàng thủ đối phương theo một hướng, khiến hàng thủ đối phương dồn quân về khu vực nguy cơ bị tấn công ấy và bị xô lệch. Sau đó, đội bóng của Pep bất ngờ chuyển hướng tấn công sang khu vực lực lượng đối phương bị dàn mỏng.
Thứ ba là pressing kịch liệt sau khi mất bóng thay vì lùi đội hình về phòng ngự. Tại Barca trước đây tồn tại một “quy tắc 3 giây”, tức trong 3 giây từ thời điểm mất bóng, các cầu thủ Barca dồn toàn lực quây cầu thủ cầm bóng của đối phương để đoạt lại bóng.
Một khía cạnh khác, nếu đoạt bóng thành công, Barca có rất nhiều khoảng trống để khai thác xuyên phá. Trong bóng đá, chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, chính là thời điểm mỏng manh nhất để phòng ngự của một đội bóng. Khi Barca mất bóng, trái bóng cách khung thành họ 50-60m, nhưng khi đối phương mất bóng, Barca chỉ cách khung thành đối phương chừng 30m.
Chính đấu pháp như vậy đã đưa Pep Guardiola và Barca lên đến đỉnh cao danh vọng và trở thành bài toán thách thức cả thế giới. Tất nhiên, có sinh có diệt, cuối cùng clối hơi kiểm soát do Guardiola khai sinh cũng xuất hiện. Thay vì lùi sâu đội hình phòng ngự thụ động, người Đức đẩy cao đội hình pressing, hay còn gọi là gegenpressing và tiqui-taca vỡ vụn bởi những màn pressing rực lửa như vậy.
Bên cạnh những màn pressing tầm cao và cường độ cao tiêu hủy lối chơi đối phương, tấm khiên bảo vệ cho gegenpressing là một thủ môn quét sẵn sàng lao ra khỏi vòng cấm còn mũi giáo kết liễu tiqui-taca là vị trí Raumdeuter.
Những người hùng của thời đại
Để tiêu hủy tiqui-taca, người Đức hẳn nhiên phải rất hiểu tiqui-taca. Bằng chứng là chính ĐT Đức vô địch World Cup 2014 bằng lối chơi của người Tây Ban Nha. Đó là lần cuối cùng, giới mộ điệu chứng kiến lối đá bật nhả tí tách và áp đảo về thời lượng kiểm soát bóng này đứng trên đỉnh thế giới, sau Tây Ban Nha tại World Cup 2010, EURO 2012 hay Barcelona mùa 2010/11 với cú đúp danh hiệu La Liga và Champions League.
Nhưng suy cho cùng, chiến thuật chỉ là phần xác, con người mới là hồn cốt. Một đội bóng chỉ có thể vươn tới đỉnh cao khi sở hữu một tập thể xuất chúng. Tây Ban Nha và Barca thống trị thế giới nhờ có được một thế hệ tài năng bậc nhất lịch sử, với Pique, Xavi, Iniesta, Busquets.v.v… và những con người ấy phù hợp với phong cách tiqui-taca.
Real Madrid dưới sự dẫn dắt của Zinedine Zidane dẫu không có một triết lý hay đấu pháp rõ ràng vẫn tạo nên chiến tích vô tiền khoáng hậu, là vô địch Champions League 3 lần liên tiếp trong khi trước đó việc bảo vệ thành công danh hiệu danh giá nhất châu Âu này bị xem là lời người. Đơn giản, giai đoạn 2015-2018, Real sở hữu một tập thể quá xuất sắc, thậm chí xuất sắc nhất ở từng vị trí kể cả dự bị.
Hoặc như người Đức đăng quang tại Brazil 2014 nhờ một thế hệ đầy tài năng và lối chơi của người Tây Ban Nha chứ không phải bởi sự lì lợm vốn là truyền thống. Và người Đức lật đổ người Tây Ban Nha nhờ ý tưởng của Juergen Klopp hay đội hình hùng mạnh của Bayern Munich trong tay Jupp Heynckes. Hoặc dẫn chứng sát sườn hơn, thủ môn quét không phải là thủ môn quét nếu không phải là Manuel Neuer, Raumdeuter không phải là Raumdeuter nếu không phải là Thomas Mueller.
Một ví dụ khác, trước khi người Đức trở thành thiên địch của tiqui-taca, kỳ phùng địch thủ số một của Barca và Pep là Mourinho, chiến lược gia nổi danh bởi lối đá phòng ngự phản công. Nên nhớ thập kỷ này bắt đầu bằng cú ăn ba vĩ đại của Người đặc biệt cùng Inter Milan, nơi ông có được một đội hình hoàn hảo để chơi phản công.
Những năm tháng tiếp theo, tuy không thành công như tại Inter nhưng cùng Real Madrid, Mourinho đã gây ra vô vàn khó khăn cho Barca và Pep. Chính tại đội bóng Hoàng gia, vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha đưa những pha phản công lên một tầm cao mới, với tốc độ được miêu tả bằng hai chữ điện xẹt.
Và tiqui-taca chỉ lợi hại nhất khi có Messi, lối đá phản công chỉ nhanh và hiệu quả nhất khi có Cristiano Ronaldo. Đó là hai siêu sao đã thống trị bóng đá thế giới suốt một thập kỷ qua, biến cuộc tranh đua đến những danh hiệu cá nhân cao quý nhất trở thành chuyện riêng giữa hai người.
9 Quả bóng vàng, 1.028 bàn thắng là những thông số khiến người ta giật mình choáng váng khi nhìn lại và tin rằng một thời đại vô tiền khoáng hậu vừa đi qua. Cái chân trái, pha vờn bóng của Messi, ý chí, cú bật nhảy của Ronaldo xứng đáng đặt ở vị trí trang trọng trong ngôi đền dành cho những huyền thoại của bóng đá và là biểu tượng của thập kỷ 2010 này.
Bây giờ, trước thềm thập kỷ mới, Messi và Ronaldo, những siêu sao trẻ trung căng tràn nhiệt huyết của 10 năm trước, nay đều đã bước qua tuổi 30 và dần bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Tần suất đăng quang cả danh hiệu cá nhân lẫn tập thể dần thưa thớt hơn và bóng đá thế giới bắt đầu chứng kiến những tài năng mới vươn lên, dù chưa thể sánh vai với hai đàn anh về tầm vóc.
Đó là Neymar, người đưa giá trị cầu thủ lên tầm cao mới với bản hợp đồng trị giá 222 triệu euro từ Barca sang Real. Đó là Mbappe, tài năng được xem là hứa hẹn nhất của bóng đá Pháp lẫn thế giới. Đó là Virgil van Dijk, trung vệ xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Đó là bộ ba MSF, Mane-Salah-Firmino, tam tấu tiếp nối MSN, Messi-Suarez-Neymar, khiến mọi hàng thủ khiếp đảm.v.v…
Bóng đá, theo giời gian, 10 năm trôi qua thật nhanh và vội vàng để bước sang thập kỷ mới, kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên ấy bắt đầu bằng sự thống trị của gegenpressing của Klopp tại Liverpool và hẳn nhiên, rồi đến thời điểm người ta tìm ra cách tiêu hủy gegenpressing như gegenpressing đã tiêu hủy tiqui-taca. Mọi thứ đến rồi đi, chỉ thời gian ở lại. Bởi bánh xe thời gian mãi quay và đưa ký ức dần trôi dần vào huyền thoại.