Nhọc nhằn phận nữ chèo đò trên sông Ngàn Sâu

(Baohatinh.vn) - Trên khúc sông Ngàn Sâu rộng hơn 200m, mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Vân xã Đức Liên, Vũ Quang, Hà Tĩnh chèo đò không dưới 100 lượt để vận chuyển người và phương tiện qua sông. Với công việc này, mỗi năm, bà được dân làng trả bằng 4,5 tấn thóc...

Trời trưa dần đứng bóng, trên bến đò Bình Châu xã Đức Liên, Vũ Quang - Hà Tĩnh càng lúc càng tấp nập, nhộn nhịp khi bà con trở về nhà sau một buổi ra đồng vất vả. Bên kia bờ, lũ trẻ con cũng vừa đi học trở về. Xa xa, con đò của bà Vân từ từ tiến vào bến. Nhanh tay đẩy sào, chỉ trong chốc lát, đò đã cập bến để đưa mọi người qua sông.

Video: Bà Nguyễn Thị Vân chèo đò đưa người dân qua sông

Công việc chèo đò của bà Vân bắt đầu từ 5h sáng. Buổi trưa, khi dòng người đã vãn, bà trở về nhà cơm nước và có mặt lúc 1h chiều để tiếp tục việc chè đò của mình. Cho đến 19h tối, hành trình một ngày chèo đò của bà mới kết thúc. Thù lao ít ỏi, được trả bằng thóc; đời sống của các hộ "hành khách" còn khó khăn nên việc trang bị áo phao và các thiết bị an toàn trên mỗi chuyến đò gần như không có.

Con đò của bà Vân là phương tiện duy nhất để hơn 100 hộ dân xóm Liên Châu qua sông giao thương với bên ngoài. Đây cũng là phương tiện để hơn 200 hộ dân xóm Liên Bình và xóm Tân Lễ sang bên kia sông canh tác. Mỗi ngày, bà Vân chèo không dưới 100 lượt. Những đợt cao điểm, đông người qua lại như ngày thu hoạch mùa, bà Vân chèo không dưới 200 lượt. Dù tiện lợi, rút ngắn được thời gian, chi phí đi lại cho người dân nhưng việc thiếu áo phao cũng tiềm ẩn rất nhiều nỗi lo, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu xảy ra sự cố...

Khúc sông dài hơn 200m, dòng nước Ngàn Sâu xiết mạnh nên mỗi lượt qua sông, ít nhất bà phải chống sào khoảng 50 nhịp. Với "thâm niên" hơn 20 năm trong nghề, nhưng công việc chống sào để lái đò đi đúng hướng quả không mấy dễ dàng, nhất là những lúc trên đò có đông người và phương tiện.

Chị Trần Thị Viên (ở xóm Tân Lễ) cho biết: “Cũng có đường bộ để đi sang xóm Liên Châu nhưng phải mất gần 20 cây số trong khi đi đò chỉ mất vài trăm mét. Vào mùa gặt, chúng tôi cũng vận chuyển nông sản bằng đường sông này. Cũng may có bà Vân chèo đò ở đây nên việc qua sông của bà con được nhịp nhàng, nhất là bọn trẻ con đi học bố mẹ yên tâm hơn”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tài (xóm Liên Châu) có 5 nhân khẩu, mỗi năm đóng cho bà Vân 30kg thóc làm lệ phí đưa đò. “Riêng gia đình tôi mỗi ngày đã phải 4 lượt đi về để đưa đón con đi học, chưa kể vợ tôi đi chợ, tôi đi làm hàng ngày. Nếu như đi bằng xe máy thì tiền xăng lấy đâu ra hả cô? Bà Vân chèo đò rất có trách nhiệm. Dù chỉ có một người qua sông, bà chưa bao giờ để mọi người phải chờ đợi mà kịp thời có mặt ngay” – anh Nguyễn Văn Tài cho hay.

Nghề chèo đò vất vả, tuổi ngày một cao nên độ vài năm trở lại đây, sức khỏe của bà Vân yếu hẳn. Vì vậy, bà san sẻ công việc với người em trai Nguyễn Đình Ka. Tuy nhiên, ông Ka sức khỏe yếu nên chỉ phụ bà được vài tiếng vào những ngày nắng ráo. Còn ngày mưa thì hầu như bà một mình đưa đò qua sông.

Bà Nguyễn Thị Vân (xóm Bình Quang, xã Đức Liên, Vũ Quang) ​

Tôi chèo đò trên sông này đã hơn 20 năm nay. Không có lương thưởng gì đâu! Cứ đến mùa gặt xong, bà con đưa thóc đến bến đóng cho chủ đò. Tính theo nhân khẩu, mỗi người 6kg thóc/năm. Như năm ngoái, tôi được dân làng trả 4,5 tấn thóc.

Sức khỏe của tôi ngày một yếu trong khi chèo đò là công việc rất vất vả và nguy hiểm, sợ rằng ít năm nữa tôi không còn sức để tiếp tục. Hy vọng trong tương lai gần, nhà nước đầu tư cho chúng tôi một cây cầu để bà con có thể thuận lợi qua sông...

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói