Với dân số hơn 90 triệu, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của nhiều hãng sản xuất smartphone thế giới. Samsung chọn Việt Nam làm "thủ phủ" với nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh năm 2009, nhà máy thứ hai tại Thái Nguyên và đang có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy thứ ba.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng đang có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng điện thoại thông minh. Theo thống kê của Nielsen vào cuối năm 2017, 84% người sử dụng điện thoại sử dụng smartphone, tăng 6% so với một năm trước đó. Năm 2018 còn chứng kiến sự trỗi dậy của các nhà sản xuất smartphone thương hiệu Việt. Bphone 3, VinSmart hay phiên bản mới của Asanzo lần lượt ra mắt nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đại diện Hoàng Hà Mobile, ông Trịnh Đình Vũ nhận định: "Smartphone không còn là sân chơi riêng của các nhà sản xuất nước ngoài. Các thương hiệu Việt Nam đang dần tìm được chỗ đứng".
Bphone thế hệ thứ ba
Xuất thân là một công ty an ninh mạng có thế mạnh về công nghệ thông tin, Bkav có khả năng làm chủ được công nghệ cũng như phần cứng khi sản xuất điện thoại. Tuy vậy, chiếc Bphone đầu tiên ra mắt năm 2015 ngay lập tức châm ngòi cho những cuộc tranh cãi nảy lửa. Bên cạnh sự ủng hộ từ các "fan" của Bkav cũng như CEO Nguyễn Tử Quảng, BPhone 1 nhận nhiều ý kiến trái chiều cũng như hoài nghi về chất lượng. Làn sóng phản ứng mạnh đến mức ông Quảng thừa nhận có lúc bị sốc.
|
Bphone 3 phiên bản "Tự hào Việt Nam". |
Chỉ đến khi ra mắt Bphone 3 năm 2018, CEO Nguyễn Tử Quảng mới thực sự thở phào. Review từ giới công nghệ lẫn người dùng cho thấy đây là sản phẩm thành công nhất của Bkav. Bphone 3 chạm đến phân khúc cao cấp với những tính năng hiện đại và mức giá vừa phải. Sau một tháng mở bán, Bkav tiêu thụ được gần 10.000 chiếc Bphone3, gần bằng doanh số Bphone 2 trong một năm. Thành công này được dự đoán trong lễ ra mắt Bphone 3 ngày 10/10. Khi đó, vị CEO này nhận xét nửa đùa nửa thật: "Năm nay, những tràng pháo tay là thật, khác với những tràng pháo tay hồi 2015".
Asanzo – tham vọng chiếm lĩnh phân khúc bình dân
Trong lĩnh vực nhà sản xuất tivi, Asanzo sớm đạt được thành công khi vươn lên Top 4 về thị phần. Không dừng lại ở đó, Tập đoàn này mở rộng, tham gia vào lĩnh vực smartphone dành phân khúc bình dân, trung cấp từ năm 2017. Chủ tịch tập đoàn Asanzo, ông Phạm Văn Tam cho biết: "Chúng tôi chấp nhận không có lời trong hai năm để người tiêu dùng nông thôn có cơ hội tiếp cận điện thoại thông minh".
Asanzo sản xuất smartphone bằng cách lên ý tưởng, thiết kế và nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài. Linh kiện được cung cấp bởi các đơn vị có tiếng như Panasonic hay HTC. Tập đoàn này xây dựng nhà máy lắp ráp smartphone tại, TP HCM. Công suất ban đầu khoảng 700 máy một ngày. Dù không làm chủ hoàn toàn như Bkav, Asanzo vẫn có thể chủ động nguồn cung.
Để hiện thực hóa mục tiêu của mình, trong 2018, công ty tổ chức bốn đợt ra mắt sản phẩm theo từng quý, với mức đầu tư 200 tỷ đồng, tung ra thị trường 600.000 - 700.000 sản phẩm. Hiện Asanzo phân phối bốn mẫu smartphone hướng đến đối tượng khách hàng bình dân gồm S2, S3, S3 Plus và S5, giá bán 2 đến 4 triệu đồng.
Vsmart – Ngựa ô đáng gờm
Vsmart là sản phẩm đến từ VinSmart, công ty con của Tập đoàn Vingroup. Sở hữu lợi thế lớn về nguồn lực cũng như tài chính, Vsmart nhận được sự quan tâm của nhiều người ngay từ khi chưa ra mắt. Ngày 14/12 vừa qua, bốn mẫu điện thoại Vsmart được giới thiệu với giá bán từ 2,5 - 6,3 triệu đồng. Mức giá được cho là phù hợp, đánh vào phân khúc bình dân khiến lượng quan tâm tăng vọt. Theo thống kê, số lượng người theo dõi lễ ra măt trực tuyến lên tới hàng trăm nghìn lượt xem.
|
Vsmart Joy 1 và Vsmart Joy 1+ |
Theo CEO VinSmart, bốn mẫu máy này dùng pin của một hãng lớn Trung Quốc, màn hình của Nhật, vi xử lý của Mỹ và bộ nhớ của Hàn Quốc. Một số phụ kiện được các nhà cung cấp tại Việt Nam cung ứng. Việc sở hữu 51% cổ phần của BQ, nhà sản xuất smartphone tại Tây Ban Nha giúp VinSmart khai thác các thế mạnh ở hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất các thiết bị điện tử thông minh, từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất.
Sự đón nhận của thị trường bán lẻ
Sự nổi lên của những chiếc điện thoại thương hiệu Việt được thị trường bán lẻ đón nhận một cách tích cực. Trên kệ hàng, điện thoại Việt dần có chỗ đứng.
"Gần đây, sự quan tâm của người tiêu dùng với điện thoại Việt ngày càng lớn. Chúng tôi ngày càng nhận được nhiều câu hỏi về Bphone 3, Vsmart, đơn hàng cũng tăng mạnh", ông Trịnh Đình Vũ, đại diện Hoàng Hà Mobile cho biết.
Đại diện nhà bán lẻ này tiết lộ, trong tháng 11 và 12, doanh số bán các điện thoại Việt tại cửa hàng này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ vào những sản phẩm mới ra mắt.
Tại Hoàng Hà Mobile, nhà bán lẻ này đang bày bán các dòng điện thoại Việt như Bphone và VinSmart với mức ưu đãi 10-20%. Điều này giúp khách hàng tiết kiệm từ vài trăm đến gần 1,5 triệu đồng tùy máy. Giai đoạn cuối năm, nhiều chương trình khuyến mãi cũng được tung ra để ủng hộ hàng Việt như chương trình tặng phiếu mua hàng trị giá từ 950.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.
"Với sự phát triển chung của toàn cầu ở thời đại 4.0, việc phát triển các ngành công nghệ cao là điều tất yếu để một đất nước lớn mạnh. Người Việt có quyền tự hào với những smartphone do người Việt làm ra", ông Vũ cũng nhận định.