Những điều kỳ lạ ở Nauru - đảo quốc nhỏ nhất thế giới

Thế giới rộng lớn và có vô số nơi để bạn khám phá. Có thể bạn chưa từng nghe đến cái tên Nauru nhưng quốc gia này có một nền kinh tế với lịch sử phát triển khá thú vị và kỳ lạ: từng giàu có và trở nên nghèn nàn bậc nhất thế giới.

01. Hòn đảo cô lập nhất thế giới

Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ nằm trong số những quốc gia được du khách quốc tế ghé thăm nhiều nhất. Thủ đô Bangkok của Thái Lan là thành phố được ghé thăm nhiều nhất trên toàn cầu, với khoảng 22 triệu du khách mỗi năm, tiếp đến là Paris (Pháp) với hơn 17,4 triệu du khách quốc tế hàng năm.

Tuy nhiên có một số điểm đến không quá phổ biến. Đó là các quốc gia xa xôi có ít hoặc không có điểm tham quan với chỉ vài nghìn du khách mỗi năm. Điều này không hẳn vì đây là những nơi nguy hiểm mà bởi những quốc gia này thường khó tiếp cận, nhưng bù lại chúng có vẻ đẹp rất hoang sơ.

Theo Far & Wide, với chưa đến 1.000 du khách mỗi năm (đôi khi thậm chí là 200 du khách), Nauru là một trong 10 nước ít được ghé thăm nhất thế giới và cũng là một trong những hòn đảo cô lập nhất thế giới.

Những điều kỳ lạ ở Nauru - đảo quốc nhỏ nhất thế giới

Đảo Nauru nhìn từ cửa sổ máy bay (Ảnh: fullltimeadventurer.com).

Quốc đảo nhỏ này nằm ở Micronesia, phía đông bắc Australia. Toàn bộ hòn đảo có diện tích chưa đầy 21 km2 và là nơi sinh sống của khoảng 10.000 cư dân.

02. Địa lý, đất đai và con người của Nauru có gì khác lạ?

Nauru, quốc đảo ở tây nam Thái Bình Dương, bao gồm một hòn đảo san hô nhô cao nằm ở đông nam Micronesia, cách Xích đạo 25 dặm (40 km) về phía nam.

Đảo cách quần đảo Solomon khoảng 800 dặm (1.300 km) về phía đông bắc; láng giềng gần nhất là đảo Banaba, ở Kiribati, khoảng 200 dặm (300 km) về phía đông. Nauru không có thủ đô chính thức, nhưng các văn phòng chính phủ được đặt tại quận Yaren.

Hầu hết diện tích của Nauru nhô lên đột ngột từ đại dương và không có bến cảng hoặc khu neo đậu được bảo vệ. Một vành đai khá màu mỡ nhưng tương đối hẹp bao quanh đảo và bao quanh Đầm phá Buada trong đất liền. Xa hơn trong đất liền, các vách đá san hô nhô lên thành cao nguyên với độ cao 30 m so với mực nước biển, điểm cao nhất khoảng 65 m. Cao nguyên phần lớn được cấu tạo từ đá phosphate. Khoáng sản bao phủ hơn 2/3 hòn đảo, và việc khai thác khoáng sản đã tạo ra những mỏm đá vôi hình chóp nhọn kỳ lạ, mang đến cho quốc đảo này một cảnh quan khác thường.

Khí hậu ở Nauru là nhiệt đới, với nhiệt độ ban ngày thấp (khoảng 28 độ) do gió biển thổi vào. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 mm và không ổn định, dẫn đến hạn hán kéo dài. Ở Nauru không có sông hoặc suối.

Đất đai ở Nauru không màu mỡ và có độ xốp cao. Cùng với đó, lượng mưa không đều khiến việc canh tác bị hạn chế. Khai thác phosphate đã tàn phá phần bên trong của hòn đảo, khiến khoảng 4/5 trong số đó không thể ở được và không thể canh tác được. Các loại cây trồng tự cung tự cấp, chủ yếu là dừa, dứa dại, chuối, dứa và một số loại rau không đủ cung cấp cho người dân. Nauru là điểm dừng chân yêu thích của các loài chim di cư và nhiều loài gà. Trên đảo không có động vật có vú và một số loài vật được mang đến đây từ các nước khác.

Những điều kỳ lạ ở Nauru - đảo quốc nhỏ nhất thế giới

Việc khai thác khoáng sản đã tạo ra những mỏm đá vôi hình chóp nhọn kỳ lạ, mang đến cho cảnh quan của quốc đảo này một vẻ ngoài khác thường (Ảnh: Getty).

Hầu hết cư dân trên đảo là người Nauru bản địa. Có một số lượng nhỏ người Kiribati (Gilbertese), người Australia, người New Zealand, người Trung Quốc và người Tuvalu. Tiếng Nauru là ngôn ngữ chính của quốc đảo này. Tiếng Anh cũng được sử dụng rộng rãi ở đây. Nauru có thể coi là một trong những quốc gia Tây hóa nhất ở Nam Thái Bình Dương.

03. Những sự thật thú vị về đảo Nauru

Hòn đảo xa xôi nhỏ bé này chứa đựng rất nhiều điều thú vị.

Đầu tiên, đây là quốc đảo nhỏ nhất thế giới. Rộng 8 dặm vuông, Nauru chỉ lớn hơn hai quốc gia khác là Vatican City và Monaco. Với diện tích khiêm tốn như vậy, Nauru không có khu bảo tồn, không có di sản thế giới, không có sông và chỉ có 18 dặm (30 km) đường.

Bạn sẽ khá ngạc nhiên khi biết rằng Nauru là quốc gia “béo” nhất trên trái đất. Theo World Factbook của CIA, 61% trong số 10.000 cư dân của Nauru bị béo phì. Với trọng lượng của người trưởng thành tăng gấp 4 lần mức trung bình toàn cầu, người dân trên đảo được cho rằng có khuynh hướng tăng cân về mặt di truyền. Tuy nhiên, một báo cáo năm 2014 cho rằng nguyên nhân dẫn đến béo phì đến từ cách ăn uống học từ những người định cư thuộc địa, họ đã dạy cư dân trên đảo cách ăn của phương Tây - chẳng hạn như chiên cá.

Những điều kỳ lạ ở Nauru - đảo quốc nhỏ nhất thế giới

Theo World Factbook của CIA, 61% trong số 10.000 cư dân của Nauru bị béo phì (Ảnh: Wikipedia).

Nauru là một trong những quốc gia có GDP thấp nhất. Theo countryeconomy.com, năm 2020, GDP của Nauru là hơn 115 triệu USD, đứng thứ 195 trong tổng số 196 quốc gia trên thế giới.

Tuy là một quốc gia nhỏ bé, Nauru cũng có đường sắt. Một đoạn đường sắt khổ hẹp dài 2,4 dặm (3,9 km) được xây dựng vào năm 1907 để vận chuyển phosphate đã khai thác - nền tảng của kinh tế hòn đảo trong nhiều thập kỷ.

Một điều thú vị khác là hầu hết người trên đảo đều nói tiếng Anh. Với mối quan hệ chặt chẽ với Australia, New Zealand và Vương quốc Anh, không có gì ngạc nhiên khi Nauru là một trong 45 quốc gia có ít nhất một nửa dân số nói tiếng Anh (theo cuốn sách “English as a Global Language” của David Crystal). Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức là Nauru, một ngôn ngữ đảo Thái Bình Dương riêng biệt được sử dụng trong hầu hết gia đình bản địa.

Nauru là một trong 36 quốc gia và vùng lãnh thổ không có quân đội. Australia chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh, an toàn cho hòn đảo này.

Và cuối cùng, Nauru là hòn đảo không bị tấn công bởi Covid-19. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, không có ca nhiễm Covid-19 ở Nauru. IMF cho biết: “Các biện pháp sớm và quyết liệt đã ngăn chặn thành công sự bùng phát Covid-19 ở Nauru, và tính đến tháng 1/2022 không có trường hợp Covid-19 nào trên đảo”. Ngoài Nauru, Micronesia, Tuvalu, quần đảo Pitcairn và St Helena cũng là những nơi chưa bị Covid-19 tấn công.

04. Kỳ lạ nền kinh tế “lên voi xuống chó”

Năm 1980, Nauru là quốc gia giàu có nhất trên Trái đất. Nhưng từ năm 2017 đến nay, Nauru được xếp vào danh sách 5 quốc gia nghèo nhất trên thế giới bởi BusinessTech. Lịch sử của hòn đảo Thái Bình Dương nhỏ bé này vừa thú vị vừa kỳ lạ.

Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Nauru là một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, cách Australia khoảng 1.800 dặm. Đây là nước cộng hòa và quốc gia. Ban đầu hòn đảo này bị chiếm đóng bởi những người từ Micronesia và Polynesia, sau đó bị một số quốc gia đô hộ từ thế kỷ 19. Quốc đảo này lần đầu tiên được tuyên bố chủ quyền bởi Đức, sau đó được quản lý bởi Australia, New Zealand và Vương quốc Anh. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nauru đã bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng. Nauru cuối cùng giành được độc lập vào năm 1968.

Là một quốc gia nhỏ nhất và ít du khách nhất trên thế với dân số cũng vào loại ít nhất thế giới, Nauru có lẽ được biết đến nhiều nhất với lịch sử từ giàu trở nên nghèo đói. Điều này được Helen Hughes miêu tả cụ thể trong một bài báo năm 2004.

Từ giàu thành nghèo

Những điều kỳ lạ ở Nauru - đảo quốc nhỏ nhất thế giới

Hòn đảo xinh đẹp không bị tấn công bởi Covid-19 (Ảnh: Pickvisa.com).

Khai thác phosphate là nguồn thu nhập chính của Nauru trong những năm 1970 và 1980. Với giá phosphate cao trong những năm 1970, Hughes ước tính rằng GDP bình quân đầu người của Nauru vào năm 1975 là 50.000 USD, chỉ đứng sau Saudi Arabia.

Nền kinh tế quốc gia bùng nổ và người dân nhanh chóng tận dụng sự sung túc mới kiếm được để mua xe hơi và xây nhà lớn. Chính phủ đã xây dựng hòn đảo với những tòa nhà và khách sạn ấn tượng. Họ thậm chí còn thành lập hãng hàng không riêng để nhập khẩu đồ ăn phương Tây.

Tuy nhiên, tất cả những điều tốt đẹp đó không tồn tại lâu. Do khai thác quá mức, nguồn phosphate trở nên cạn kiệt và đất nước lâm vào cảnh nợ nần. Chi tiêu của chính phủ bắt đầu vượt quá doanh thu.

Vào cuối những năm 1990, Nauru trở nên tuyệt vọng và hậu quả là quốc gia này phải đối mặt với những lời chỉ trích với các chiến lược thiên đường thuế ở nước ngoài và bán hộ chiếu. Các chiến lược này cuối cùng đã bị loại bỏ. Giá trị của quỹ đầu tư Nauru Phosphate Royalties Trust (NPRT) đã giảm từ 1,3 tỷ USD vào năm 1990 xuống còn 0,3 tỷ USD vào năm 2004, và sau đó chính phủ ngập sâu trong nợ nần và đang phải vật lộn để trả các hóa đơn của mình. Đến đầu những năm 2000, các nguồn tài nguyên này hầu như đã biến mất hoàn toàn.

Giàu có trở lại

Trong bối cảnh câu chuyện suy giảm ảm đạm này, Nauru đã tái xuất như một quốc gia có thu nhập cao như thế nào?

Nền kinh tế Nauru do chính phủ chi phối (chi tiêu của chính phủ thực sự vượt quá GDP). Doanh thu của chính phủ đã bùng nổ trong thập kỷ qua, tăng gần gấp 10 lần (sau khi điều chỉnh theo lạm phát): từ 30 triệu USD trong năm 2011 - 2012 lên 269 triệu USD vào năm 2019-2020 (theo giá năm 2019). Chi tiêu đã kéo theo doanh thu tăng lên. Chi tiêu của chính phủ đã tăng từ 128 triệu USD trong năm 2013 - 2014 lên 242 triệu USD trong năm 2019 - 2020.

Những điều kỳ lạ ở Nauru - đảo quốc nhỏ nhất thế giới

Khai thác phosphate ở Nauru (Ảnh: Lorrie Graham).

Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, số lượng người tị nạn đến Australia đã tăng lên đáng kể. Để giảm bớt dòng chảy này, Australia đã thành lập một số trung tâm ngoài khơi, được gọi là Trung tâm xử lý Khu vực (RPC), để vừa đối phó vừa ngăn chặn những người xin tị nạn trong tương lai. Một trung tâm như vậy cũng đã được thành lập ở Nauru.

Trung tâm RPC đã mang lại thu nhập đáng kể cho Nauru. Chính phủ Nauru ước tính rằng tổng doanh thu trực tiếp và gián tiếp từ RPC chiếm 58% tổng doanh thu của chính phủ trong năm 2019-2020.

Trung tâm RPC ở Nauru đóng cửa vào năm 2007 do quá đông và thiếu nước uống, khiến chính phủ Australia phải tái phát triển các trại. Sau đó, họ mở cửa trở lại vào năm 2012. Theo báo cáo, trung tâm không có nhiều sự cải thiện về điều kiện trong trại tị nạn. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng RPC đã mang lại sự chuyển đổi cho nền kinh tế của quốc gia này.

Một điều ngạc nhiên là cách Nauru tiếp tục kiếm tiền từ RPC ngay cả khi số lượng người xin tị nạn giảm từ mức đỉnh 1.233 người vào năm 2014 xuống còn 211 người vào đầu năm 2020. Mặc dù hiện tại trung tâm RPC chủ yếu trống không nhưng nó vẫn được duy trì để có thể sử dụng trong tương lai. Hợp đồng RPC vẫn cực kỳ sinh lợi (được định giá vào năm 2019 là 29 triệu USD mỗi tháng) và chính phủ Nauru đã trích khoảng 150 triệu USD từ hợp đồng này vào năm ngoái với nhiều loại phí và thuế khác nhau.

Trung tâm RPC không chỉ là một nguồn doanh thu chính mà còn là một nhà tuyển dụng lớn. Vào năm 2019-2020, chính phủ Nauru sử dụng 51% lực lượng lao động của đất nước này, trong khi trung tâm RPC sử dụng 15%.

Những điều kỳ lạ ở Nauru - đảo quốc nhỏ nhất thế giới

Nauru - quốc gia ít đươc viếng thăm nhất thế giới (Ảnh: Shutterstock).

Động lực khác của tăng trưởng là sự bùng nổ về giá trị của hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển của Nauru. Doanh thu cấp phép đánh bắt cá đã tăng từ 25 triệu USD trong năm 2013 - 2014 lên 73 triệu USD trong năm 2019-2020 (một lần nữa được điều chỉnh theo lạm phát). Thỏa thuận Nauru năm 2010 là cam kết của 8 quốc gia Thái Bình Dương với một phần tư nguồn cung cá ngừ của thế giới nhằm áp đặt một chương trình cấp phép chung cho các tàu đánh cá nước ngoài. Thỏa thuận này, kết hợp với thời kỳ giá cá ngừ cao, đã dẫn đến việc tăng phí cấp phép đối với 8 nước ký kết.

Vị thế kinh tế được cải thiện của Nauru cho thấy đất nước này dường như đã học được một số bài học từ sự quản lý yếu kém trước đây. Nauru đã trả gần hết nợ. Và vào năm 2016, Nauru đã thành lập một quỹ tín thác liên thế hệ mới để xây dựng quỹ tiết kiệm cho những năm tới. Để tránh quản lý yếu kém, quỹ ủy thác được đồng quản lý bởi Nauru và hai quốc gia khác đã tài trợ vốn vào đó là Đài Loan và Australia.

Tương lai khó đoán

Tuy nhiên, Nauru vẫn rất dễ bị tổn thương. Ngày nay, nước này phải đối mặt với 2 rủi ro kinh tế chính: giá cá ngừ giảm và quyết định của Australia ngừng tài trợ cho trung tâm RPC. Mặc dù Nauru hiện có một quỹ ủy thác để cung cấp một vùng đệm rủi ro, song họ đã chi phần lớn doanh thu vào thời điểm bùng nổ. Khoản tiết kiệm được tích lũy trong quỹ ủy thác của Nauru cho đến nay sẽ chỉ tài trợ cho khoảng một phần ba ngân sách của một năm.

Tuy nhiên vẫn còn hy vọng để Nauru phát triển kinh tế trở lại. Theo Giáo sư Saleem H, Ali, Chủ tịch Phát triển Nguồn lực Bền vững, Đại học Queensland, đất nước này có thể bắt đầu xây dựng ngành du lịch bằng cách sử dụng cảnh quan địa lý độc đáo để thu hút khách du lịch. Đồng thời, để tăng trưởng bền vững, chính phủ có thể xem xét sử dụng năng lượng mặt trời thay vì nhập khẩu dầu diesel.

Ngân hàng Bendigo đã mở một chi nhánh trên đảo, giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc tiết kiệm và đầu tư tiền của mình vào các tổ chức tài chính phù hợp.

Tất cả cải cách này sẽ vẫn cần nguồn tài trợ tài chính lớn từ các nhà tài trợ mà Nauru đã phụ thuộc rất nhiều vào.

Giáo sư Ali cũng nhắc lại rằng bước tiếp theo quan trọng mà Nauru phải làm là đảm bảo rằng, lần này, không giống như thời kỳ bùng nổ trước đó, doanh thu của quốc gia này từ mối quan hệ với Australia và từ nguồn vốn tự nhiên của họ, được chuyển đổi thành nguồn vốn kinh tế lâu dài.

Nauru cần phải tiết kiệm nhiều hơn, đồng thời hy vọng rằng giá cá vẫn ở mức cao và Australia tiếp tục trả tiền cho trung tâm RPC đang trống rỗng của mình. Nếu không, thời kỳ giàu có thứ hai của Nauru có thể sẽ chỉ là tạm thời như lần thứ nhất.

Theo dantri

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh