Những địa điểm diễn ra hiện tượng tự nhiên này được gọi là "kỳ quan của thiên nhiên", đó là cuộc di trú ngoạn mục của loài bướm vua tại Mexico hay đàn đom đóm phát sáng tại núi Great Smoky Mountains, Mỹ.
Đi chơi các địa điểm trên vào thời gian nào là hợp lý?
Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 diễn ra mùa di trú của loài bướm vua. Hàng triệu con bướm vua (The Monarch - Danaus Plexippus) thực hiện cuộc hành trình di cư lên đến 3.200km từ Canada tới trú đông tại các khu rừng ở miền trung Mexico.
Chúng đậu dày đặc thành từng mảng cam trên những nhánh cây thông vùng rừng Michoacán, Mexico tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động và đầy cuốn hút.
Khung cảnh trở nên sống động đặc biệt khi những chú bướm đậu im trên cành thông bất ngờ đồng loạt đập cánh bay giữa không trung với vũ điệu của những sắc cam rực rỡ. Đây được xem là một trong những cuộc di cư độc đáo nhất trong thế giới tự nhiên.
Ảnh: National Geographic
Ảnh: National Geographic
Ảnh: Michael Yang/Rex Features
Trong khi đó, từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 là mùa kết đôi của đom đóm. Hàng năm, vào thời gian này là đàn đom đóm lại bay nhấp nháy tỏa sáng vùng trời đêm tại công viên quốc gia núi Great Smoky, bang Tennessee, Mỹ, gây sự thích thú cho bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến.
Có tất cả 19 loài đom đóm tại núi Great Smoky, nhưng chỉ có loài Synchronous fireflies có khả năng phát sáng đồng bộ. Chúng sẽ đồng loạt phát sáng từ 5 đến 8 lần, dừng trong khoảng 8 đến 10 giây trước khi lặp lại chu kỳ phát sáng đó, chính điều này làm quang cảnh đêm vùng núi rực sáng tựa như một bức tranh nghệ thuật rực rỡ.
Ảnh: National Geographic
Ảnh: National Geographic
Còn bạn muốn ngắm dòng sông ngũ sắc thì hãy đến sông Caño Cristales, nằm ở miền bắc Columbia vào tháng 6 đến tháng 11. Cảnh tượng ngũ sắc dưới dòng nước trong veo như thôi miên du khách.
Hiện tượng ngũ sắc được giải thích do tảo Macarenia clavigera "bùng nổ nở hoa" tạo nên màu hồng đỏ rực rỡ hòa với màu bùn cát vàng ở đáy sông.
Ảnh: National Geographic
Ảnh: National Geographic
Ảnh: National Geographic
Một ‘kỳ quan thiên nhiên’ khác gây ấn tượng với du khách là mùa di trú của loài cua đỏ vào đầu mùa mưa từ tháng 10 đến 12 tại đảo Christmas (hay đảo Giáng sinh) Úc. Mùa mưa cũng là mùa sinh sản của cua đỏ, lúc này hàng triệu con cua từ những hang trong vùng rừng vượt qua đoạn đường dài 8km để ra biển.
Sau khi sinh sản, đàn cua con tí hon có kích thước chừng 5mm bám dày đặc trên các khối đá và khi cơ thể đủ cứng cáp sẽ bò về đất liền.
Trong quá trình di cư, đàn cua đỏ bò ngập tràn vùng bờ biển, trên đường và khu dân cư. Để giảm mối đe dọa khi cua bị các phương tiện giao thông cán lúc băng qua đường, chính quyền địa phương đặt biển cấm người và xe cộ qua lại tại một số khu vực và làm đường riêng cho chúng di chuyển.
Ảnh: National Geographic
Trong khi đó, nhắc tới rừng hoa bạt ngàn, du khách có thể đến cánh đồng hoa oải hương ở Trung Quốc hay cánh đồng hoa vùng sa mạc Namaqualand thuộc Namibia và Nam Phi; và đặc biệt là mùa nở hoa rực rỡ tại sa mạc khô nhất thế giới Atacama thuộc Chile.
Đến sa mạc Atacama vào tháng 8 đến tháng 11 là lý tưởng nhất để xem mùa nở hoa, tuy nhiên vẫn phải phụ thuộc vào lượng mưa. Năm nào có lượng mưa cao bất thường do hiện tượng El Niño thì hoa mới bung nở rộ tạo nên khung cảnh đẹp nhất.
Ảnh: National Geographic
Ảnh: National Geographic
Du khách đi đến các vùng Bắc cực để chiêm ngưỡng hiện tượng Bắc cực quang lung linh từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 3. Đây là những chùm sáng hình vòng cung cực đẹp luôn chuyển động với nhiều màu sắc lộng lẫy trên nền trời vào ban đêm.
Na Uy là một trong những nơi quan sát được Bắc cực quang đẹp nhất với những dải lụa phát sáng màu xanh và hiếm hơn là gặp được ánh sáng màu đỏ pha tím. Những ánh sáng kỳ ảo này khi xuất hiện thường kèm theo những tiếng rền rền, thì thào nghe rất lạ.
Ảnh: National Geographic/Getty
Ảnh: Martial Trezzini/EPA
Nói đến các "kỳ quan thiên nhiên" không thể không nhắc tới các rạn san hô nhiều sắc màu ở Úc, và thú vị hơn là xem thời điểm các rạn san hô này đồng loạt sinh sản (Coral Spawning) trong vòng một tuần sau những đêm rằm trong mùa thu.
Theo BBC, san hô sinh sản bằng cách giải phóng tinh trùng và trứng vào dòng nước. Trứng tí hon trôi nổi bồng bềnh trên mặt nước, sau đó tinh trùng tìm bơi đến trứng và thụ tinh, phát triển thành ấu trùng và "lắng" xuống đáy biển dần dần phát triển thành thuộc địa san hô mới.
Nhìn từ trên không, những vệt trứng trôi nổi cứ y như một trận bão tuyết diễn ra dưới nước, nhấp nhô bên dưới những con sóng ở vùng biển Ningaloo, Tây Úc hình thành nên cảnh tượng lạ mắt.
Ningaloo nổi tiếng với những rạn đá ngầm lớn trải dài 260km bên ngoài bờ biển phía bắc của Tây Úc. Bờ biển này ở hữu rặng san hô Ningaloo gần bờ đẹp nhất thế giới và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2011.
Ảnh: Alamy/National Geographic
Ảnh: OceansIQ
Trong khi đó, nói đến hiện tượng phát sáng kỳ thú trong tự nhiên phải kể đến vũ điệu kết đôi và phát quang sinh học ấn tượng của loài mực đom đóm (the firefly squid, Watasenia scintillans) ở vịnh Toyama, Nhật Bản.
Trong mùa giao phối từ tháng 3 đến tháng 6, những con mực có kích thước chừng 8cm trồi lên mặt nước vào khoảng 3 giờ sáng thực hiện màn yêu thương, lúc này cơ thể chúng có cơ chế phát quang tỏa ra ánh sáng xanh huyền bí trong khung cảnh tờ mờ sáng.
Tại Toyama, du khách có thể lên trên tàu đánh cá vào ban đêm, ngắm nhìn bờ biển, bãi cát ngầm đẹp tuyệt vời và quan sát những con mực đom đóm phát sáng gần bờ biển khi trời hừng sáng.
Ảnh: National Geographic/Getty
Ảnh: The New York Times/Getty