Những ngày cuối năm luôn khiến cho tâm trạng con người ngổn ngang, cảm xúc khó tả. Có một chút hối tiếc, thẫn thờ, bâng khuâng nhưng cũng đầy háo hức lạ kỳ. Tôi ngồi bên tách trà chiều trong một ngày nghỉ, nhìn nắng, nhìn thời gian chầm chậm lướt trôi trên tán lá và nỗi nhớ cứ thế men theo về.
Tách trà chiều cuối năm luôn gọi về nhiều ký ức. Ảnh Internet
Những ngày cuối năm ở quê nhà luôn là những ngày bình yên đến lạ. Khi đó cái lạnh đã “bơn bớt” đi, người người, nhà nhà đều tranh thủ ra đồng làm đất, chăm sóc cây cối cho kịp mùa xuân ghé thăm. Con đường làng đất đỏ in dấu chân tuổi thơ của tôi quanh co hai bên những hàng bạch đàn xao xác đổ lá dày từng thảm.
Dưới vệ đường, những bụi hoa xuyến chi nở trắng có nhụy màu vàng tươi như điểm tô cho con đường thêm nét thơ. Thi thoảng, cơn gió đông vội nhẹ lướt qua, một vài hạt bụi bay lên trong nắng chiều đông lấp lóa. Bầy trẻ con nhảy chân sáo trên đường làng, ríu rít như đám chim non, miệng nhẩm một vài câu hát đồng dao.
Dưới vệ đường, những bụi hoa xuyến chi nở trắng có nhụy màu vàng tươi như điểm tô cho con đường thêm nét thơ. Ảnh tư liệu
Tôi cầm chiếc xô nhựa be bé đi theo sau đường cày của cha nhặt lấy những con cua đồng đang ngấp nghé tìm nơi trú ẩn. Những chú cua mùa đông xẹp lép nhưng cũng làm nên một bữa canh riêu ngon lành với dọc mùng hay rau lang non mơn mởn. Bàn chân tôi đạp phải những khối đất, mềm nhũn tan trong nước, lạnh đến tím cả chân. Thuở ấy nhà nghèo đói, bữa ăn hằng ngày của gia đình đều phải trông chờ vào những con cua ngoài đồng, con cá dưới mương. Cha vừa cày, vừa động viên đứa con nhỏ của mình thật chăm chỉ và cố gắng để cho tương lai được tốt đẹp hơn.
Bữa tối, cha làm canh riêu từ những con cua đồng tôi bắt được. Bát canh ngọt vị đậm cua lẫn rau xanh mát lành. Cả gia đình đầm ấm ngồi bên nhau thưởng thức, quên đi cái đói nghèo, cái lạnh trước mắt mà hạnh phúc tận hưởng giây phút ngọt ngào.
Bữa tối, cha làm canh riêu từ những con cua đồng tôi bắt được. Ảnh minh họa Internet
Những ngày cuối năm, tôi thường theo mẹ đi chợ tết. Mẹ có sạp hàng xén nho nhỏ ở góc chợ quê. Chợ ở quê những ngày cuối năm nhộn nhịp và huyên náo hơn bao giờ hết. Người bán, người mua, cười nói rôm rả. Trẻ con đến chợ rất đông. Đôi khi đến chợ chỉ để thỏa thuê nhìn ngắm chứ không mua bán gì. Tôi thích tính cách người ở chợ quê tôi. Họ suồng sã, thân thương coi nhau như người thân ruột thịt. Đến chợ quê ngày cuối năm mới thấy được không khí tết đang về thực sự. Chuối, bưởi, lá dong, lạt buộc, hoa quả… được bày bán khắp.
Mỗi khi nhớ quê, tôi lại nhớ về chợ tết, nhớ những quán hàng rực đầy sắc màu của tranh dân gian, nhớ góc ẩm thực có bát bánh đúc nóng hổi, nhớ bóng bay tai thỏ xanh đỏ. Và phảng phất trong cái se lạnh mùi hương trầm ai đó đốt lên mời gọi người đi chợ ghé mua. Rồi tôi bâng quơ nghĩ, khi lớn lên, lo toan cuộc sống đời thường, có mấy ai dành được chút thời gian về sống lại cảm giác hương nồng, mặn mòi của góc chợ quê ngày cuối năm?
Chợ Tết trong ký ức luôn nhộn nhịp huyên náo, trẻ con đến chợ rất đông. Ảnh tư liệu
Thời gian cuốn kỷ niệm của tôi đi thật xa, những đường cày của cha lùi vào trong ký ức, con cua đồng cũng trở về dĩ vãng. Và tôi thì rất nhớ những ngày xa xưa của mình trong những ngày cuối năm.
Những ngày cuối năm nghĩ về hiện tại. Một năm với thật nhiều biến động và nhiều cảm xúc khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khiến mọi người lo lắng, bất an. Sang năm mới, hơn bao giờ hết, tôi cũng như bạn đều mong dịch bệnh chóng qua đi, để những cuộc đoàn tụ, mọi người xích lại gần nhau, trao nhau nhiều yêu thương, trên môi nụ cười tươi thắm. Một năm nhìn lại, soi lại mình, tôi thấy mình cần phải sống chậm lại, gạn bỏ ý nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu, vui vẻ tiếp bước cùng mùa xuân để làm hành trang cho năm sau thật rực rỡ hơn…