Máy điều hòa là thiết bị cần thiết trong điều kiện nắng nóng kéo dài, nhưng tiêu tốn nhiều điện năng. Ngoài những lưu ý về lựa chọn công suất, vị trí lắp đặt phù hợp, một số điều chỉnh, thay đổi nhỏ về thói quen sử dụng cũng giúp máy có tiết kiệm điện hơn.
Chọn chế độ làm mát phù hợp
Đa số nhà sản xuất máy lạnh tích hợp tính năng làm lạnh nhanh trong khoảng 30 phút đầu. Khi mới khởi động, người dùng có thể chọn chế độ này để đạt hiệu quả nhanh trước khi chuyển về các tùy chọn thông thường.
Mỗi thương hiệu có tên gọi chế độ khác nhau. Trên máy lạnh Samsung là Fast Cooling, cho phép máy nén hoạt động với công suất tối đa trong 30 phút đầu để hạ nhiệt độ phòng.
Còn chế độ iAuto trên máy Panasonic giúp tự động điều chỉnh tốc độ quạt để làm lạnh nhanh hơn 15% so với máy lạnh thông thường nhưng vẫn tiết kiệm điện năng.
Tương tự, máy lạnh Daikin có chế độ Powerful, hay chế độ Jet Cool của LG; Super Jet của Sharp; Hi Power của Toshiba; Turbo của Aqua, Beko, Casper... Điểm chung của chế độ này là làm mát nhanh trong khoảng Tuy nhiên, nhược điểm của tính năng này là máy phải hoạt động với tần suất cao.
Các chuyên gia lưu ý, nếu muốn mát nhanh, người dùng nên chọn chế độ Cool thay vì Dry. Dry không phải để làm lạnh không khí mà chỉ giảm độ ẩm. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, Dry thậm chí khiến người dùng cảm thấy khó chịu hơn.
Kết hợp quạt
Các nhà sản xuất cho biết việc kết hợp điều hòa và quạt, đặc biệt quạt trần có thể giúp không gian được làm mát tốt hơn trong khi vẫn tiết kiệm điện.
Jennifer Amann, thành viên cấp cao trong chương trình xây dựng nền kinh tế tiết kiệm năng lượng của Mỹ, nói với WSJ rằng việc kết hợp quạt trần có thể giúp người dùng thấy thoải mái dù tăng điều hòa lên vài độ. Quạt sẽ giúp tăng lưu lượng không khí trong phòng, lan tỏa khí lạnh đến các ngóc ngách, cho hiệu quả làm mát nhanh hơn.
Bật chế độ Swing
Thông thường, người dùng có thói quen chỉnh hướng cửa gió của điều hòa xuống quá thấp, hoặc hướng trực tiếp vào vị trí ngồi để cảm nhận khí mát. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo đây là thói quen không tốt.
Theo nguyên lý cơ bản, khí nóng luôn tích tụ ở trên cao và nhẹ hơn khí lạnh. Trong khi khí lạnh nặng hơn và có xu hướng bay xuống thấp. Việc chỉnh hướng gió xuống thấp sẽ khiến thiết bị chỉ làm mát cục bộ tại vị trí được điều hướng, mất nhiều thời gian làm mát toàn bộ không gian, dẫn đến tốn điện hơn. Để đạt hiệu quả, nên bật chế độ Swing, cho phép luồng khí lạnh phân bổ đều, tăng hiệu suất làm lạnh.
Lực gió cũng ảnh hưởng đến tốc độ làm lạnh của điều hòa, nên bật gió ở tốc độ cao nhất. Nguyên lý hoạt động tương tự kết hợp quạt.
Chọn nhiệt độ phù hợp
Nhiều người thường khởi động máy lạnh ở mức nhiệt độ thấp khoảng 18 độ C. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo việc này chỉ mang đến cảm giác làm mát tức thời nhưng không hiệu quả về mặt hiệu năng. Khi khởi động ở chế độ làm mát thấp nhất, dàn máy nén phải hoạt động hết công suất, gây tốn điện và có thể khiến điều hòa nhanh hỏng hơn.
Thay vào đó, nên khởi động ở khoảng nhiệt độ 23-24 độ C, sau đó nâng lên 26-28 độ C. Theo tính toán, trung bình cứ tăng 1 độ C sẽ giúp tiết kiệm 1-3% điện năng. Ngoài ra, chọn nhiệt độ phù hợp giúp cơ thể không bị sốc nhiệt khi dùng máy lạnh.
Quan trọng hơn, người dùng nên vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ; không tắt mở điều hòa thường xuyên; đóng các cửa; không bật liên tục trong 24 giờ.