Những thực phẩm nào dễ tạo ra nồng độ cồn sau ăn?

Việc xử phạt người lái xe vi phạm nồng độ cồn còn nhiều tranh cãi, khi thực tế nhiều người không uống rượu bia, chỉ ăn uống thực phẩm hằng ngày vẫn có nồng độ cồn trong hơi thở và trong máu.

Các chuyên gia cho biết sau khi ăn trái cây, nhất là loại có nhiều đường thì cơ thể sẽ sinh ra lượng cồn nhất định - Ảnh: XUÂN MAI

Trong bối cảnh nghị định 100 còn hiệu lực, với mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được quy định với ngưỡng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở; nhiều người tìm hiểu những thực phẩm nào khi ăn vào dễ sinh ra nồng độ cồn để tránh bị phạt "oan".

Chú ý trái cây nhiều đường, món ăn dùng gia vị là rượu bia...

Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thực tế các loại hoa quả chứa nhiều đường như chuối tiêu, chôm chôm, mít, vải..., hoặc các sản phẩm đồ uống có cồn từ hoa quả đều có thể lên men tự nhiên sau khi sử dụng và sinh ra lượng cồn nhất định.

Trong trường hợp vừa dùng những thực phẩm này, có thể đo được nồng độ cồn dù ở trị số rất nhỏ.

Ngoài ra, một số người mắc hội chứng trào ngược dạ dày thực quản cũng có nhiều nguy cơ phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở. Thời gian đào thải hết nồng độ cồn trong vòng khoảng 15-30 phút tùy lượng bạn ăn.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, trong những món ăn của người Việt có một số món sử dụng rượu bia làm gia vị, đặc biệt là một số món thủy, hải sản như cá hấp bia, lẩu bò nhúng giấm, bò xốt vang...

Vì sử dụng gia vị là rượu, bia nên có chứa lượng cồn dù không nhiều.

Mặc dù việc ăn những thực phẩm này không ảnh hưởng đến điều khiển phương tiện giao thông nhưng vẫn khiến hơi thở có nồng độ cồn.

Ngoài trái cây, đồ uống hoa quả có cồn nêu trên, PGS Nguyễn Hoài Nam (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho hay những thực phẩm giàu chất bột đường (cơm, bún, phở...), giàu chất xơ (rau xanh), sữa chua cũng tạo ra nồng độ cồn "ngoại sinh" sau khi ăn, nhất là sau khi ăn quá no vào buổi tối, làm thức ăn khó tiêu hóa, sản sinh nồng độ cồn.

Súc miệng, uống thêm nước lọc, hạn chế ăn quá no buổi tối

Để tránh việc thổi nồng độ lên cồn dù không uống rượu, bia mà chỉ do ăn các thực phẩm chứa cồn, bác sĩ Hoàng khuyến cáo sau khi ăn nên nghỉ ngơi 30 phút, súc miệng, uống thêm nước lọc. Trường hợp đo vẫn lên, có thể đề nghị cán bộ cho nghỉ thêm 15 phút rồi đo lại.

PGS Nguyễn Hoài Nam hướng dẫn thêm cần hạn chế ăn quá no, ăn nhiều trái cây vào buổi tối, đặc biệt chú ý ở những bệnh nhân mắc bệnh đường tiêu hóa vì sẽ gây khó chịu ở bụng nhiều hơn và kéo dài đến hôm sau. Lúc này, trong cơ thể chúng ta có nồng độ cồn cao hơn vì thực phẩm sau ăn chưa được tiêu hóa hết.

Theo bác sĩ Hoàng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm đơn vị cồn. Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200ml bia; 75ml rượu vang (1 ly); 25ml rượu mạnh (1 chén). Tùy vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.

"Người trưởng thành có sức khỏe bình thường, cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tuy nhiên, còn tùy vào mỗi người, như người gan yếu, người có cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.

Ngoài ra các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo", bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói