Niềm tự hào của người đảng viên 70 năm tuổi Đảng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Cụ Đặng Quốc Khương (xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cựu chiến sĩ Điện Biên, đảng viên 91 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng tràn ngập niềm vui, niềm tự hào khi mình vẫn còn mạnh khỏe để được theo dõi trọn vẹn kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Cụ Đặng Quốc Khương sinh năm 1930 - năm thành lập Đảng ở xã Cẩm Dương. Tháng 7/1950, thanh niên Đặng Quốc Khương lên đường nhập ngũ. Sau khi học tập 3 tháng tại huyện Hương Khê, cụ hành quân ra Phú Thọ, được biên chế vào Đại đội Công binh 240, thuộc Đại đoàn 312 thực hiện các nhiệm vụ như: xây dựng chỉ huy sở, bắc cầu, mở đường, phá vật cản của địch, đánh chặn viện quân của địch...

Niềm tự hào của người đảng viên 70 năm tuổi Đảng ở Hà Tĩnh

Cựu chiến sĩ Điện Biên, đảng viên 91 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng Đặng Quốc Khương.

Tháng 2/1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai tổ chức tại Tuyên Quang và đúng một năm sau, tại một rừng nứa ở chiến khu Việt Bắc, ngày 11/2/1952, chiến sĩ vệ quốc Đặng Quốc Khương được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Đại đội Công binh 240 được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ đặc biệt: bắc cầu qua Nậm Hu để bộ đội ta đánh vào đồn Him Lam… Là người dân miền biển giỏi bơi lội nên Đặng Quốc Khương được giao cùng tổ 4 người đi dò độ sâu, chiều rộng, dòng chảy của sông để chọn địa điểm bắc cầu.

Khi cầu bắc xong, địch phát hiện liền dùng hỏa lực oanh tạc hòng phá cầu. Đơn vị đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ thành quả. Một vùng rộng lớn bom cày đạn xới, cây cối xơ xác; nhiều người đã hy sinh (trong đó có đồng chí Nguyễn Đình Khê, quê ở Cẩm Nam) và cuối cùng ta đã giữ được cầu.

Tiếp đó, Đại đội Công binh 240 phối hợp với các đơn vị đánh đồi Độc Lập, chia cắt sân bay Mường Thanh... góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Niềm tự hào của người đảng viên 70 năm tuổi Đảng ở Hà Tĩnh

Kỷ niệm chương của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2003) tặng cụ Đặng Quốc Khương

Kết thúc Chiến dịch Điện Biên phủ, Trung úy Đặng Quốc Khương tiếp tục phục vụ trong đơn vị công binh; giai đoạn 1960-1961, là Chủ nhiệm Công binh của Trung đoàn 165; được điều động về làm Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Tổ chức Mỏ sắt Trại Cau (Khu gang thép Thái Nguyên), sau đó được chuyển về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, thực hiện nhiệm vụ tăng cường cán bộ quản lý cơ sở ở các huyện, xã để chỉ đạo sản xuất, chiến đấu và chi viện miền Nam trong những năm bom đạn ác liệt nhất.

Chiếc xe đạp, chiếc xắc cốt... cùng với người đảng viên kiên trung Đặng Quốc Khương đã rong ruổi đến các địa phương, cơ sở dưới làn bom đạn của giặc ở cầu Phủ, cầu Họ, cầu Rác, cầu Nậy…

Sau khi nghỉ hưu, cụ Khương tiếp tục tham gia công tác xã hội và làm ruộng, làm biển để cùng vợ chăm sóc, nuôi dưỡng 5 người con ăn học. Các con cụ đã trưởng thành và là những sĩ quan quân đội, phi công, sĩ quan công an, là những kỹ sư, kỹ thuật viên của các doanh nghiệp nhà nước.

Tuổi cao, gương sáng, cụ Đặng Quốc Khương luôn giữ gìn phẩm chất, tư cách đạo đức của người đảng viên; là người luôn vui vẻ, lạc quan, một hội viên cao tuổi mẫu mực, làm gương cho con cháu, xóm làng từ việc sản xuất, quan hệ láng giềng, xây dựng nông thôn mới.

Niềm tự hào của người đảng viên 70 năm tuổi Đảng ở Hà Tĩnh

Cụ Khương cùng người con trai cả, hiện là Chủ tịch Hội CCB xã Cẩm Dương.

Nhiều người khuyên cụ, tuổi cao rồi nên xin nghỉ sinh hoạt chi bộ để khỏi vất vả nhưng theo cụ, là đảng viên suốt đời theo Đảng và cống hiến cho Đảng, giờ tuổi cao sức yếu, không “làm to vác nặng” được nữa thì vẫn phải sinh hoạt Đảng, sinh hoạt hội cựu chiến binh để tham gia góp ý cho các đồng chí thế hệ sau.

Với những cống hiến trong chiến tranh cũng như trong thời bình, cụ Đặng Quốc Khương đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến sĩ hạng Ba (1952), Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì (1954), Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (1958), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1985), Kỷ niệm chương của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2003), các huy hiệu: 40 năm, 50 năm, 60 năm tuổi Đảng và hàng chục bằng khen, giấy khen của Đại đoàn, Khu gang thép Thái Nguyên và tỉnh Hà Tĩnh…

Năm nay, cụ Đặng Quốc Khương tròn 91 tuổi và được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đúng vào dịp diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng.

Cụ bảo, từ năm 1960 đến nay, cụ luôn theo dõi các kỳ đại hội Đảng và phấn khởi vì những thành tựu vĩ đại của Đảng qua các nhiệm kỳ đại hội. “Niềm vinh dự, tự hào lớn nhất 70 năm qua đó là, tôi là một đảng viên luôn trung thành, phấn đấu và cống hiến cho lý tưởng của Đảng” - cụ Khương nói trong niềm hạnh phúc, tự hào.

Chủ đề 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).