Sáng mãi ký ức về những “chuyến tàu bão táp”
Trong căn nhà nhỏ ở tổ dân phố 12 - thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên), ông Nguyễn Xuân Cừ kể cho tôi nghe về những năm tháng tuổi trẻ hào hùng.
Tháng 2/1961, ông Cừ lên đường nhập ngũ và được tham gia huấn luyện hải quân tại Quảng Ninh. Nơi đây, ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm đơn vị. Chính những lời căn dặn ân cần của Bác đã trở thành nguồn động lực cho ông và đồng đội trong những năm tháng chiến đấu về sau.
Ông Nguyễn Xuân Cừ hiện là Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 23/10/1961, đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập, cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, thực hiện chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 8/1964, ông Cừ chính thức được điều chuyển về Lữ đoàn 125 đường Hồ Chí Minh trên biển.
Từ đây, bắt đầu những ngày tháng ông cùng đồng đội của mình “cưỡi sóng, lướt gió” ngày đêm vận chuyển cán bộ, vũ khí, phương tiện vào tiếp viện cho chiến trường miền Nam, lập nhiều chiến công vang dội.
Tàu không số - những con tàu huyền thoại
Mỗi chuyến tàu ra khơi, đi trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên; là một lần vượt qua chính mình của tất cả chiến sỹ, thủy thủ tàu.
Cán bộ, chiến sỹ được lựa chọn tham gia đoàn tàu không số là những người thông minh, quyết đoán, táo bạo và đều tự xác định “ra đi cảm tử, không hẹn ngày về”... Khi gặp hiểm nguy, sẵn sàng quyết tử lao vào tàu địch, chiến đấu đến phút cuối cùng để bảo vệ hàng hóa, vũ khí, cung đường vận chuyển...
Cán bộ, chiến sỹ tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho miền Nam. (Ảnh tư liệu internet).
"Chính vì nhiệm vụ đặc biệt đó mà nguyên tắc đầu tiên đối với đoàn tàu không số là tuyệt đối bí mật. 18 người trên tàu nhưng chỉ có sỹ quan chỉ huy, người làm nhiệm vụ cơ yếu, báo vụ mới được cấp phát giấy và bút chì để ghi chép, liên lạc trong trường hợp cần thiết. Còn chiến sỹ, muốn viết thư về cho gia đình phải được chỉ huy kiểm duyệt và tự tay chỉ huy niêm phong, mang đi gửi” - ông Cừ cho biết.
Trong suốt hơn 10 năm lênh đênh trên biển (1964 - 1975), ông Cừ đã trực tiếp lái 4 chiếc tàu trong đoàn tàu không số, gồm các tàu: C55, C56, C68, C121. Ông vẫn còn nhớ như in những “chuyến tàu bão táp” khi ông chở đoàn cán bộ cấp cao của quân đội cùng hàng hóa, vũ khí vào các tỉnh phía Nam. Đến điểm cuối thì không thể bắt liên lạc được với cơ sở ở đất liền, tàu phải đi vào rồi lại trở ra biển rất nhiều lần mới giao được người và hàng an toàn. Có những chuyến bị tàu khu trục của Mỹ, ngụy bám đuổi liên tục từ vùng biển phía Nam ra đến tận đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Ông Nguyễn Xuân Cừ và ký ức không thể nào quên về những năm tháng chiến đấu trên đường Hồ Chí Minh trên biển.
“Lúc bấy giờ, tuy trang bị hàng hải thô sơ nhưng bằng trình độ và kinh nghiệm dày dặn, cán bộ, chiến sỹ của tàu vẫn phán đoán được thời tiết, nắm vững địa hình để di chuyển ngoài khơi một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Để tránh bị phát hiện, tàu phải “trà trộn” với tàu ngư dân, đổi số liên tục mới có thể lọt qua vòng kiềm tỏa của địch để chở vũ khí, cán bộ, chiến sỹ cập bến an toàn, đúng thời điểm.
Chúng tôi tự hào đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc” - ông Cừ không giấu nổi niềm xúc động, tự hào.
Vinh dự được kết nạp Đảng trên tàu không số
Tháng 3/1968, khi ông Cừ đang là chiến sỹ lái tàu C56, tàu của ông cùng với 3 tàu khác được điều động tham gia vận chuyển vũ khí phục vụ các trận đánh lớn. Khi vào đến vùng biển Quảng Ngãi, 2 chiếc tàu bị lộ, địch tấn công ác liệt, hầu hết chiến sỹ của tàu hy sinh và bị thương, tàu phải hủy nổ. Chiếc thứ 3 vào đến Nha Trang cũng bị lộ và không thể tiếp tục hành trình.
Ông Nguyễn Xuân Cừ xúc động nhớ lại giây phút thiêng liêng được kết nạp Đảng ngay trên tàu.
Tàu C56 do ông Cừ lái vào được vùng biển Cà Mau thì cũng bị địch bao vây. Trước tình thế nguy cấp, ông Cừ đã nảy sinh sáng kiến đập vỡ quả bom mù để tạo khói phong tỏa biển, mở đường thoát hiểm cho tàu. Sáng kiến này được chỉ huy chấp thuận và đã thành công như mong đợi. Tàu cập bến, vận chuyển vũ khí an toàn, bảo toàn lực lượng.
Nhờ chiến công đó, ông Cừ được chi bộ quyết định kết nạp Đảng ngay trên tàu. Đó là buổi lễ kết nạp Đảng đặc biệt, không thể nào quên trong cuộc đời người bộ đội Cụ Hồ với đầy đủ nghi thức trang trọng.
Cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 125 đường Hồ Chí Minh trên biển hội ngộ nhân ngày truyền thống tháng 10/2020 (Ảnh tư liệu internet).
“Giây phút được đứng trước lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc, đứng trước các anh em đồng chí tuyên thệ là giây phút thiêng liêng nhất cuộc đời tôi. Càng xúc động, tự hào hơn khi giây phút đó diễn ra ở một nơi đặc biệt - đường Hồ Chí Minh trên biển” - ông Cừ rưng rưng chia sẻ.
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ông Cừ được chuyển về nhận nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đoàn 682 (nay là Tiểu đoàn 873) Vận tải biển của Quân khu IV. Năm 1986, ông về hưu và tiếp tục đảm nhận nhiều vị trí công tác tại địa phương. Ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...
May mắn trở về từ cuộc chiến, người cựu binh vẫn miệt mài với công việc tập hợp, tìm kiếm thông tin về gia đình, người thân các đồng đội là liệt sỹ
Với vai trò là Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Hà Tĩnh, ông là người kết nối 70 hội viên, lấy hoạt động nghĩa tình làm trọng tâm, hội đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm gia đình, người thân các đồng đội là liệt sỹ.
Ông Cừ chia sẻ: “60 năm đã trôi qua, nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại nơi biển cả. Sự hy sinh của cán bộ, chiến sỹ tàu không số khác biệt nhưng mất mát, đau thương thì cũng như bao sự hy sinh khác. Thế nên chúng tôi - những người may mắn còn sống chỉ biết tìm kiếm gia đình, thân nhân đồng đội để động viên, chia sẻ, giúp họ vơi bớt nỗi đau”.