Cựu binh Hà Tĩnh và những kỷ vật trong chiếc ống tre mang về từ chiến trường

(Baohatinh.vn) - Mỗi dịp tháng 7 về, ông Lê Đình Lân (thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại lần dở những kỷ vật ghi lại những năm tháng oanh liệt được ông cất giữ cẩn thận trong chiếc ông tre mang về từ chiến trường.

Trong căn nhà nhỏ vừa mới khánh thành từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn VinGroup dành cho hộ gia đình chính sách, ông Lê Đình Lân (SN 1941) cẩn thận mở chiếc ống tre cũ kỹ, lấy ra những kỷ vật là huân, huy chương và cả vỏ đạn.

Ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt mà ông và đồng đội đã đi qua chậm rãi trở về trong từng câu chuyện kể.

Cựu binh Hà Tĩnh và những kỷ vật trong chiếc ống tre mang về từ chiến trường

Người cựu binh đánh Mỹ say sưa kể về những kỷ niệm thời chiến tranh.

Tháng 2/1965, Lê Đình Lân ông xung phong lên đường nhập ngũ, biên chế vào Đại đội 6 - Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 927, hoạt động ở chiến trường Lào.

Tại đây, ông đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến ác liệt với tinh thần anh dũng, quả cảm như: trận đánh tại bản Nậm Sa Nam (huyện Khăm Cợt - tỉnh Bôlykhămxay), trận đèo Yên Ngựa (huyện Mahaxay - tỉnh Khăm Muộn); trận bản mới giáp Thái Lan... Trong những năm tháng ở chiến trường Lào, ông nhiều lần được bình xét danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp trung đoàn.

Cuộc chiến bước vào giai đoạn mới, tháng 4/1966, ông được điều động về Tiểu đoàn Đặc công 31- là một trong những đơn vị chủ lực của Quân khu IV lúc bấy giờ, trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Tháng 1/1967, ông vinh dự được kết nạp Đảng tại chiến trường. “Đó là niềm vinh dự, tự hào, tiếp thêm động lực to lớn để tôi chiến đấu ngoan cường trong từng trận đánh” - ông Lân chia sẻ.

Cựu binh Hà Tĩnh và những kỷ vật trong chiếc ống tre mang về từ chiến trường

Những huân, huy chương ghi lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, cống hiến cho đất nước.

Những năm tháng chiến đấu anh dũng tại chiến trường Quảng Trị, ông đã không ngại gian khổ, hy sinh, cùng đồng đội lập nhiều chiến công anh dũng. Trận đánh mà ông nhớ nhất là trận phục kích giặc Mỹ trên đường hành quân từ Cồn Thiên (huyện Do Linh) đến Dốc Miếu (huyện Cam Lộ - Quảng Trị).

Đó là vào một đêm tháng 4/1967. Lúc đó, ông Lân là trung đội phó chỉ huy một tiểu đội gồm 9 lính đặc công tinh nhuệ được giao nhiệm vụ phục kích, đánh phủ đầu để làm rối loạn hàng ngũ hành quân của địch, tạo điều kiện cho quân ta tấn công tổng lực.

Cựu binh Hà Tĩnh và những kỷ vật trong chiếc ống tre mang về từ chiến trường

Những kỷ vật được ông lưu giữ trong chiếc ông tre mang về từ chiến trường.

Tiểu đội của ông được trang bị đầy đủ các vũ khí như súng CKS, tiểu liên, trung liên, B40, mìn chống tăng, lựu đạn... Phục kích cả đêm vẫn không thấy động tĩnh gì. Đến 10h30 sáng ngày hôm sau, 6 xe tăng và 2 tiểu đoàn của địch với khoảng 600 tên hành quân qua khu vực phục kích.

“Khi chiếc xe tăng đầu tiên đi qua, tôi ra lệnh cho một đồng chí trong tiểu đội nổ súng nhưng vì mất bình tĩnh, đồng chí ấy bắn trượt. Bị động bất ngờ, địch quay lại phản công ác liệt. Ngay lập tức, tôi giật lấy khẩu B40 của đồng đội, lao lên bắn trúng chiếc thứ 2. Xe bốc cháy, đội hình của chúng toán loạn như rắn mất đầu; quân ta từ các ngả phục kích đồng loạt đánh chặn” - ông Lân nhớ lại những phút giây hào hùng.

Cựu binh Hà Tĩnh và những kỷ vật trong chiếc ống tre mang về từ chiến trường

Ông Lân và em trai là Lê Đình Việt (bên phải) luôn trân quý những kỷ vật thời chiến tranh.

Trận đánh đó, quân ta đã bắn cháy 2 xe tăng, bị thương 1 máy bay, làm tan rã 2 tiểu đoàn và tiêu diệt 180 tên địch, trong đó có đóng góp không nhỏ của bản thân ông Lân và ông đã được vinh dự nhận danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú”.

Với thành tích chiến đấu anh dũng, tháng 7/1968, ông là đại diện duy nhất của đơn vị được ra Quảng Bình tham dự Đại hội Liên mặt trận Quân khu IV, V, báo cáo thành tích tại đại hội. “Đó là những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên” - ông Lân xúc động.

Đến năm 1970, thêm một lần nữa ông được nhận danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 3 khi ông chỉ huy một trung đội phục kích cao điểm Quang Trung (huyện Cam Lộ - Quảng Trị), trực tiếp tiêu diệt nhiều lính Mỹ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của toàn đơn vị.

Cựu binh Hà Tĩnh và những kỷ vật trong chiếc ống tre mang về từ chiến trường

Bà Lê Thị Tuyết - vợ ông Lân cũng tham gia lực lượng thanh niên xung phong, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Sau trận đánh đó, ông bị thương nặng ở đầu, được đưa ra Bắc điều trị. Do điều kiện sức khỏe, ông không thể trực tiếp chiến đấu tại chiến trường nên được bố trí về làm công tác huấn luyện chiến đấu cho đội quân dự bị để bổ sung cho chiến trường miền Nam tại Trường Quân chính Chiến khu IV (nay là Trường Quân sự Quân khu IV)... Chiến tranh kết thúc, ông trở về làm xã đội trưởng tại địa phương rồi nghỉ hưu.

Ông vinh dự được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, danh hiệu cao quý: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Thành đồng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Hai, danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, Huy hiệu Chiến sỹ thi đua...

Cựu binh Hà Tĩnh và những kỷ vật trong chiếc ống tre mang về từ chiến trường

CCB Lê Đình Lân kể cho các cháu nghe về những năm tháng hào hùng mà ông đã đi qua.

Không chỉ bản thân ông Lân mà nhiều thành viên trong gia đình ông cũng đóng góp công sức, máu xương cho đất nước.

Anh trai ông là liệt sỹ Lê Quang Trung (1938 - 1966); em trai Lê Đình Việt (SN 1945) phục vụ nhiều năm trong quân ngũ, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; em gái Lê Thị Niêm (SN 1947) là thanh niên xung phong, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; vợ là Lê Thị Tuyết (SN 1945) tham gia lực lượng thanh niên xung phong, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Nay đã bước sang tuổi 80, dù sức khỏe có phần giảm sút do di chứng của những vết thương trong chiến tranh, nhưng ông Lê Đình Lân vẫn hết sức minh mẫn.

Ông vẫn thường kể cho con cháu nghe về truyền thống cách mạng của gia đình, về những năm tháng hào hùng mà ông đã đi qua như một cách truyền dạy, lưu giữ lịch sử với thế hệ sau.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Dấu ấn của bộ đội trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Dấu ấn của bộ đội trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, những năm qua, LLVT Hà Tĩnh đã tích cực "chung sức" hỗ trợ các địa phương xây dựng các hạng mục công trình gắn với bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đặc xá cho 38 phạm nhân đang thụ án tại Hà Tĩnh

Đặc xá cho 38 phạm nhân đang thụ án tại Hà Tĩnh

38 phạm nhân đang thụ án ở Hà Tĩnh được đặc xá năm 2024 là những người có kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định, thực sự ăn năn hối cải, phấn đấu trở thành công dân có ích.
Đảng ủy Quân sự Hà Tĩnh ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quý IV năm 2024

Đảng ủy Quân sự Hà Tĩnh ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quý IV năm 2024

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Đảng ủy Quân sự tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng gắn với phát triển kinh tế địa phương.