Hai mươi năm mưa nắng đêm ngày. Hai mươi năm đất nước chia cắt đôi miền. Hai mươi năm, những người mẹ, người vợ tiễn chồng con ra trận, giấu nỗi lo âu và thương nhớ vào trong vạt áo để chồng con được yên tâm lên đường đánh giặc. Hai mươi năm, những đoàn quân trùng trùng điệp điệp nối nhau ra chiến trường.
11h30" ngày 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu internet.
Những cô gái, chàng trai mười tám đôi mươi chưa lần hẹn hò, tâm hồn trắng trong như ánh trăng rằm đã thanh thản ngã xuống nơi chiến trường để giữ gìn giang sơn gấm vóc ngàn đời yêu dấu. Và khi những tin tức từ chiến trường dội về, cả dân tộc phập phồng không ngủ. Mong chờ ngày chiến thắng. Khát khao ngày hòa bình. Buổi trưa ngày hôm ấy: 30/4/1975, khoảnh khắc vỡ òa hạnh phúc! Không thể nào quên!
Và để có được buổi trưa “tuyệt trần nắng đẹp ấy”, biết bao xương máu và nước mắt đã đổ xuống. Mỗi lần đến Nghĩa trang Liệt sỹ Núi Nài (TP Hà Tĩnh), sau khi thắp hương lên phần mộ của người cha yêu dấu, tôi lại đến trước phần mộ của anh trai con bác, liệt sỹ Bùi Đức Việt. Anh tôi ra trận khi chưa đầy 18 tuổi, là con trai đầu của bác tôi.
Anh hy sinh năm 1970 ở chiến trường A Lưới (Thừa Thiên Huế). Tôi chỉ nhớ mang máng về anh trong bữa cơm mẹ bày nơi chiếc mâm nhỏ đặt giữa sân trước hôm anh lên đường. Rồi anh cũng như bố tôi, mãi mãi không trở về. Sau này, bác tôi còn có một người con nữa, anh Bùi Quốc Tịnh cũng hy sinh ở biên giới phía Nam năm 1979. Bác gái tôi - Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phước giờ cũng đã đi vào cõi thiên thu.
Nghĩa trang liệt sỹ Núi Nài (phường Đại Nài - TP Hà Tĩnh) - nơi yên nghỉ của các liệt sỹ. Ảnh tư liệu
Có phải vì nỗi đau gia đình chăng, mà sau này tôi thường muốn đến thăm các khu di tích chiến tranh? Khi thắp hương lên tượng đài, phần mộ của các anh hùng liệt sỹ, niềm xúc động rưng rưng?
Mỗi lần đến Ngã ba Đồng Lộc, cầu Nhe và các tượng đài, nghĩa trang trong cả nước, nỗi đau trong tôi vơi đi. Hình ảnh 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội 4 Đại đội 552 Tổng đội TNXP 55 và đồng đội của các chị luôn làm trái tim tôi rung lên những tần số cảm xúc. Vẫn còn đó những câu chuyện hào hùng của thời đạn lửa.
Vẫn còn đó những cựu chiến binh, cựu TNXP, cựu tù Côn Đảo, Phú Quốc với những ký ức không bao giờ phai. Nghĩ về một đất nước gian lao trận mạc, nghĩ về những bà mẹ tóc trắng chờ con bên khung cửa khi người con trai, con gái tuổi thanh xuân mãi mãi không về, tôi thấy nỗi mất mát của gia đình mình còn nhỏ bé. Và cảm xúc tự hào, yêu thương tràn ngập hồn tôi.
Cựu TNXP - thương binh Nguyễn Thị Hòe (bên trái) với những ký ức không bao giờ phai.
Tôi tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Tĩnh văn hóa, anh hùng và cách mạng. Tự hào vì mình được sinh ra trong một đất nước mà như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Hay như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết:
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân
Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.
Tự hào vì một đất nước tươi đẹp, Nhân dân dũng cảm, cần cù, thủy chung, nhân hậu. Dân tộc Việt Nam đã “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”, nay đã và đang chiến thắng “giặc Covid-19”, không có gì cản trở được dân tộc ấy đi về phía tương lai với tiền đồ rạng rỡ “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.