Nữ tướng Nguyễn Thị Định - chị cả Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Quân đội nhân dân Việt Nam tự hào có người anh cả - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tôn vinh Thiếu tướng Nguyễn Thị Định là chị cả. Hai vị tướng có công lớn với đất nước.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định - chị cả Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam - Nguyễn Thị Định.

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo đông con ở làng Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre nên Út Định không được học chữ nhiều. Nhưng trong nghèo khổ, người con gái út 16 tuổi đã nhận ra lớn lên mình phải làm gì. Chị căm ghét cường hào, ác bá, chị thấy sự bất công tủi nhục mà người dân nô lệ phải chịu đựng, nên quyết định tìm đến những người hoạt động trong tổ chức Đông Dương Đại hội ở quê, xin được tham gia và hoạt động với phong trào.

Năm 1938, ở tuổi 18, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây chị lăn lộn hoạt động trong phong trào cách mạng ở địa phương.

Năm 1940, chị bị địch bắt, bị đưa đi tù đày ở nhiều nhà lao Nam Bộ. Năm 1944, chị ra tù tiếp tục hoạt động. Năm 1945, chị tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở vùng Bến Tre. Tháng 3/1946, chị cùng đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra Bắc để báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình ở mặt trận Nam Bộ.

Sau khi nhận được chỉ thị của Trung ương, tháng 10/1946, đoàn được giao chuyên chở 12 tấn vũ khí vượt biển về Nam Bộ. Thuyền đã vượt qua giông bão và sự săn lùng của địch cập bến an toàn vào tháng 11/1946, mở đầu và là kinh nghiệm cho những “đoàn tàu không số” sau này.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định - chị cả Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Nữ tướng Nguyễn Thị Định với “Đội quân tóc dài”. Ảnh tư liệu.

Năm 1948, chị Ba Định được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, làm Đoàn trưởng Phụ nữ tỉnh, một thời gian sau được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Chị có kinh nghiệm trong việc lãnh đạo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nên sau khi ký Hiệp định Giơnevơ được tổ chức phân công ở lại hoạt động không tập kết ra Bắc. Bọn địch biết chị nên đã tìm mọi cách lùng bắt, nhưng chị được dân tin yêu, dân đùm bọc, bảo vệ.

Năm 1965, chị giữ chức Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam; tại Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam, chị làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam.

Chị được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: "Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Năm 1960, dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, chị Ba Định đã kêu gọi nhân dân đứng lên “đồng khởi”. Ngày 17/11/1960, 3 xã: Bình Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp huyện Mỏ Cày giành thắng lợi, mở đầu cho phong trào “đồng khởi” ở Bến Tre và lan tỏa khắp miền Nam.

Trước tình hình đó, địch đưa quân về càn quét rất dữ dội, nhưng dưới sự lãnh đạo của chị Ba Định kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đặc biệt là “đội quân tóc dài”, bọn địch phải chấp nhận “thế giằng co”, thực chất là phải rút quân, một vùng rộng lớn ở tỉnh Bến Tre được giải phóng.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định - chị cả Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Nữ tướng Nguyễn Thị Định những năm là Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam làm việc tại Bộ Chỉ huy miền Nam. Ảnh tư liệu.

Với tài thao lược của người chỉ huy, chị Ba Định có công lớn trong việc tổ chức lãnh đạo “đội quân tóc dài”, một đội quân biến hóa lúc quân, lúc dân, lúc vận động thuyết phục, lúc chiến đấu ngoan cường, địch không biết đâu mà lường. Dũng mãnh trên chiến trường, nhưng sau mỗi trận chiến sinh hoạt với anh chị em, nữ tướng luôn ân cần, giản dị như người mẹ, người chị trong một gia đình lớn. Anh chị em gọi thân mật “chị Ba”, “cô Ba” ấm cúng thân tình giữa người chỉ huy với chiến sĩ ở nơi binh biền, nơi trận mạc, cho nên Quân giải phóng miền Nam Việt Nam mới tôn chị Ba Định là “Chị cả” của mình.

Sau ngày thống nhất nước nhà, Nguyễn Thị Định được bầu vào BCH TW Đảng, làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; năm 1987, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bà là tấm gương tiêu biểu, là ngọn cờ đoàn kết không chỉ trong chiến tranh mà bước vào trận chiến mới khôi phục kinh tế, xây dựng đất nước trước bao khó khăn sau cuộc chiến.

Với tài năng lãnh đạo, trái tim nhân hậu và sự từng trải của mình, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước bà Nguyễn Thị Định đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đổi mới của đất nước và có công lớn trong việc gây dựng mối quan hệ giữa phụ nữ Việt Nam với phụ nữ và bạn bè quốc tế.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định - chị cả Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Gian thờ chính của Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại ấp Phong Điền, xã Lương Hoà, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Báo Cà Mau

Với 72 năm tuổi đời và 56 năm hoạt động cách mạng kiên cường và liên tục, Nguyễn Thị Định trải qua những chặng đường đấu tranh vô cùng quyết liệt. Đặc biệt trong bước ngoặt lịch sử của những năm 60 trên chiến trường miền Nam, nữ tướng đã tỏ rõ tài chỉ huy và thao lược của mình, “chị đã góp một bàn tay quan trọng trên dây kéo lá buồm của con thuyền cách mạng vượt qua bão tố tiến về phía trước” như Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận xét.

Chị Ba Định cũng đã được dân làng ở Bến Tre quê chị bảo nhau rằng, người như chị “sống làm tướng, chết làm thần”.

Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và chuẩn bị 100 năm ngày sinh chị Nguyễn Thị Định (15/3/1920 – 15/3/2020), chúng ta cùng tưởng nhớ một vị tướng tài, một nữ tướng đã nối tiếp truyền thống Hai Bà Trưng, một nhân cách, một nhà cách mạng, một người lính cụ Hồ mẫu mực, đã hóa thân vào Quân đội nhân dân và trong lòng dân tộc Việt Nam.

Chị Ba Định sống mãi cùng non song đất nước!

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.