Những “bông hoa thép” anh hùng kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam, đã có rất nhiều đội nữ pháo binh trực tiếp ra chiến trường, chiến đấu trực diện với kẻ thù và đạt nhiều chiến công xuất sắc.

Những “bông hoa thép” anh hùng kháng chiến chống Mỹ cứu nước

“Nữ pháo binh Ngư Thủy.” Nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình) bắn cháy tàu chiến Mỹ trong trận đánh chiều 7/2/1967. (Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN).

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, chưa bao giờ thiếu vắng hình ảnh người phụ nữ ra trận.

Không chỉ đảm nhận công tác hậu cần, gánh thương, tải đạn, các chị còn xung phong ra tiền tuyến, thực hiện các công việc đầy nguy hiểm, đối mặt với gian khổ, hy sinh không kém gì các đồng đội nam.

Tiêu biểu nhất có lẽ chính là những “nữ pháo thủ” có mặt trên khắp Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, họ chính là những “bông hoa thép” anh hùng.

Nữ chiến sỹ “chân đồng vai sắt”

Pháo binh là binh chủng chiến đấu, binh chủng kỹ thuật có vị trí là hỏa lực chủ yếu của lục quân và hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta và dường như nhiệm vụ này chỉ dành cho nam giới, bởi việc di chuyển những khẩu pháo nặng tới hàng tấn, khi bắn lại phát ra tiếng nổ lớn, đòi hỏi các pháo thủ phải có sức khỏe và sức chịu đựng phi thường.

Thế nhưng, trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam, đã có rất nhiều đội nữ pháo binh trực tiếp ra chiến trường, chiến đấu trực diện với kẻ thù và đạt nhiều chiến công xuất sắc.

Những pháo thủ trên chiến trường thường phải cơ động trong điều kiện phải mang vác nặng, nên được mệnh danh là những chiến sỹ “chân đồng vai sắt.” Khi chiến đấu, ngoài vai trò là một pháo thủ, nhiều lúc họ còn là những chiến sỹ bộ binh thực thụ, trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. Pháo binh là lực lượng từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 8 chữ: “chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” và danh hiệu này không ngoại lệ với các “nữ pháo thủ.”

Đường trơn dốc dựng mưa tuôn/ Kìa ai vác pháo ngược đường lên cao/ Vẫn cười vẫn nói lao xao/ Như đàn chim chích bay vào vườn hoa/ Ta chào em gái quê ta/ Đã thành dũng sĩ xông pha chiến trường/ Đã thành vai sắt chân đồng/ Đánh giỏi bắn trúng lập công đã từng/ Chào em chào những chiến công/ Chào ngọn lửa hồng sáng rực niềm tin.

Những câu thơ mà thi sỹ Giang Nam dành tặng cho các nữ chiến sỹ pháo binh 8/3 (phiên hiệu của đội Nữ pháo binh tỉnh Lâm Đồng) năm 1970 đã trở thành những vần thơ thắp lửa.

Những “ bông hoa thép ” anh hùng

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam và chống chiến tranh phá hoại của chúng ở miền Bắc, đất nước ta thường xuyên hứng chịu bom đạn của quân thù tàn phá cơ sở vật chất và con người, nên xác định, bất kỳ hoàn cảnh nào, chiến tranh ác liệt đến đâu cũng phải vừa chiến đấu, tấn công tiêu diệt địch, vừa đảm bảo được sản xuất.

Chính vì thế, ở các địa phương dần hình hành đội ngũ “nữ pháo binh,” là lực lượng tại chỗ vừa sản xuất, vừa chiến đấu với kẻ thù. Ban ngày những nữ dân quân tích cực cấy cày, tham gia sản xuất với nhân dân địa phương.

Khi đêm xuống hoặc có báo động chiến dịch, họ lại cùng ra trận địa pháo trực chiến cùng bộ đội. Những cái tên như Trung đội dân quân làng Chanh Thôn (Phú Xuyên), Đội nữ pháo binh 8/3 Lâm Đồng, Bến Cát… và cả những cái tên đã đi vào huyền thoại: mười cô gái Lam Hạ, Đội nữ pháo binh Ngư Thủy, đã khắc sâu trong lòng nhân dân địa phương và vang danh cả nước.

Những năm 1966-1967, không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc nước ta. Những năm tháng đó, nhiều nữ dân quân thuộc Đại đội dân quân Lam Hạ (xã Lam Hạ, thị xã Phủ Lý, nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đã trực tiếp chiến đấu và anh dũng ngã xuống ngay trên mâm pháo.

Trong trận hiệp đồng chiến đấu oanh liệt (từ ngày 1/10/1966 đến 7/7/1967) đánh trả máy bay Mỹ để bảo vệ trọng điểm giao thông thị xã Nam Hà, cầu Phủ Lý và các vùng phụ cận, 10 nữ pháo thủ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ mười sáu, đôi mươi, có chị mới làm lễ ra Đội được 2 ngày, có chị mới lấy chồng, có chị chưa từng yêu... Trong đó nữ dân quân Nguyễn Thị Thi hy sinh mới qua tuổi trăng rằm, cái tuổi 16, chưa kịp để lại dù chỉ một tấm hình.

Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy được thành lập ngày 20/11/1967, với biên chế của đại đội lúc đầu chỉ 37, sau tăng lên 91 cán bộ, chiến sỹ toàn nữ. Dù đều là chị em trẻ, người nhiều tuổi nhất 27, ít nhất là 16 tuổi, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, các chị em đã đoàn kết, tương trợ nhau nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật quân sự, vũ khí, thiết bị, kỹ thuật chiến thuật pháo binh… chỉ sau một tháng huấn luyện.

Những “bông hoa thép” anh hùng kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đơn vị nữ pháo binh tiến vào giải phóng thị xã Cà Mau. (Nguồn: TTXVN)

Ngay trận đầu, với 4 khẩu pháo 85 tầm xa, nòng dài, đại đội đã bắn cháy tàu chiến Mỹ số 013. Năm 1968, các chị đã liên tiếp đánh thắng 4 trận, năm 1972 tiếp 4 trận nữa, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng huy hiệu.

Ở miền Nam, sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy ở toàn miền Nam Tết Mậu Thân 1968, nhiều đội pháo binh ở khắp các chiến trường Nam Bộ đã ra đời. Đó là những đơn vị rất đặc biệt - chỉ toàn là nữ, trực thuộc các huyện đội được biên chế gọn nhẹ từng tiểu đội đến đại đội.

Là nữ, nhưng lại chuyên sử dụng súng cối, vừa làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, vừa là những đơn vị chiến đấu thực sự. Điều đặc biệt là các chị hầu hết còn rất trẻ, có người vừa mới qua tuổi trăng tròn. Nhiều người chỉ mới biết đọc biết viết, nhưng khi bắn lại rất chính xác, địch phản pháo vẫn bình tĩnh, linh hoạt xử lý tình huống...

Ở miền Đông Nam Bộ, Đội nữ pháo binh Bến Cát (Bình Dương) nổi tiếng với khả năng vừa có thể chiến đấu độc lập, cũng có thể đánh phối hợp và còn làm tốt công tác phục vụ chiến đấu, dân vận, địch vận. Đội có phiên hiệu là C5, biên chế lúc đông nhất có đến 65 người, được trang bị chủ yếu là cối 82 và 60 ly.

Trong suốt quá trình chiến đấu, đội đánh 171 trận lớn nhỏ, diệt trên 500 tên địch, thu 82 súng các loại, đặc biệt hạ được 2 trực thăng bằng súng AK vào ngày 20/10/1972. Đó là đội pháo binh Đồng Nai nổi tiếng, được hình thành từ Trung đội trợ chiến nhưng quen được gọi là đội cối Xuân Lộc.

Ra đời năm 1969, gần 7 năm chiến đấu, đội cối Xuân Lộc đánh liên tiếp 141 trận, diệt hàng trăm tên địch, đẩy lùi nhiều trận càn khiến địch khiếp hãi. Những nữ pháo thủ không chỉ bắn rơi máy bay, xe tăng, đầu xe lửa mà còn bắt sống tù binh.

Đội trưởng đội cối Xuân Lộc Đỗ Thị Thuận chia sẻ: “Nhiều người đã nằm xuống cho chúng tôi được sống, có những đồng chí mở đường cho chúng tôi bắn pháo mà hy sinh. Nghĩa tình với đồng đội, chị em càng hăng say lập chiến công.”

Ở miền Trung và Tây Nam Bộ, Đội nữ pháo binh Châu Thành (Long An) được vang danh với tên gọi quen thuộc là “Đội nữ pháo binh Long An”. Từ một khẩu đội được thành lập ngày 9/2/1968 tại xã Phú Ngãi Trị, Đội phát triển thành 3 khẩu đội cối 60 ly với 30 pháo thủ toàn nữ, nhưng là nỗi khiếp sợ của các căn cứ Mỹ trên “vành đai diệt Mỹ” ở Long An.

Trong ký ức của chị Trương Thị Hồng Quân, Trung đội phó đội nữ pháo binh tỉnh Long An, chiến công của các đội nữ pháo binh Long An-Kiến Tường đã góp phần làm nên những trang sử vang của mảnh đất trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc.

Đó là các trận đánh vào chốt Mỹ ở Cần Đốt, vành đai Rạch Kiến, Bình Tịnh, Hiệp Thạnh khiến địch thiệt hại nặng nề. Đó là các trận nã pháo trúng Dinh Tỉnh trưởng Hậu Nghĩa, trận đánh vào sân bay bẻ gãy trận càn của địch vào Đức Lập.

Chỉ trong 3 năm, từ 1968 đến 1970, nữ pháo binh Long An đã đánh vào Đức Hòa 416 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng chục xe tăng, hàng ngàn tên Mỹ ngụy. Và trận Mậu Thân 1968, cùng với các đồng đội, Khẩu đội trưởng Hồng Quân đã rót hàng chục trái đạn, pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại vùng cực Nam của Tổ quốc, hầu hết các huyện của tỉnh Cà Mau đều tổ chức được các trung đội nữ pháo binh và lập được thành tích đáng nể. Nữ pháo binh Châu Thành bắn rơi cả máy bay phản lực, diệt hàng chục tên địch, thu nhiều vũ khí quân trang quân dụng; Trung đội nữ pháo binh huyện Đầm Dơi trong trận công đồn Chà Là, trong 10 phút nổ súng với 21 phát đạn cối đã diệt gọn một trung đội bảo an địch.

Đội nữ pháo binh Cái Nước tuy được thành lập muộn (tháng 11/1972) nhưng chỉ sau 3 năm đã tổ chức đánh 49 trận lớn nhỏ, diệt 2 đại đội bảo an, 1 trung đội thám báo, 125 tên địch và tham gia cùng các đơn vị khác trong tỉnh chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

“Các chị em bảo nhau luyện tập từng ngày để đánh địch chính xác, hiệu quả hơn. Sự sống và cái chết chỉ kề nhau trong gang tấc thôi. Chiến đấu là vậy còn điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn và vô cùng khắc nghiệt, có khi 2-3 ngày chị em mới tắm được một lần,” chị Nguyễn Hồng Thanh, chính trị viên, Trung đội nữ pháo binh Châu Thành tâm sự.

Với họ - những nữ pháo thủ - hai chữ “độc lập” cho Tổ quốc đã trở thành động lực để không gì ngăn cản bước chân tưởng như yếu mềm của người phụ nữ.

Trong lịch sử chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công vang dội, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc, trong thành quả chung đó, có sự đóng góp của những nữ pháo thủ anh hùng./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Dấu ấn của bộ đội trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Dấu ấn của bộ đội trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, những năm qua, LLVT Hà Tĩnh đã tích cực "chung sức" hỗ trợ các địa phương xây dựng các hạng mục công trình gắn với bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đặc xá cho 38 phạm nhân đang thụ án tại Hà Tĩnh

Đặc xá cho 38 phạm nhân đang thụ án tại Hà Tĩnh

38 phạm nhân đang thụ án ở Hà Tĩnh được đặc xá năm 2024 là những người có kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định, thực sự ăn năn hối cải, phấn đấu trở thành công dân có ích.