Thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn. Không biết tự bao giờ, câu ca dao quen thuộc này đã thấm vào máu thịt của bao thế hệ người Việt Nam, để mỗi người dân nước Việt, dù đang sống ở đâu, đều thêm yêu mến, tự hào và nỗ lực góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước.

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam

Truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” với hình ảnh “Bọc trăm trứng” chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc để lý giải nguồn cội con cháu Rồng Tiên. Minh hoạ: Internet

Hằng năm, đến ngày mùng mười tháng ba âm lịch, mỗi người dân Việt Nam lại hướng về đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ những vị vua khai quốc mở cõi. Đền Hùng trở thành địa chỉ linh thiêng bởi nơi đây phát tích ngọn nguồn Việt Nam, dòng giống Việt Nam. Còn mãi trong tâm hồn mỗi người truyền thuyết pha màu sắc huyền thoại về nguồn gốc nòi giống Tiên Rồng.

Lạc Long Quân giống Rồng, gặp Âu cơ giống Tiên, lấy nhau và nàng Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, sau đó, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng. Âu Cơ về sống ở đất Phong Châu, những người con suy tôn anh cả làm vua, đặt tên là Hùng Vương.

Vua Hùng dựng nước Văn Lang, từ ngọn núi Nghĩa Lĩnh, từ mảnh đất Phong Châu mà tạo nên cơ nghiệp cho muôn đời. Những người con đất Việt hôm nay là thế hệ ngàn đời của những người “cùng chung một bọc” và hai tiếng: đồng bào vì thế trở nên thiêng liêng, trân quý vô vàn.

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam

Truyền thuyết về các vị vua Hùng và ngày quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là bài học sâu sắc, hướng con người theo đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Minh hoạ: Internet

Qua bao lớp sóng thời gian, giữa bao biến thiên của lịch sử, thời cuộc và thiên tai, một dân tộc nhỏ bé phát tích từ vùng châu thổ sông Hồng đã chiến thắng bao kẻ thù ngoại xâm để bảo vệ “cơ đồ mà tổ tiên ta để lại”. Từ thuở bình minh dựng nước, Hai Bà Trưng đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, tiếp đó là Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền...

Trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc, các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra để chống lại quân xâm lược phương Bắc. Từ thế kỷ X, sau khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, biết bao bậc anh hùng, nghĩa sĩ đã đứng lên tập hợp đồng bào, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, sát cánh bên nhau chiến thắng ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi, bảo vệ giống nòi, xứng đáng với công lao của các bậc tiền nhân.

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam

Chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền đã mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc Việt Nam. Minh hoạ: Internet

Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ở bến cảng Nhà Rồng. Bôn ba nơi xứ lạ quê người, anh đã tìm thấy con đường đi của dân tộc. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Năm 1945, chế độ thực dân phong kiến bị xóa bỏ, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.

Từ đó đến nay, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp 9 năm và giành thắng lợi “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, 20 năm kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3.2.1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh (từ ảnh Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Nguyễn Trãi từng viết trong “Bình Ngô đại cáo”: Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào. Xưa vua sáng tôi hiền, tướng sĩ một lòng, nay Đảng sáng suốt anh minh, dân yêu nước, thông minh sáng tạo, đoàn kết một lòng xung quanh Đảng và Chính phủ vượt qua mọi thiên tai, địch họa, khó khăn, thách thức, giành độc lập, tự do, xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng.

Lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại đoàn quân Tiên Phong khi hành quân về Thủ đô, dừng chân ở Đền Hùng: Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước! đã trở thành tâm nguyện của hàng triệu người dân Việt Nam, trở thành mệnh lệnh của trái tim, thôi thúc các thế hệ người Việt Nam chiến đấu hy sinh, không nề gian khổ, khó khăn, đóng góp sức người sức của cho dân tộc.

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

Bài ca giữ nước là bài ca có sức sống mãnh liệt nhất, vang lên trên khắp mọi làng quê, thôn bản, phố phường, trong trái tim của những cụ già, em nhỏ, đặc biệt là các chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…

90 năm lãnh đạo Nhân dân đi qua mọi cuộc trường chinh, vượt lên mọi thử thách chông gai để giành thắng lợi, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã biết khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc, nhân lên truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “bầu bí thương nhau” để chiến thắng mọi kẻ thù: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và hôm nay là “giặc dịch Covid-19”.

Đảng đã thấm nhuần bài học của tiền nhân: nghĩa đồng bào - cùng chung một bọc là vô cùng thiêng liêng, cao quý. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hàng triệu người dân Việt Nam đang sát cánh bên nhau, chia ngọt sẻ bùi để “chống giặc dịch”.

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam

Đoàn viên thanh niên huyện Hương Sơn tham gia hỗ trợ công tác hậu cần, nấu ăn tại điểm cách ly tại cổng B Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Ảnh Thu Hà

Những cụ già, em nhỏ Hà Tĩnh viết thư, góp những đồng tiền nhỏ, rau, củ vườn nhà cho những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Những cựu chiến binh ở Hải Phòng lập chốt chống dịch trong toàn bộ thôn xóm với ý thức: hết giặc ngoại xâm, dù cao tuổi vẫn không thể ngồi yên nhìn dịch bệnh hoành hành.

Toàn dân đã nghe theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, ở nhà là yêu nước, không tụ tập dưới 20 người, đóng hết các cửa hàng cửa hiệu trong giai đoạn cao điểm chống dịch, toàn dân đã chung tay kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người dân hôm nay đang là một pháo đài để bảo vệ gia đình, cộng đồng trước nguy cơ đại dịch lan rộng trên thế giới.

Chưa bao giờ hai tiếng Việt Nam lại trở nên thiêng liêng và ấm lòng những người con xa Tổ quốc như lúc này. Hàng chục nghìn người đã hồi hương, để được sống giữa tình dân, nghĩa Đảng, để được ôm ấp, chở che bởi mẹ hiền Việt Nam.

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam

Hà Tĩnh chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cách ly toàn xã hội để chống dịch. Ảnh: Đình Nhất

Người mẹ ấy từ thuở xa xưa chỉ có 100 người con, nay đã có trên 96 triệu người con. Người mẹ ấy “biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”, tần tảo chắt chiu bao nhiêu thế kỷ để hôm nay cháu con có giang sơn, bờ cõi tươi đẹp. Tất cả mọi người con đều được yêu thương, vỗ về, dù họ ở nơi quê hương bản quán hay ở nơi cách xa ngàn dặm.

Hai tiếng Việt Nam đã sưởi ấm tâm hồn biết bao người, cho họ niềm tin, nghị lực và khát khao sống, khát khao cống hiến: "Buồm tung cánh vượt sóng ra ngoài khơi/ Đất nước tôi, Việt Nam sáng ngời!

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...