Video: CCB Hoàng Minh Huấn chia sẻ cảm xúc trong ngày thống nhất non sông
Năm nay, khi dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, những người nhập ngũ năm 1974, 1975 ở huyện Kỳ Anh không tổ chức các hoạt động kỷ niệm tập thể. Tại xã Kỳ Phú, nơi có nhiều người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các CCB cùng gặp gỡ tại nhà riêng, hàn huyên chuyện chiến trường và anh em đồng chí, đồng đội.
Cuộc gặp gỡ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam năm nay diễn ra đơn giản nhưng ấm tình đồng đội.
Ông Hoàng Minh Huấn (SN 1952) ở thôn Phú Minh kể, Kỳ Phú có 28 người nhập ngũ ở thời điểm năm 1974 - 1975, hiện có 18 người còn sống. Ông tham gia chiến đấu ở Đại đội 5 - Tiểu đoàn 28, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 (trước là Quân đoàn 4, nay là Quân khu 4).
Đơn vị của ông hành quân vào miền Nam chiến đấu vào ngày 22/3/1974, từng có mặt ở các chiến dịch giải phóng thị xã Phước Long, đánh cửa ngõ Xuân Lộc, giải phóng sân bay dã chiến Trảng Bom, xã Hố Nai (nay là phường Hố Nai, TP Biên Hòa) và tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Về với cuộc sống đời thường, các CCB luôn phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ trong tham gia các phong trào của địa phương, phát triển kinh tế gia đình
Ông Huấn kể: “Trong những trận đánh theo suốt chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi nhớ mãi trận đánh giải phóng Xuân Lộc, khi mình đang là quyền Đại đội trưởng. Lúc đó địch mạnh quá, chúng tôi lực lượng mỏng nên vừa đánh vừa cầm cự, chốt giữ chờ quân ta bổ sung. Đại đội tôi 120 người thì 2/3 chiến sỹ đã ngã xuống hoặc bị thương. Đó thực sự là những ngày gian khó, đau thương khi mất quá nhiều đồng đội.
Đến ngày 20/4, sau khi các lực lượng khác của ta bổ sung, chúng tôi mới tiến tiếp được vào vòng trong. Bản thân tôi bị thương ở đầu gối nhưng vẫn quyết định cùng đồng đội tiếp tục tham gia chiến dịch. 4h sáng ngày 29/4, đơn vị có mặt ở cầu Sài Gòn và nhận lệnh đánh chiếm Dinh Độc lập. Quân địch thất thủ, chúng tôi ôm súng chạy bộ và có mặt ở Dinh Độc lập vào 13h25 phút ngày 30/4/1975”.
Những cuộc gặp gỡ, chuyện trò giúp các CCB thắt chặt hơn tình cảm đồng chí, đồng đội.
Ông Hoàng Minh Chung (SN 1955, thôn Phú Minh) tham gia chiến đấu ở Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 nhớ mãi người đồng đội là Nguyễn Văn Toàn quê ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh) đã ngã xuống ở trận đánh ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai.
Đó là ngày 23/3/1975, trong một lần thay chốt vào sai vị trí, đại đội của ông bị địch phát hiện, trong hơn 100 người, có một nửa đã ngã xuống hoặc bị bắt sống. Người đồng đội cùng quê của ông là Nguyễn Văn Toàn hi sinh phải mất 3 ngày sau mới tìm được xác. Trong nỗi đau, còn có may mắn là bạn ông đã được mai táng, ghi lại vị trí và sau này đã được đưa về an nghỉ ở Nghĩa trang Đồng Nai.
Ông Trần Xuân Hoan (SN 1956 ở thôn Phú Trung) thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 273 lại chia sẻ kỷ niệm trận đánh ở Hố Nai vào ngày 28/4. Tối hôm đó, trên đường tiến quân, đơn vị của ông bị địch phát hiện. Một số kịp rút lui, nhiều người hi sinh hoặc bị thương. Riêng ông Hoan và 4 người đồng đội nữa còn mắc kẹt lại cho đến tận sáng. Đói, mệt, nóng lòng, 3 người đứng dậy chạy rút khỏi vị trí, lập tức trúng đạn và hi sinh chỉ cách ông chưa đầy 100m.
Vào sinh ra tử trên các chiến trường, được sống và chứng kiến sự đổi thay của quê hương, ông Trần Xuân Hoan luôn nhớ về các đồng đội thân yêu đã ngã xuống.
Ông cùng một đồng đội người Nghệ An kiên nhẫn nằm im chờ cơ hội. Đến 10h cả hai mới lần lượt chạy thoát ra được khỏi vị trí tầm ngắm của địch, ông lăn xuống một hố đạn pháo và lịm đi vì đói, kiệt sức. Khi tỉnh dậy ông bò ra được một vườn chuối, bẻ một mậm chuối để lấy nước uống và lần bước tìm về đơn vị.
Cũng tại trận Hố Nai vào ngày 29/4, ông Hoan bị thương ở chân, phải lùi lại ở tuyến sau và chờ tin chiến thắng của đồng đội trong trận cuối của chiến dịch.
Sau khi tham gia giải phóng Sài Gòn, những người lính quê Kỳ Phú nhiều người tiếp tục tham gia nhiều trận đánh ác liệt nữa ở Camphuchia, sau đó trở về địa phương. Hầu hết những người cựu binh đều tham gia công tác của địa phương như: cán bộ hợp tác xã, cán bộ thôn, xã, có nhiều đóng góp cho quê hương.
Đặc biệt như ông Hoàng Minh Huấn, từng là Chủ tịch Hội CCB xã Kỳ Phú, sau đó tiếp tục 6 năm làm trưởng thôn, là một nhân tố điển hình của xã trong phong trào xây dựng NTM.
Trên mặt trận mới - xây dựng NTM, các CCB ở xã Kỳ Phú luôn giữ vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt, đi đầu.
Trở về cuộc sống đời thường, nhiều người là thương binh, sức khỏe bị giảm sút, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn và động viên nhau dù ở đâu, làm gì nào cũng luôn tiên phong, gương mẫu. Mỗi năm, trong những lần gặp gỡ tâm tình, nhất là đến ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người cựu binh đều rưng rưng niềm tự hào, xúc động.
“Trong niềm vui ngày chiến thắng, chúng tôi lại nhớ những ngày gian khó, hi sinh ở chiến trường, giờ người còn người mất. Tiếc thương những người đồng đội đã hi sinh trên khắp các chiến trường, chúng tôi lại động viên nhau giữ vững phẩm chất bộ đội cụ Hồ, xứng đáng với những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay” - ông Trần Xuân Hoan chia sẻ.