Vượt qua con đường đèo gần 30km quanh co, hiểm trở, nhiều khúc cua, chúng tôi đến được khu nhà nội trú của cán bộ, công nhân Nhà máy Thủy điện Hương Sơn (đơn vị thuộc Công ty CP Thủy điện Hương Sơn).
Giữa bốn bề núi rừng âm u, khu nhà công vụ lọt thỏm giữa vùng núi sâu. Đã gần trưa, chị Hoài (nhân viên cấp dưỡng của nhà máy) đang tất bật chuẩn bị bữa cơm cho anh em công nhân. Bé Nhi – con gái chị cứ quẩn quanh bên chân mẹ. Thấy những người khách lạ, bé càng nép sát vào người mẹ không rời. Chúng tôi cố gắng bắt chuyện nhẹ nhàng nhưng dường như càng làm bé sợ hãi.
Không có bạn bè cùng chơi, bé Nhi quanh quẩn bên mẹ ngay cả khi mẹ đang làm việc
Chị Hoài đỡ lời: “Cháu nhát lắm cô à, không tiếp xúc với người lạ bao giờ đâu. Cháu theo mẹ vào đây từ lúc 5 - 6 tháng, giờ đã được gần 3 tuổi rồi đấy!”. Chị Hoài là người Hà Nội, dù không được sự đồng tình của bố mẹ và anh em họ hàng nhưng vì yêu thương bố bé Nhi mà theo về Hà Tĩnh làm dâu.
Năm 2009, chị vào làm việc cho công ty có văn phòng ở dưới xuôi, nhưng đến đầu năm 2016, chị phải chuyển lên đây làm y tá, kiêm cấp dưỡng cho nhà máy. Sinh bé xong là mẹ con bồng bế nhau lên vùng núi heo hút này. Nhi không được đến trường và cũng không có lấy một người bạn chơi cùng. Con bé cứ thế lớn lên giữa núi rừng, giữa tình yêu thương từ những người đồng nghiệp của bố mẹ.
Nhiều gia đình phải nhờ bà lên trông cháu cho bố mẹ đi làm
"Cũng muốn cho con được đến trường, được có tuổi thơ vui đùa hồn nhiên bên bạn bè như những đứa trẻ khác nhưng bố mẹ đều công tác trên này, cháu đành phải theo chân mẹ. Ở trên này heo hút, khí hậu lại khắc nghiệt, hồi bé cháu ốm suốt nhưng rồi cũng thích nghi dần. Nhiều lần vợ chồng tôi cho về nhà ông bà ở dưới xuôi chơi, nhưng cháu không hòa nhập với các bạn nhỏ dưới ấy. Thương con nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chẳng biết làm thế nào. Về xuôi thì không có việc làm, bám trụ trên này thì đành chấp nhận” – chị Hoài trải lòng.
Cũng như bé Nhi, 7 tháng tuổi, bé Tú Linh đã phải theo mẹ đi làm. Dù được làm việc ở trụ sở văn phòng của công ty, gần thị trấn hơn so với mẹ con bé Nhi nhưng giữa bốn bề là núi non, đèo vực, những đứa trẻ như Tú Linh cũng không được đến nhà trẻ, không có nhiều bạn bè để chơi.
Vì công việc, bà nội, bà ngoại Tú Linh cứ phải thay phiên nhau lên chăm cho bố mẹ cháu đi làm. Chị Huế (mẹ Tú Linh) cho biết, ở đây cũng có mấy cặp vợ chồng phải mang con theo cùng. Có gia đình cứ đứa lớn đến tuổi đi học lớp 1 thì gửi về xuôi ở cùng ông bà, sinh thêm đứa nhỏ thì lại mang theo. Cứ thế, những đứa trẻ thay nhau theo chân mẹ đi làm.
Những đứa trẻ không được đến trường, ít được tiếp xúc với người lạ nên rất rụt rè, nhút nhát
Không mang con theo cùng như chị Hoài hay chị Huế, chị Thu (nhân viên Nhà máy Thủy điện) chọn giải pháp sáng đi tối về. Chạy xe máy 50km/ngày đường đèo heo hút, hiểm trở với một người phụ nữ quả không phải là việc dễ dàng. Ngày nắng ráo còn đỡ, những hôm trời mưa gió bão bùng, một mình chị vẫn đi về trên cung đường vắng, hai bên là núi đồi, đèo vực với bao hiểm nguy chực chờ đã ròng rã 11 năm như thế.
Chị không khỏi chạnh lòng: “Không về thì thương con, mà đi về thì thương mình. Trước tôi cũng cho các bé theo mẹ nhưng rồi phải cho về để các con được đi học. Biết là vất vả nhưng mẹ phải cố gắng để các con được đến trường như bao đứa trẻ khác. Dù ở đây, có mẹ, lại được các cô, các bác yêu thương nhưng cũng không thể là điều kiện tốt để cháu phát triển được”.
Rời khu nhà công vụ, chúng tôi về xuôi. Vượt quãng đường vời vợi, núi đèo dần lùi xa, những ánh nhìn ngây thơ, len lén vẫn ám ảnh tôi. Không biết đến bao giờ các em mới không phải theo chân mẹ đi làm, mới được về xuôi để đến trường như bao bạn bè khác, để được phát triển toàn diện.