Trần Hồng Giang (SN 1984 - trú tại phường Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh) từng là một chàng trai khỏe mạnh, cường tráng. Anh từng nuôi ước mơ trở thành phi công, làm chỗ dựa vững chắc cho bố mẹ, vợ con, nhưng rồi tất cả tan tành khi anh anh gặp tai nạn trên đường đi làm về ban đêm cách đây gần 4 năm.
Đã gần 4 năm nay, vợ chồng bà Vân phải thay nhau chăm sóc người con trai nằm bất động
Cũng từ đó, người đàn ông ấy nằm một chỗ, sống đời thực vật, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người chăm lo. Khi anh gặp nạn, hai con còn thơ dại, vợ anh phải đi làm kiếm tiền nuôi các con, anh được bố mẹ đón về nhà chăm sóc.
Năm nay đã 70 tuổi, hai vợ chồng bà Nghiêm Thị Vân – mẹ anh Giang vẫn phải thay nhau nuôi nấng, chăm sóc con trai như một đứa trẻ lên hai. “Ai ngờ được một người khỏe mạnh như nó giờ phải bón từng thìa cháo, đút từng muỗng sữa. Gia đình tôi cũng đi khắp nơi tìm thầy, thuốc thang để chạy chưa cho con nhưng nó vẫn nằm vậy từ khi bị tai nạn đến nay” – bà Vân gạt nước mắt nhìn con trai xót xa.
Kinh tế kiệt quệ, tinh thần căng thẳng, điều bà Vân lo lắng nhất bây giờ là hai ông bà tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu mà bệnh tình con trai không có tiến triển.
16 tuổi - Lê Ngọc Dương khép lại những ước mơ của tuổi trẻ khi em còn chưa kịp bắt đầu
Trên giường bệnh tại khoa Nội - Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh), em Lê Ngọc Dương (SN 2003) - trú tại xã Kỳ Tây - Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nằm bất động với một bên sọ não bị tổn thương nghiêm trọng. Đã gần 3 tháng nay, em Dương được duy trì sự sống bằng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc.
Anh Lê Ngọc Thắng – anh trai em Dương đau buồn nhớ lại vụ tai nạn đã cướp đi cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh của Dương: “Một chiếc xe bồn chạy ẩu đã đâm vào em tôi, nó bị đa chấn thương. Điều trị ở Hà Nội gần 1 tháng, gia đình đã kiệt quệ phải đưa em về Hà Tĩnh điều trị trong tình trạng sống thực vật”.
16 tuổi -em Dương còn chưa bắt đầu những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ đã phải khép lại cánh cửa cuộc đời bằng một tai nạn, mà chắc hẳn di chứng sẽ vô cùng nặng nề. Anh Thắng -anh trai em đang làm việc ở Đài Loan cũng đã phải dở dang công việc để về chăm sóc, chạy chữa cho em.
Tai nạn giao thông - nỗi đau của người ở lại (Trong ảnh: Hai anh em Hồ Duy Mạnh và Hồ Thị Bảo Châu ngơ ngác trong đám tang mẹ)
Những vụ tai nạn giao thông đều có một điểm chung là mang đến nỗi đau thể xác cho nạn nhân và nỗi đau tinh thần dai dẳng cho người thân, đôi khi nỗi đau đó họ phải mang theo suốt cả cuộc đời.
Hình ảnh hai đứa trẻ ngơ ngác trong đám tang mẹ - cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy (giáo viên Trường Mầm non thị trấn Sơn Tây - Hương Sơn) chắc hẳn vẫn còn in trong tâm trí những người dân phố núi.
Sau cú va chạm vào buổi sáng định mệnh, cô Thủy ra đi không một lời từ biệt các con và gia đình. Hai anh em Hồ Duy Mạnh (12 tuổi) và Hồ Thị Bảo Châu (6 tuổi) đã mất cha, nay lại mồ côi mẹ - nỗi đau mà suốt cả cuộc đời này có lẽ sẽ chẳng bao giờ các em có thể nguôi ngoai.
Nhanh một phút - chậm cả đời!
Bác sỹ Trần Thị Thảo Linh (Khoa Nội – Nhi Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh) cho biết, hầu hết bệnh nhân tai nạn giao thông phải điều trị phục hồi tại bệnh viện đều mang di chứng nặng nề như chấn thương sọ não, tổn thương thần kinh, cột sống, gãy tay chân… Họ phải điều trị hàng năm trời, kiên trì, tốn kém, thậm chí có những người sống đời tật nguyền với máy móc hỗ trợ hoặc phải từ giã cõi đời trong đau đớn.
Đó thực sự là nỗi đau không gì bù đắp nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu mỗi người khi tham gia giao thông có ý thức đạp nhẹ chân ga và thực sự đặt trách nhiệm vào tay lái. Bởi phía trước là cuộc sống của chính bản thân họ và gia đình, xã hội, bởi “nhanh một phút sẽ chậm cả đời”.
Theo báo cáo từ Ủy ban ATGT tỉnh, chỉ riêng từ đầu năm đến hết tháng 10/2019, toàn tỉnh xảy ra 102 vụ tại nạn, làm chết 95 người, bị thương 62 người. |