Nỗi nhớ mùa đông

(Baohatinh.vn) - Mùa đông làm tôi nhớ đến những kỷ niệm xưa, những yêu thương chăm sóc bà nội và nỗi mất mát không dễ gì bù đắp...

Gia đình tôi đông anh em, bố lại làm xa nên “một chốn đôi quê”. Những đứa lớn thì theo bố mẹ lên thị xã học, đứa bé ở nhà với ông bà nội. Tuổi thơ tôi cũng từng có những năm tháng lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc của bà. Những năm tháng tràn ngập kỷ niệm êm đềm.

Nhưng tôi vẫn nhớ nhiều nhất đến những mùa đông bên bà. Có lẽ bởi bà luôn mang đến cho tôi niềm tự hào với lũ trẻ cùng xóm bằng những chiếc áo len, mũ len kiểu dáng lạ, rực rỡ sắc màu. Cứ thời tiết se se, báo hiệu trời chuyển đông là bà lại đi chợ huyện mua len rồi miệt mài đan. Hồi ấy, áo quần trẻ con bán ở chợ cũng nhiều nhưng bà vẫn thích đan áo, đan khăn cho các cháu. Bà bảo, áo tự đan vừa chắc chắn lại không ai có. Cũng vì thế nên nhà tôi có những chiếc áo “gia truyền”, mặc từ chị cả đến hai anh trai, người thừa hưởng cuối cùng là tôi mà vẫn chẳng bị bung, sổ mũi len nào. Hồi đó, tôi chưa cảm nhận được tình yêu thương từ những tấm áo bà đan, chỉ biết là tôi rất thích diện chúng mỗi lần đến lớp bởi mình nổi bật, chẳng giống ai.

Sau này, bà ít đan dần vì mắt kém. Rồi năm tôi học lớp 3, bà chỉ còn nhìn thấy mọi vật lờ mờ. Những mùa đông đến, bà không đi chợ huyện mua len, không đan áo được nữa mà chỉ ngồi bên bếp lửa sưởi ấm. Cũng bên bếp lửa bập bùng ấy, một kỷ niệm vẫn làm sống mũi tôi cay cay mỗi lần nhớ đến bà.

Trong một lần đi công tác về, bố mua cho tôi một đôi dép bằng chất liệu xốp rất nhẹ và đẹp. Hồi đó, trẻ con chỉ có mỗi dép nhựa xanh đỏ, đôi dép của tôi là cả một “báu vật”, niềm ao ước của bao đứa. Đêm ngồi bên bếp lửa cùng bà, hai bà cháu say sưa trò chuyện thì giật mình ngửi thấy mùi khét lẹt. Nhìn vào đống lửa, “báu vật” của tôi đã cong queo, biến dạng đến thảm hại, tiếng dép cháy xèo xèo làm tôi như “chết điếng”. Vì mắt mờ, bà tưởng chiếc dép là củi khô nên ném luôn vào bếp để sưởi. Tôi khóc nức nở, bắt đền mặc cho bà dỗ dành.

Những ngày sau, tôi khóc nhè, “hành hạ” bà, làm bà cứ áy náy mãi vì chuyện đó. Bà nói với bác hàng xóm là ước gì bà đi được chợ huyện để mua đền cho tôi đôi dép khác giống như thế.

Rồi mấy năm sau, cũng mùa đông lạnh lẽo, bà ra đi sau một trận ốm. Khoảng trống ấy thật không dễ gì bù đắp trong chúng tôi. Mãi cho đến bây giờ, mùa đông, với chúng tôi dường như vẫn lạnh hơn. Cũng có thể vì không còn hơi ấm từ những chiếc áo bà đan, không còn thói quen ngồi bếp sưởi ấm mỗi tối. Nhưng có lẽ, hơn hết thảy vẫn là cái lạnh vì sự mất mát, thiếu vắng một người thân yêu.

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.
'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

Ra mắt ngày 4/4 tại các rạp trên toàn quốc, bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng do tư nhân đầu tư vốn “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khắp cả nước. Chỉ sau 2 ngày công chiếu chính thức, 4 ngày chiếu sớm, bộ phim đã vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng và tiếp tục tăng.
Dạ hội văn nghệ “Hồng Lĩnh tự hào địa linh”

Dạ hội văn nghệ “Hồng Lĩnh tự hào địa linh”

Dạ hội văn nghệ với chủ đề “Hồng Lĩnh tự hào địa linh” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách về tham dự Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).
Ngôi nhà trí tuệ - nơi lan tỏa tinh thần học tập

Ngôi nhà trí tuệ - nơi lan tỏa tinh thần học tập

Trải qua 4 năm triển khai, mô hình "Ngôi nhà trí tuệ" tại Hà Tĩnh đã khẳng định vai trò thúc đẩy phong trào khuyến học và xây dựng xã hội học tập tại các địa phương. Đây là nơi cung cấp nguồn tài liệu, sách báo phong phú đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi.