Nuôi lợn sau “bão dịch”: Không nên tái đàn ồ ạt

(Baohatinh.vn) - Sau dịch lở mồm long móng, người chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh đã bắt đầu tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh và biến động giá cả, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm quy trình nuôi khoa học và không nên tái đàn ồ ạt.

Nuôi lợn sau “bão dịch”: Không nên tái đàn ồ ạt

Nhiều hộ nuôi ở Thạch Ngọc (Thạch Hà) bắt đầu tái đàn sau dịch

Mạnh dạn tái đàn sau “bão dịch”

Đợt dịch lở mồm long móng (LMLM) cuối năm 2018, gia đình anh Nguyễn Tài Nam (xã Thạch Ngọc – Thạch Hà) bị chết 7 con lợn. Sau khi tiêu hủy số lợn chết, anh Nam tiến hành tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thả nuôi lứa lợn tiếp theo. Hiện nay, đàn lợn của gia đình anh có gần 30 con và 2/3 trong số đó đã đến thời hạn xuất bán. Được biết, thương lái đã vào cọc tiền và vài ngày tới sẽ đến bắt với mức giá 46 ngàn đồng/kg.

Nuôi lợn sau “bão dịch”: Không nên tái đàn ồ ạt

Sau dịch lở mồm long móng, nhiều hộ nuôi lợn tại Hà Tĩnh đã mạnh dạn tăng đàn

Ông Nguyễn Hồng Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc cho biết: “Toàn xã hiện có trên 500 hộ chăn nuôi lợn và chủ yếu tập trung ở 2 thôn Bắc Tiến và Mộc Hải. Trong đó, 150 hộ có quy mô 100 con trở lên, có 80 hộ nuôi quy mô 20 – 30 con/lứa. Đợt dịch vừa rồi, người nuôi lợn ảnh hưởng khá nặng nề nhưng xã chỉ đạo quyết liệt nên bà con nhanh chóng khống chế dịch và kịp thời khôi phục lại chăn nuôi, tái đàn bình thường”.

Tại xã Thạch Hội – "điểm nóng" dịch LMLM cuối năm 2018, tình hình chăn nuôi nay cũng đã khả quan. Ông Dương Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hội cho hay: “Đợt dịch vừa rồi địa phương chịu thiệt hại nặng nề, phải tiêu hủy trên 400 con các loại. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của người dân và chính quyền địa phương, đến nay tình hình chăn nuôi đã ổn định trở lại với tổng đàn trên 10.000 con lợn. Hiện nay, khoảng 900 hộ nuôi đã đầu tư chi phí mua con giống, thức ăn để tăng đàn và thực hiện tiêm phòng vắc – xin LMLM và các loại vắc – xin khác đầy đủ”.

Tương tự, xã Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) hiện nay cũng đã vượt qua cơn "bão dịch" và ổn định tình hình chăn nuôi. “Đợt dịch cuối 2018 – đầu 2019, địa phương thiệt hại khá nặng, phải tiêu hủy trên 250 con. Sau khi khống chế được dịch bệnh, đến thời điểm này người nuôi đã vệ sinh chuồng trại, phát triển đàn nuôi. Tổng đàn lợn của địa phương hiện đạt trên 2.000 con”, Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim Thắng cho biết.

Nuôi lợn sau “bão dịch”: Không nên tái đàn ồ ạt

... và nhiều hộ chăn nuôi khác đang vệ sinh chuồng trại để tái đàn

Cần thận trọng, không tái đàn ồ ạt

Ông Nguyễn Khắc Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh khuyến cáo: “Hiện nay, bà con đã tái đàn trở lại. Tuy nhiên, trước sự biến động thất thường của giá cả, bà con cần thận trọng, không nên tái đàn ồ ạt. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nếu như trước đây dịch LMLM chủ yếu ở trâu bò bị thì nay đã xuất hiện trên lợn thịt.

Do đó, khi tái đàn và tăng đàn trở lại, người nuôi lợn cần tuân thủ nghiêm quy trình phòng chống dịch bệnh. Theo đó, cần mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc – xin cho lợn, thường xuyên khử trùng - vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chăm sóc theo quy trình khoa học”.

Nuôi lợn sau “bão dịch”: Không nên tái đàn ồ ạt

Khi tái đàn, tăng đàn trở lại, người nuôi lợn cần mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ quy trình phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc – xin...

Cũng theo ông Khánh, những trang trại nuôi lợn quy mô lớn thì nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao và nếu nhiễm bệnh thì hậu quả rất nặng nề. Do vậy, khi quyết định tái đàn, tăng đàn trở lại, các chủ trang trại cần tiêm phòng theo đúng quy trình, hạn chế người qua lại và hạn chế các phương tiện cung ứng giống, thức ăn từ bên ngoài vào… để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast