Đền thờ Mai Hắc Đế ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ (Lộc Hà) được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2011. Mặc dù đây được xem là một công trình có ý nghĩa to lớn về mặt văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên trước đây chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, di tích này vẫn nằm trong khu dân cư chật hẹp, các hạng mục trong khu di tích chỉ còn lại một nhà thờ nhỏ đang trong tình trạng xuống cấp, nền móng sụt lún, tường nứt, mái thấm nước, hệ thống cửa mục mọt...
Từ chỗ chật hẹp, xuống cấp, nhà thượng điện của Đền thờ Mai Hắc Đế ở xã Mai Phụ (Lộc Hà) đã được trùng tu, nâng cấp khang trang, bề thế và bổ sung thêm nhiều hạng mục quan trọng khác...
Năm 2016, đền thờ Mai Hắc Đế đã được Tập đoàn Vingroup công đức 23 tỷ đồng để cùng với các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư tôn tạo, nâng cấp. Với số tiền này, ngoài nhà thượng điện được trùng tu thì còn có nhiều hạng mục quan trọng được xây dựng mới như nghi môn, tắc môn, trung điện, hạ điện, nhà tả vu, nhà hữu vu, nhà hóa mã. Cùng với đó, khuôn viên di tích đã được mở rộng lên 1,1 ha và các hạng mục khác đã được hoàn thành để xứng tầm với nơi thờ tự của vị tiền nhân có công lao to lớn với dân tộc và các giá trị khác của nó...
Chùa Phổ Độ - một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất ở xã Hộ Độ và huyện Lộc Hà đã được các tấm lòng thiện tâm công đức hàng chục tỷ đồng để xây dựng ngày càng khang trang, bề thế...
Ngoài nguồn ngân sách, những năm gần đây, huyện Lộc Hà đã kêu gọi được các doanh nghiệp thiện tâm tài trợ hàng chục tỷ đồng và vận động nhân dân được từ 3-5 tỷ đồng/năm để trùng tu, tôn tạo 197 di tích, công trình văn hóa, lịch sử, trong đó có 56 di tích đã được xếp hạng. Vì vậy, ngoài đền thờ Mai Hắc Đế, trên địa bàn huyện Lộc Hà còn có nhiều di tích đã được tôn tạo, xây dựng khang trang, vừa góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, trong đó có nhiều công trình nổi bật như: chùa Phổ Độ, chùa Triều Sơn, chùa Chân Tiên, chùa Kim Dung...
Di tích lịch sử văn hóa Nhà thờ họ Vũ- Võ và miếu quan quận ở xã Thạch Hạ (thành phố Hà Tĩnh) đang được bà con trong dòng tộc đầu tư nhiều tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng và sắp được hoàn thành...
Không chỉ có huyện Lộc Hà mà việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh cũng được các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm. Trong 5 năm qua (2013-2018), ngoài nguồn ngân sách các cấp đầu tư 37 tỷ đồng theo chương trình chống xuống cấp di tích thì bình quân mỗi năm toàn tỉnh đã huy động được 244 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa (bình quân 48,8 tỷ đồng/năm) để trung tu, nâng cấp, xây dựng 459 di tích cấp tỉnh, 80 di tích quốc gia và 1.100 di tích chưa xếp hạng nhưng đã điều tra, kiểm kê...
Nhờ được quan tâm đầu tư xây dựng nên Khu di tích nhà thờ đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở xã Sơn Trung (Hương Sơn) đã trở nên khang trang, sạch đẹp, thu hút du khách thập phương..
Thực tế cũng cho thấy, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, các địa phương trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều dự án trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích đạt kết quả tốt. Diện mạo nhiều di tích đã được đổi thay, nhiều di tích đã trở thành điểm tâm linh, du lịch, giáo dục truyền thống cho thế hệ ngày nay. Đáng kể đến trong số này là Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Đền thờ Nguyễn Thiếp, Đền Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, các di tích về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chùa Hương Tích, chùa Thanh Lương, đền Chợ Củi, đền thờ và quảng trường Mai Hắc Đế…