Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

(Baohatinh.vn) - Với chúng tôi, Trần Việt Hoàng, học sinh lớp 12A – Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh), người vừa giành học bổng vào Đại học Fulbright Việt Nam, từ lâu là “chỗ thân quen” bởi em là trường hợp được Quỹ Chia sẻ ở Đức giúp đỡ mà Báo Hà Tĩnh là cầu nối. Mỗi tháng, có khi là vài tháng chúng tôi lại đến gặp em. Dù là ai đến gặp đều cảm nhận ở em sự gần gũi, ấm áp, khát vọng chinh phục tri thức và niềm lạc quan vào cuộc sống.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Với chúng tôi, Trần Việt Hoàng, học sinh lớp 12A – Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh), người vừa giành học bổng vào Đại học Fulbright Việt Nam, từ lâu là “chỗ thân quen” bởi em là trường hợp được Quỹ Chia sẻ ở Đức giúp đỡ mà Báo Hà Tĩnh là cầu nối. Mỗi tháng, có khi là vài tháng chúng tôi lại đến gặp em. Dù là ai đến gặp đều cảm nhận ở em sự gần gũi, ấm áp, khát vọng chinh phục tri thức và niềm lạc quan vào cuộc sống.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Ai sinh ra ở trên đời đều có một số phận riêng. Tưởng như, việc thiếu vắng bàn tay chăm lo của người bố đã là một thiệt thòi đối với của cậu bé Trần Việt Hoàng, thế nhưng sự trớ trêu của số phận một lần nữa “thử sức” với mẹ con cậu. Chị Trần Thị Sen – mẹ của Hoàng kể với chúng tôi, vào lúc Hoàng 5 tuổi, bằng sự nhạy cảm của người mẹ, chị phát hiện ra có điều bất thường ở ánh nhìn của con trai mình. Dù chị đã ngay lập tức đưa con đi khám nhưng y học lúc đó đã không giúp chị phát hiện ra căn bệnh bong võng mạc. Mãi cho đến khi, đôi mắt của con không được cải thiện mà cứ mờ dần đi, chị Sen đưa con ra Hà Nội thì căn bệnh đã ở giai đoạn cuối.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Không có người đàn ông bên cạnh, với chị Sen, con trai là cả tương lai của gia đình, chị từng hy vọng, Hoàng sẽ là chỗ dựa cho bà, cho mẹ và chị gái. Chính vì vậy, dù lúc đó đang mang trong mình căn bệnh suy thận, chị vẫn quyết định dốc hết tài sản, chạy vạy vay mượn để tìm lại ánh sáng cho con trai mình. Bất hạnh cho mẹ con chị là sau 4 lần mổ ở Bệnh viện mắt Trung ương, bệnh tình của Hoàng vẫn không hề thuyên giảm, cho đến năm 9 tuổi thì Hoàng bị mù hoàn toàn.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Nhớ lại những ngày ấy, Hoàng vẫn rùng mình. Tối tăm là thứ duy nhất bao trùm lên suy nghĩ của cậu. Bao nhiêu ước vọng, bao nhiêu khát khao để có thể bù đắp cho bà, cho mẹ bỗng dưng vụt tắt. Vừa bị mất đi ánh sáng của đôi mắt, ánh sáng của trí tuệ cũng tưởng như bị dập tắt khi nhà trường tạm dừng việc học của em. Nhưng chính trong nỗi đau số phận ấy, cậu bé 9 tuổi lại trở nên chững chạc hơn bao giờ hết. Hoàng không hề nhụt chí, cậu nghe lời động viên của mẹ và của hội người mù đi học chữ nổi. Dù bao nhiêu chuyện có thể quên, có thể phai nhoà nhưng Hoàng không thể nào quên được những sáng tinh sương, mẹ cậu ra đồng đi cấy rồi tất tả về đạp xe chở con trai mù lên huyện học chữ nổi. Dù chưa hình dung ra con đường phía trước, nhưng lúc ấy trong Hoàng đã hình thành nên một ý chí vô cùng mạnh mẽ, rằng, mắt tuy mù nhưng trí không được mù. Bằng mọi giá, phải được đi học trở lại.

Người mẹ tần tảo như hiểu được tâm ý của con trai. Ngay cả lúc con trai đã bị mù, chị vẫn không thôi thắp sáng niềm hy vọng vào cậu. Chị tất tả lên phòng giáo dục đào tạo của huyện để xin cho con mình tiếp tục đi học. Tâm nguyện của chị được chấp nhận và Hoàng được tiếp tục con đường học hành của mình trong sự giúp đỡ tận tâm của thầy cô và bạn bè. Và, đó cũng là thời điểm bắt đầu cho những nỗ lực mới của mẹ con Hoàng.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, Trần Việt Hoàng luôn nhắc đến những tấm lòng nhân ái với sự cảm động sâu sắc. Hoàng nói, nếu có kiếp trước thì chắc bởi kiếp đó em đã làm quá nhiều việc tốt nên kiếp này em mới nhận được nhiều yêu thương đến vậy. Mỗi người yêu thương em theo những cách khác nhau nhưng tất cả đều tiếp năng lượng cho em. Cả cuộc đời này, em cũng không thể nào trả hết những ân nghĩa ấy. Từ trong bóng tối của tuyệt vọng, em đã dần dần vươn ra ánh sáng và không thôi tự thắp sáng những ước mơ, khát vọng của chính mình. Em chỉ biết phấn đấu và không ngừng phấn đấu để đáp đền ơn nghĩa của mọi người thôi.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Trong rất nhiều những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời, Trần Việt Hoàng nhắc lại kỷ niệm năm 2014 khi được nhà báo Văn Á mời ra Hà Nội tham gia chương trình giao lưu Những trái tim đồng cảm lần thứ 7. Sau lần đó, mỗi năm mẹ con Hoàng được hỗ trợ 10 triệu đồng để lo chi phí chữa bệnh cho mẹ và trang trải việc học cho Hoàng. Cũng chính lần giao lưu đó, hoàn cảnh của Hoàng được nhiều người biết đến hơn. Cảm thương cậu bé mù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nỗ lực học giỏi nên nhiều nhà hảo tâm đã đến chia sẻ, giúp đỡ cậu. Đó cũng chính là động lực để Hoàng nỗ lực học tập tốt hơn.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Chị Vũ Thị Dung, người sáng lập Quỹ Khát vọng.

Số phận không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả. Tôi càng tin vào điều đó khi biết rằng, Trần Việt Hoàng tuy không có bố nhưng cuộc đời cậu lại có đến 2 người mẹ. Người mẹ thứ 2 đến với cuộc đời cậu rất tình cờ. Ấy là năm Hoàng học lớp 10, qua nhiều sự kết nối, cậu được tham gia hoạt động định hướng của Quỹ Khát vọng ở Hà Nội. Quỹ Khát vọng do mẹ Vũ Thị Dung sáng lập. Và mẹ Vũ Thị Dung còn là mẹ của 250 trẻ mồ côi khác trong cả nước. Kể từ sau hoạt động đó, mẹ Dung nhận Hoàng làm con, thường xuyên chăm sóc, bảo bọc cho cậu.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Người mẹ thứ 2 là một đặc ân lớn mà cuộc đời đã mang đến cho Hoàng. Hoàng chia sẻ, khi gặp mẹ Dung là khi Hoàng đang rất hoang mang, không biết chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai của mình. Lúc bấy giờ Hoàng đang mang khát vọng trở thành bác sỹ đông y nhưng tất cả các trường y học dân tộc đều từ chối sinh viên khiếm thị. Giữa lúc ấy thì mẹ Dung đã đến và định hướng cho Hoàng. Hoàng bắt đầu nuôi dưỡng giấc mơ trở thành nhà tâm lý học. Có lẽ mẹ đã nhìn thấy tố chất tiềm ẩn trong tâm hồn của cậu học trò nghèo Hà Tĩnh. Điều đó có khi được Hoàng nói bằng sự bộc bạch suy nghĩ, có khi lại được gửi gắm qua tiếng sáo đầy khát khao của cậu.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Cảm xúc của người mẹ thứ 2 được chia sẻ trên trang facebook cá nhân khi được Hoàng báo tin về việc nhận được học bổng. Ảnh chụp từ facebook Vũ Thị Dung

Suốt những năm qua, mẹ Vũ Thị Dung không chỉ kết nối để giúp đỡ Hoàng về vật chất mà còn sát sao động viên tinh thần cho Hoàng. Chính mẹ đã định hướng, hướng dẫn tỉ mỉ từng bước để Trần Việt Hoàng thành công trong hành trình chinh phục học bổng 2,2 tỷ của trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Bây giờ, khi đã nhận được thông báo chính thức của Đại học Fulbright, Trần Việt Hoàng vẫn chưa thôi rạo rực hạnh phúc. Với cậu, mỗi hành trình dù đi một mình thì đều có bóng dáng của 2 người mẹ. Cậu không thể quên được những xúc cảm của mẹ Sen khi cậu lên máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh phỏng vấn. Và thật kỳ lạ, đó cũng chính là xúc cảm của mẹ Dung khi mẹ viết lại những xúc cảm đó ngay sau khi nhận tin Hoàng đỗ đại học.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Sự gần gũi giúp đỡ của cô giáo và bạn bè là nguồn động lực lớn để Hoàng nỗ lực vượt qua khó khăn, học tập tốt.

Mẹ Dung viết: “Ngày con vào Sài Gòn phỏng vấn, khi con bay trên bầu trời, mẹ ngồi trên xe khách nhìn lên bầu trời, mẹ đã có một cảm xúc rất thiêng liêng. Lúc đó, có một sự mách bảo rằng, chúng ta đang được dẫn dắt, con có một sứ mệnh đặc biệt và ngôi trường Fulbright là dành cho con. Đó là điểm đến mà mẹ biết rằng nó cao xa như thiên đường ánh sáng nhưng nó là những cơ hội đẹp đẽ dành cho con và các em con, đó là con đường giúp các con thực hiện những ước nguyện tốt đẹp của mình. Sau khi con thông báo tin vui cùng mẹ, 2 mẹ con mình nói chuyện nhỏ nhẹ, yên tĩnh và ngắn thôi, không vồn vã, ồn ào mà chan chứa yêu thương, cái kết nối giữa chúng ta đặc biệt không phải chỉ bằng lời phải không con. Mẹ đã, đang và sẽ luôn tự hào về con, về Khát vọng. Con sẽ là nguồn ánh sáng để dẫn dắt các em con đi tiếp. Hãy luôn biết rằng mẹ, gia đình Khát vọng và tất cả mọi người yêu con thật nhiều”.

Cậu học trò mù và câu chuyện khát vọng

Bên góc học tập đơn sơ, Trần Việt Hoàng đã từng bước viết nên câu chuyện đời mình bằng những trang đời đẹp đẽ

Với những kết quả đã đạt được, những ý tưởng sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và lòng khát khao học tập thể hiện qua hồ sơ và các vòng kiểm tra, Trần Việt Hoàng đã được nhận học bổng trọn gói trong suốt 4 năm của Đại học Fulbright. Tuy nhiên, việc học ở ngôi trường này cần vốn tiếng Anh rất lớn nên trước khi chính thức nhập học, Hoàng phải dành thêm 1 năm để học tiếng Anh. Hoàng nói với chúng tôi, kết quả này là một may mắn của cuộc đời em nhưng đó cũng là một thử thách mới cần sự nỗ lực hơn nữa của em. Trước mắt, em sẽ sử dụng nghề tẩm quất đã được học để kiếm tiền trang trải học phí học tiếng Anh. Chúng tôi tin rằng, Hoàng sẽ lại viết tiếp những trang thật đẹp đẽ, thật ý nghĩa trong cuộc đời mình.

và từ facebook nhân vật

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast