Người dân phấn khởi khi cầu Thọ Tường "thay áo mới"!

(Baohatinh.vn) - Quay ngược dòng thời gian về 20 năm trước, ấy là lúc bà con Đức Thọ (Hà Tĩnh) háo hức vì cây cầu Thọ Tường bao mơ ước được khởi công. Và 20 năm sau, dự án nâng cấp cầu với tổng mức đầu tư 215 tỷ đồng được triển khai đã thỏa ước mong bao năm trông ngóng...

Nơi lưu giữ kỷ niệm

Cầu đường bộ Thọ Tường dù đưa vào sử dụng cách đây gần 20 năm, nhưng dàn cầu sắt được tận dụng từ cầu đường sắt Chợ Tượng cách đây gần 60 năm.

Người dân phấn khởi khi cầu Thọ Tường “thay áo mới”!

Cầu Thọ Tường - nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của người dân nơi đây

Suốt chừng ấy năm song hành với cuộc sống của bà con, ít nhiều, những kỷ niệm về cây cầu sắt ấn tượng vắt qua sông La sẽ còn đọng lại mãi. Chẳng thế mà, nhận được tin tháo dỡ cầu, không ai bảo ai, rất đông bà con tề tựu hai bên chân cầu để được ngắm nhìn trọn vẹn nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm. Trước giờ phát lệnh tháo dỡ, nhiều người dân đã xin được đi trên cầu thêm một lần cuối cùng để ngắm nhìn, để sờ tận tay những thanh sắt bạc màu thời gian và ngậm ngùi nói lời chào tạm biệt.

“Ngày xưa, mỗi lần về quê, bố tôi thường dừng lại ở cầu đường sắt Chợ Thượng gọi đò ngang chở bố con sang bên kia sông. Sau này, dàn cầu sắt được chuyển sang làm cầu đường bộ thì bố tôi đã không còn. Mỗi lần đi qua cây cầu này, tôi vẫn trào dâng nỗi nhớ về những ngày xưa thơ ấu” – anh Nguyễn Văn Bảy (TP Hà Tĩnh) chia sẻ.

Người dân phấn khởi khi cầu Thọ Tường “thay áo mới”!

Bác Nguyễn Văn Phú (tổ dân phố 4 - thị trấn Đức Thọ) bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm suốt 20 năm gắn bó với cây cầu.

“Năm 1999, cầu Thọ Tường bắt đầu triển khai xây dựng. Nhà tôi ở ngay chân cầu nên những ký ức ngày ấy vẫn rõ mồn một. Có lần, mưa lớn làm xói lở đoạn đường dẫn lên cầu, tôi đã lấy ván gỗ ghép lại để bà con có thể lưu thông” – bác Nguyễn Văn Phú (tổ dân phố 4 - thị trấn Đức Thọ) bồi hồi nhớ lại.

Hiếm có cây cầu nào, văn hóa chờ đợi, xếp hàng, lại là vấn đề…“sống còn” như ở cầu Thọ Tường. Thì bởi, nếu không chờ đợi mà chen chúc, mạnh ai nấy đi thì càng đi càng tắc, càng đi càng lâu, đi lui không được, đi tới chẳng xong. Cầu rộng 3,2m, chỉ đủ một xe ô tô và 1 làn xe máy đi ngược chiều. Thế nên đừng ngạc nhiên khi ở mỗi phía chân cầu, xe xếp hàng dài chờ đợi để được lưu thông.

Người dân phấn khởi khi cầu Thọ Tường “thay áo mới”!

Văn hóa chờ đợi, xếp hàng ở cầu Thọ Tường

Mong chờ cầu mới

Dù đong đầy kỷ niệm nhưng người dân đều hiểu rằng, sự xuống cấp, ùn ứ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông của cầu Thọ Tường là điều đã và đang diễn ra. Vậy nên, dù sẽ phải tạm dừng đi qua cầu một thời gian, sẽ mất công hơn khi thực hiện phân luồng để lưu thông, nhưng nhiều bà con địa phương và đa số người dân “thụ hưởng” đều đồng thuận, ngóng trông cầu mới hiện đại, khang trang hơn.

Ngay ngày đầu tiên thực hiện tháo dỡ cầu, nhiều người không biết lịch phân luồng, vẫn đi vào cầu cũ như thường lệ. Vì thế, người dân xung quanh đã trở thành một “tuyên truyền viên” tự nguyện, vừa thông tin phân luồng, vừa “trấn an” người đi đường rằng “hãy chịu khó một thời gian ngắn thôi, cầu mới sẽ đẹp hơn, rộng hơn để phục vụ bà con được tốt”.

Người dân phấn khởi khi cầu Thọ Tường “thay áo mới”!

Đơn vị chức năng đang triển khai tháo dỡ cầu, dự kiến hoàn thành trong vòng 3 tháng

Bác Trần Thị Thảo (67 tuổi, xã Liên Minh - Đức Thọ) vẫn hàng ngày đi qua cầu để thăm con cháu. Chứng kiến quá nhiều cảnh ùn tắc, tai nạn, hay thậm chí có xô xát do “giành” đường đi ngay tại cầu, hơn ai hết, bác Thảo là người vui mừng khi cầu sắp được “sang trang”. “Vẫn biết rằng, khi tạm dừng lưu thông qua cầu để sửa sang, xây mới có nhiều bất tiện, nhưng cứ nghĩ đến hơn 1 năm sau sẽ có cầu mới để đi là tôi vui mừng khôn tả” - bác Thảo không dấu nổi sự phấn khởi.

Cầu Thọ Tường trong tương lai sẽ rộng gần gấp 3 lần cầu cũ (9m), đường kết nối 2 đầu cầu dài gần 3,7 km, có thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Theo kế hoạch, cầu Thọ Tường hoàn thành vào quý II/2020 với tổng kinh phí đầu tư 215 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Vậy là, hình ảnh ùn tắc, dồn ứ sẽ lùi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho sự khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông khu vực. Đặc biệt, cầu Thọ Tường khi hoàn thành sẽ đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ cho nhân dân các xã ngoài đê Sông La (Đức Thọ), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống cho người dân trong vùng…

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast