Nhà văn Đức Ban: "Đêm thức" để sáng...

(Baohatinh.vn) - Đêm ám ảnh ông. Đêm khơi dậy trong ông bao ký ức và thường là ký ức buồn. Càng đào xới càng chạm đến cái vỉa của phận người, cõi người. Có cả những nỗi buồn sâu thẳm, chát đắng, ngậm trong nước mắt chỉ riêng mình ông mới biết chứ không thể chia sẻ với ai. Ông đã “trùng tu” nỗi buồn thành những đền đài của tác phẩm. Đức Ban là thế - tinh tế mà cũng rất nhà quê.

Nhà văn Đức Ban: “Đêm thức” để sáng...

Nhà văn Đức Ban: “Đêm thức” để sáng...
Nhà văn Đức Ban: “Đêm thức” để sáng...

Hồi mới tách tỉnh, Hội Văn nghệ Hà Tĩnh được phân một dãy phòng cấp 4 xập xệ ở trung tâm thị xã. Nhà văn Đức Ban ở trong một căn phòng nhỏ, ăn cơm chung với bếp tập đoàn của hội. Sau này, một lần ông nói với tôi, hồi đó, ông viết khỏe vì buồn, buồn thật. Đêm thị xã quạnh vắng, một mình đọc sách lắm cũng chán.

Nhà văn Đức Ban: “Đêm thức” để sáng...

Ông bỏ sang rạp chiếu phim 26/3 đối diện xem phim. Rồi về. Chong đèn, pha gói mì tôm và “cày”. Cày thật sự. Trước hết có cái truyện để in Tạp chí Hồng Lĩnh. Rồi, cũng phải ra tập mới; và tập “Đêm thức” ra đời. Tập truyện ngắn này nằm trong cụm tác phẩm được giải Nhà nước năm 2017, trước đó là giải A của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Sau này, ông làm tuyển tập, tôi lại được đọc nhiều truyện ngắn viết về đêm của ông: “Đêm thức”, “Tiếng đêm”, “Lối đi trong tăm tối”, “Lúc nửa đêm về sáng, “Ngôi sao hôm leo lét”... Và cuốn tiểu thuyết cũng mang tên “Trăng vỡ”. Đêm ám ảnh ông. Đêm khơi dậy trong ông bao ký ức và thường là ký ức buồn. Buồn vu vơ, buồn lắng sâu, buồn bản mệnh. Càng đào xới càng chạm đến cái vỉa của phận người, cõi người. Có cả những nỗi buồn sâu thẳm, chát đắng, ngậm trong nước mắt chỉ riêng mình ông mới biết chứ không thể chia sẻ với ai. Ông đã “trùng tu” nỗi buồn thành những đền đài của tác phẩm. Đức Ban là thế - tinh tế mà cũng rất nhà quê. Cái chất quê dai dẳng, bám riết để ông ký thác vào con chữ.

Nhà văn Đức Ban: “Đêm thức” để sáng...

Tôi đã về quê ông, một làng quê nghèo như bao làng quê ở Hà Tĩnh. Nghèo mà phong lưu. Cái con sông Nghèn mà trong tác phẩm ông gọi là sông Nghẽn, sông Duềnh, rồi những hoa bần, bến nước, mui thuyền… cứ tuần tự làm cái phông, cái phong vị cho những truyện ngắn của ông. Đó là không gian nghệ thuật, khí quyển tâm thế mà ở đó ông đã dựng dậy các nhân vật thường là bé mọn không may mắn; đến cả cái tên cũng nhọc nhằn: Ông Trìu, Nợi, Nhọn, cô Bờ, thằng Sắt…

Nhà văn Đức Ban: “Đêm thức” để sáng...

Trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại Hà Tĩnh”, ở phần quá trình công tác, ông viết: Đã từng học phổ thông, làm ruộng, dạy học bổ túc văn hóa rồi đi thanh niên xung phong, sau đó học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du. Điều đó cho ta thấy ông là người có nhiều vốn sống thực tế bằng trải nghiệm của mình, nhất là đời sống nông thôn. Nếu có viết về thành thị thì đấy là thị thành buổi đầu, thị thành chuyển hóa từ nông thôn, còn manh mún, tạm bợ. Và những con người từ thời chiến tranh trở về cũng là những người xuất thân từ nông thôn, trở về với nông thôn. Từ đó để ông có “Khúc hát ngày xưa”, “Cô Tề làng tôi”, “Chuyện quanh quán cây Dừa”, “Bến tắm”, “Đền thờ Đức Thánh Mẫu”… Những năm tháng ở thanh niên xung phong là chất liệu đời sống sinh động cho ông viết tiểu thuyết “Trăng vỡ”…

Nhà văn Đức Ban: “Đêm thức” để sáng...

Hồi đó, cuối những năm 1980, đời sống còn khá vất vả. Nhà ông ở khu tập thể Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Lúc đó, nhà nhà nuôi lợn, nhà nhà bóc lạc, bật cả móng tay. Những năm ấy, tôi nhớ tài sản quý nhất của nhà văn Đức Ban là tủ sách dựng sát tường với nhiều đầu sách hay, chủ yếu là văn học Nga. Dựng cạnh đó là chiếc xe đạp cà tàng để ông hàng ngày ra cơ quan làm việc và chở về những bao lạc vỏ, mùn cưa đun bếp. Ở với gia đình ông còn có mẹ già, bà cụ có nét rất giống ông. Nhìn cử chỉ ông gắp thức ăn cho mẹ, động viên, dỗ dành bà mà tôi nghẹn lòng. Và nghĩ bụng, với một người con hiếu thảo như thế thì những trang văn ông viết ra không thể hời hợt được...

Nhà văn Đức Ban: “Đêm thức” để sáng...

Ông kể cho tôi nghe những ngày ông học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du. Ở quê ra lại mang theo cháu Sơn còn bé, hai bố con sống khá chật vật. Hàng tuần lên lớp, vừa học, ông vừa phải nghĩ viết truyện thiếu nhi để có tiền nhuận bút nuôi con. Vì thế mà sau này tập hợp lại, ông đã có tập truyện viết cho thiếu nhi “Hoa cúc vàng” khá xinh xắn và hấp dẫn.

Có lần tôi nghe Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nói về “Thiên tính nữ” trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi thấy rằng, ở Đức Ban cũng đậm đặc “Thiên tính nữ” nhân hậu ấy. Trong những bối cảnh cuộc sống lạnh lẽo, quạnh quẽ, hoang vắng, những người bị hắt hủi, nhất là nhân vật nữ, vẫn đến với nhau, sưởi ấm cho nhau bằng thứ tình cảm chân thực, cao quý, giàu lòng nhân ái nữ tính cao cả: Đó là chị Thảo với ông Trìu (Hoa Bần); con Hệ với lão Cự (Ngôi sao hôm leo lét); cô Bờ (Người đàn bà choàng khăn); hai người đàn bà lỡ thì (Mồng mười tháng tám)…

Ngoài mảng đề tài viết về nông thôn mà ông khá quen thuộc thì loạt tác phẩm của Đức Ban viết về cuộc sống thời hậu chiến cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Nỗi đau cuộc chiến được ông cảm nhận từ các phương vị khác, những cung bậc khác với những bất công, ngang trái. Đây thật sự là những truyện ngắn có sức sống lâu dài trong lòng bạn đọc, bởi những vấn đề ấy vẫn nóng bỏng tính thời sự đến ngày hôm nay. Văn ông trầm tĩnh và tinh tế, đẹp hài hòa nhưng vấn đề đặt ra lại khá gay gắt, sâu sắc đi đến tột cùng vấn đề đặt ra. Một giọng văn phải về đêm thật yên tĩnh, thật đơn độc, thật phản kháng, tự kháng mới có được.

Nhà văn Đức Ban: “Đêm thức” để sáng...

Bẵng đi mấy năm do bận rộn công việc với chức danh mới là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, ông chủ yếu viết kịch bản sân khấu hoặc nghiên cứu văn hóa. Từ ngày nghỉ hưu, ông viết trở lại, viết một mạch và cho xuất bản tập “Giọt nước mắt của đất”. So với các tác phẩm trước, 9 truyện ngắn trong tập này sâu sắc hơn với những vấn đề thời sự nóng hổi, cấp thiết. Bao tiêu cực xảy ra từ việc bán đất làm dự án, phá hoại môi trường sinh thái và cả môi trường văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn chọn tên tập “Giọt nước mắt của đất”, giọt nước mắt của tâm linh thăm thẳm nguồn cội từ đất, từ lòng đất, con người cõi âm và dương, sáng và tối, thiện và ác.

Nhà văn Đức Ban: “Đêm thức” để sáng...

Nhà văn Đức Ban tụ hội nhiều năng khiếu bẩm sinh ngoài văn chương, khiếu thẩm mỹ về mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu và cả hoạt ngôn trong giao tiếp đời thường. Đức Ban đã từng là Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Sở VH-TT&DL.

Trong các cuộc vui với bạn bè, đồng nghiệp, Đức Ban luôn hài hước, dí dỏm với sự hóa thân bình dị làm cho cuộc rượu sôi hẳn lên. Cái chất nghệ sĩ linh hoạt ở con người ông vẫn có nét căn cốt điềm đạm với sự tinh tế trong ứng xử của một “phông” văn hóa vừa mới mẻ, vừa dân dã. Tôi cứ hình dung cho đến bây giờ dù sống ở phố thị thì đêm đêm, trong tâm tưởng ông vẫn thảng thốt khi nghe một tiếng gà gáy mơ hồ nào đó vọng lại. Và trên ban công ở tầng 2 nhà ông, bên cạnh những chậu hoa, ông vẫn ngày ngày chăm bón cây vối đã ra nụ với bao phập phồng, hồi hộp. Cái nước vối, vị thơm của vối rất đặc trưng ấy như chắt lọc tinh túy cái hồn quê đậm đà và da diết...

Ảnh & thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast