Phác thảo Hồng Lam…

(Baohatinh.vn) - Người ta vẫn thường gọi thôn Hồng Lam (xã  Xuân Giang - Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là ốc đảo nhưng chính xác thì vùng đất ấy là một bãi nổi, một cù lao mọc lên giữa sông Lam. Nhìn từ trong bờ, thôn Hồng Lam chỉ như một cánh cung mỏng màu rêu trầm nổi lên giữa mênh mang sông nước. Ấy thế mà, đi mỏi bàn chân vẫn không thể hết chiều sâu, chiều rộng của miền cù lao ấy…

Phác thảo Hồng Lam…

Phác thảo Hồng Lam…
Phác thảo Hồng Lam…

Trước khi quyết định đến cù lao Hồng Lam tôi đã mường tượng rất nhiều về phương ấy. Tôi muốn tự mình đi trên những con ngõ quanh co đầy tre trúc cho hết ba cây số vuông của ngôi làng hơn 400 năm tuổi ấy. Muốn gặp cho hết những người bản xứ để cảm nhận tình yêu kỳ lạ của họ với vùng đất cách biệt này…

Phác thảo Hồng Lam…

Người đầu tiên của thôn Hồng Lam mà chúng tôi gặp là ông Huynh lái đò. Ông Huynh năm nay đã ở cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”(đã thấu tỏ được ý trời) với thâm niên hơn 20 năm làm nghề lái đò. Chừng ấy thời gian qua lại trên sông, ông không thể nhớ nổi mình đã đưa đón bao nhiêu chuyến về đi của người dân trong làng. Cũng không nhớ nổi bao nhiêu chuyện buồn, chuyện vui đã diễn ra trên cồn đất đặc biệt này. “Điều khiến tôi xót xa nhất chính là những buổi đưa tiễn những người dân rời làng mà đi biệt. Họ chẳng phải ruột rà của mình mà vẫn thấy mất mát” – ông Huynh nói trong tiếng gió bạt rào rạt trên mặt sông bàng bạc sương giăng.

Phác thảo Hồng Lam…

Tôi lặng lẽ ngắm nhìn gương mặt của ông. Ở đó có màu của gió sương. Có trầm tích những chuyện đời chuyện người trong đôi mắt đã lên màu trầm đục. Và những nếp nhăn trên gương mặt ông cũng tựa như những khe suối chuyên chở gian nan của đời người. Tôi không biết nếp nào đến trước, nếp nào đến sau, chỉ mường tượng đâu là dấu ấn của nỗi nhọc nhằn trong lao động, đâu là nơi in hằn những nỗi buồn về nhân tình thế thái… Và tôi cứ nghĩ miết về những người ở lại, về những người đã ra đi trong câu chuyện của ông. Âu tất cả cũng nằm ở chữ duyên.

Phác thảo Hồng Lam…

Thôn Hồng Lam hiện nay có 194 hộ với 589 nhân khẩu. Trong đó rất ít thanh niên mà chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Không chỉ thanh niên rời bỏ quê hương tìm miền đất mới để lập nghiệp mà cả những người mấy đời sinh sống ở đây cũng bỏ đất, bỏ làng mà đi. Đến nay, đã có hơn 100 hộ bán vườn, bán ruộng nương dứt áo ra đi. Những người mua đất cũng không đến ở mà bỏ hoang hoá khiến thôn đã thưa vắng càng trở nên quạnh quẽ.

Phác thảo Hồng Lam…
Phác thảo Hồng Lam…

Điều khiến chúng tôi thêm phần tò mò và háo hức khi đến Hồng Lam chính là câu chuyện về ngôi chợ chỉ có bốn người bán mà ông Huynh lái đò đã kể lúc qua sông.

Phác thảo Hồng Lam…

Phác thảo Hồng Lam…

Chợ là một căn nhà gỗ được dựng lên trên nền đất bỏ trống giữa làng. Bốn người bán thì có ba người làng và một người ở làng bên kia sông. Thâm niên nhất là bà Đậu Thị Kiệm với 30 năm buôn bán. Bà Kiệm người thị trấn Xuân An, theo chồng về thôn Hồng Lam đã 40 năm. Những lần qua lại nhà ngoại, người làng thường gửi tiền mua thực phẩm đã khiến bà nảy sinh ý tưởng buôn bán. Bà nói, hồi đầu thường đi bán rong. Về sau có thêm mấy người ngồi bán nữa rồi thôn dựng cho một cái chòi và chỗ này trở thành chợ của thôn.

Ở cái vùng đất đặc biệt này, dường như con người nào cũng là một câu chuyện đặc biệt. Chỉ riêng chuyện của bốn bà bán hàng ở chợ này cũng là những thước phim âm bản về một thời kỳ lịch sử của ngôi làng. Trong đó, câu chuyện của bà Nguyễn Thị Giáo cũng thật đặc biệt. Bà Giáo người thôn Trường Lam, xã Xuân Hải (Nghi Xuân), sang đây buôn bán đã 15 năm. Bà là dân vạn chài, trước đây ở nốôc ngay bến sông mà người Hồng Lam thường qua lại. Chứng kiến cảnh sang sông đi chợ vất vả của người Hồng Lam, bà đã quyết định đổi sang nghề buôn bán thực phẩm.

Phác thảo Hồng Lam…

Bà nói, đó hình như cũng là cái duyên tiền kiếp của bà với người nơi này. Trừ lúc ốm đau, hiếu hỷ, bà chưa bỏ một bữa chợ nào, kể cả những ngày mưa lũ bà vẫn lầm lũi lội nước, chèo thuyền đưa từng cân gạo, con cá tận chạn cho người dân. 15 năm qua lại, bà Giáo thuộc từng nết ăn nết uống của tất cả người dân trên cù lao này. Mỗi tinh sương đi chợ, bà thường nhắm vào từng người, từng nhà để chọn món. Con cá trích nhà này, mớ cá đuối nhà nọ, dẻ sườn lợn hay thêm miếng thịt bò cho nhà ai đó cải thiện thực đơn…

Phác thảo Hồng Lam…

Đi chợ ở Hồng Lam không giống ở nơi khác là có gì bán nấy mà phải có món chính lẫn phụ gia đi kèm. Ví như có sườn thì phải có bí, có cá tươi thì phải có dưa muối, thì là, có thịt bò thì phải mua thêm mướp đắng, hành tây v.v… Cứ thế, mỗi ngày bà Giáo mang sang cho người cù lao không chỉ thực phẩm mà cả biết bao nhiêu tình thương mến…

Phác thảo Hồng Lam…

Trưởng thôn Nguyễn Thế Lục cho hay, đây có lẽ là ngôi làng đặc biệt nhất của nông thôn Hà Tĩnh khi không có một vuông đất nào trồng lúa. Người dân ở đây dồn tình yêu lao động của mình trên những ruộng cói mướt xanh. Cói là cây thổ nhưỡng cũng là cây nuôi sống bao nhiêu thế hệ người Hồng Lam. Tuy hiện nay, nghề dệt chiếu đã mai một nhưng cói nguyên liệu vẫn bán được nên 140 hộ vẫn duy trì canh tác 50ha cói.

Phác thảo Hồng Lam…

Theo lối ngõ phơi đầy cói, chúng tôi đến nhà anh Hồ Văn Tuế và chị Ngô Thị Khôi, là một trong những nhà vừa trồng nhiều cói nhất thôn vừa thu mua cói cho người dân trong làng. Cói phơi đầy ngõ, cói bó cuộn đầy sân. Chị Khôi và mấy người nữa đang thoăn thoắt bện dây để bó cói, mồ hôi rịn ra trên gương mặt xạm đen như muốn gửi tới chúng tôi những thông điệp không lời mà mênh mông, mà sâu thẳm. Tôi chợt thấy se lòng khi nghĩ về những người ở lại như chị… Mặc ngoài kia bao nhiêu đổi thay, mặc cuộc sống bên kia sông ồn ào và náo nhiệt, họ vẫn lặng lẽ sống cuộc đời của mình. Yêu công việc của mình. Yêu ngôi làng với những con ngõ quanh co, bình dị, ít người qua lại của mình…

Phác thảo Hồng Lam…

Chị Khôi nói, khi nghề dệt chiếu bị “khai tử”, người Hồng Lam đã nghĩ nghề trồng cói cũng mất đi, nhưng chị đã tìm được một địa chỉ thu mua cói nguyên liệu ở Thanh Hoá. Chị bàn với chồng, đứng ra thu mua cói cho bà con và thuê xe chở ra Thanh Hoá bán. Vì sống cách biệt đất liền nên việc vận chuyển rất khó khăn, nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm làm để giúp người dân duy trì nghề truyền thống. Và dù không cao nhưng trồng cói đến nay vẫn là nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ trong thôn. Bao nhiêu thực phẩm như gạo, rau, cá, thịt, mắm, muối, dưa, cà… đều được đổi bằng cây cói. Bao nhiêu đứa trẻ lớn lên được cắp sách tới trường cũng từ đồng cói… Cói là cây thổ nhưỡng cũng là cây ân tình với người dân thôn Hồng Lam.

Phác thảo Hồng Lam…

Chúng tôi trở lại bến đò khi mặt trời đã đứng bóng, trên bến, bà Giáo đã ngồi đợi sẵn để trở về nhà sau một phiên chợ xôn xao. Ông Huynh sau bữa cơm trưa vội vã cũng nhanh chân ra bến nổ máy, dong đò sang sông. Bên kia sông, đám học trò tan học đang đội nắng chờ đò. Nhìn vào mắt ông, tôi vẫn cảm nhận được một nỗi buồn diệu vợi, rằng đám học trò này, nay mai rồi cũng bỏ xứ mà đi…

Phác thảo Hồng Lam…
Phác thảo Hồng Lam…

Cách một chuyến đò, cù lao Hồng Lam có thể chưa trọn một gang tay của bạn, thế nhưng những con người, những câu chuyện trên cù lao bé nhỏ ấy thật sự rất mênh mông. Tôi biết, nếu chỉ đến một thoáng rồi trở về, thứ tôi thu nhận được chỉ là những nét phác thảo đơn sơ nhất. Nhưng đó cũng là nguyên cớ để lòng tôi không thôi thương nhớ về miền đất ấy…

Ảnh và thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast