Nuôi lợn rừng, thu gần 250 triệu mỗi năm

(Baohatinh.vn) - Quyết tâm thoát nghèo đã thôi thúc vợ chồng anh Nguyễn Đình Hà ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) thử sức ở lĩnh vực chăn nuôi lợn rừng. Hiện mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp với trên 70 con lợn rừng giúp anh chị có nguồn thu nhập ổn định.

“Sau nhiều lần đổ vỡ với chăn nuôi lợn thương phẩm do giá cả quá bấp bênh, gia đình gần như mất trắng số tiền tích góp được. Vợ chồng tôi đã đổi hướng sang nuôi lợn rừng vì giá ổn định hơn rất nhiều” - anh Nguyễn Đình Hà cho hay.

Từ 4 con giống ban đầu, đến nay, gia đình anh Hà đã có hơn 70 con lợn rừng đang phát triển tốt.

Đầu năm 2016, sau khi nghiên cứu thêm thông tin, anh chị ra tận trang trại lợn rừng ở Hà Nội mua giống. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình chỉ mua được 1 con lợn đực và 3 con lợn cái với giá gần 60 triệu đồng về làm giống.

Sau khi mua được giống, anh chị đầu tư hoàn thiện hệ thống chuồng trại với diện tích gần 600 m2, tạo không gian thoáng đãng, sạch sẽ. Đồng thời, phát quang bụi rậm, trồng thêm cây cối trên diện tích gần 4.000 m2 để thường xuyên thả lợn ra vườn, gần với môi trường tự nhiên, hạn chế dịch bệnh.

Thức ăn cho lợn rừng chủ yếu là thức ăn tự nhiên như cám, rau, củ...

Để thịt lợn thơm ngon, săn chắc, anh chị hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp, thay vào đó là các loại cám, ngô, sắn, rau, quả… Nhằm tạo nguồn thức ăn lâu dài cho lợn rừng, vợ chồng anh trồng thêm chuối và liên hệ với các nhà xay xát tại địa phương để lấy nguồn cám gạo.

Theo anh Hà, lợn rừng có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, chỉ cần tiêm phòng, tẩy giun sán định kỳ. Tuy nhiên, phải đảm bảo chuồng trại thông thoáng, đón được nắng và có không gian rộng để lợn làm quen với môi trường tự nhiên.

Lợn rừng là loài vật nuôi ít dịch bệnh, thích hợp để chăn thả tự nhiên, đầu ra ổn định.

Từ chỗ chỉ có 4 con giống ban đầu, đến nay, đàn lợn của gia đình anh Nguyễn Đình Hà đã phát triển trên 70 con. Tết Nguyên đán vừa rồi, gia đình xuất bán hơn 50 con lợn thịt với mức giá ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/con, thu về nguồn lợi khá lớn.

Chăn thả theo hình thức bán tự nhiên để lợn rừng phát triển tốt, ít dịch bệnh.

“Khó khăn hiện nay của gia đình là nguồn vốn để mở rộng quy mô. Do đó, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương để có thể phát triển đàn lợn và chăn nuôi thêm các loài vật nuôi khác” - anh Hà nói thêm.

Ông Hà Huy Thìn - cán bộ nông nghiệp xã Cẩm Hưng khẳng định: “Chính sự chăm chỉ và quả quyết đã giúp vợ chồng anh Nguyễn Đình Hà có thu nhập lớn. Qua đó, góp phần lan tỏa và khuyến khích các mô hình kinh tế của địa phương phát triển”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói