Phát hiện lớp kim cương dày 14 km trên bề mặt Sao Thủy

Ngày 18/7, theo trang Live Science, các nhà khoa học Bỉ và Trung Quốc vừa phát hiện ra một bí mật lấp lánh bên dưới bề mặt Sao Thủy - một lớp kim cương dày tới 9 dặm (khoảng 14 km).

Tuy nhiên, đừng vội vàng mơ về việc sở hữu những viên kim cương khổng lồ này - chúng có thể sẽ mãi mãi nằm ngoài tầm với của con người. Khám phá này có thể giúp giải mã những bí ẩn lâu đời về hành tinh nóng bỏng và bí ẩn này.

Nghiên cứu mới chỉ ra có thể có lớp kim cương dày gần 15 km dưới bề mặt Sao Thủy. (Nguồn: NASA)
Nghiên cứu mới chỉ ra có thể có lớp kim cương dày gần 15 km dưới bề mặt Sao Thủy. (Nguồn: NASA)

Sao Thủy từ lâu đã khiến các nhà khoa học đặt nhiều câu hỏi bởi một số đặc điểm kỳ lạ, bao gồm cả từ trường của nó. Mặc dù nhỏ bé và dường như không hoạt động về mặt địa chất, Sao Thủy lại sở hữu từ trường mạnh hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học dự đoán. Bề mặt của nó cũng có những mảng tối bí ẩn, được xác định là than chì - một dạng carbon.

Chính những mảng tối này đã thu hút sự chú ý của Yanhao Lin, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Áp suất cao tiên tiến ở Bắc Kinh và là đồng tác giả của nghiên cứu mới.

Hàm lượng carbon cao bất thường trên Sao Thủy khiến ông suy đoán rằng: "Có điều gì đó đặc biệt đã xảy ra bên trong hành tinh này".

Các nhà khoa học tin rằng Sao Thủy hình thành từ một đại dương magma nóng chảy, tương tự như các hành tinh đất đá khác. Đại dương này có thể chứa nhiều carbon và silicat. Khi nguội đi, kim loại trong đại dương lắng xuống, tạo thành lõi của hành tinh, trong khi phần còn lại kết tinh thành lớp phủ và vỏ ngoài.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng áp suất và nhiệt độ trong lớp phủ Sao Thủy chỉ đủ để tạo thành than chì, vốn nhẹ hơn và nổi lên bề mặt.

Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2019 chỉ ra rằng lớp phủ của Sao Thủy có thể dày hơn đáng kể so với suy nghĩ trước đây, tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự hình thành kim cương ở độ sâu lớn.

Để kiểm chứng giả thuyết này, nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các nhà khoa học Bỉ và Trung Quốc, bao gồm cả Lin, đã mô phỏng đại dương magma sơ khai của Sao Thủy bằng cách tạo ra hỗn hợp hóa học gồm sắt, silic và carbon.

Các hỗn hợp này mô phỏng thành phần của một số loại thiên thạch và được cho là tương tự với đại dương magma của Sao Thủy. Nhóm nghiên cứu cũng điều chỉnh lượng sắt sunfua trong hỗn hợp, vì họ tin rằng đại dương magma Sao Thủy chứa nhiều lưu huỳnh (giống như bề mặt hiện tại của nó).

Kết quả mô phỏng cho thấy rằng dưới áp suất và nhiệt độ cực cao trong lớp phủ Sao Thủy, carbon có thể kết tinh thành kim cương thay vì than chì. Lớp kim cương này có thể dày tới 9 dặm (14 km) và bao phủ toàn bộ lớp phủ dưới của hành tinh.

Phát hiện này có thể là chìa khóa để giải mã những bí ẩn lâu đời của Sao Thủy. Từ trường của hành tinh có thể được giải thích bởi sự dẫn điện của lớp kim cương. Lượng carbon khổng lồ cũng có thể cung cấp manh mối về quá trình hình thành và sự tiến hóa của Sao Thủy.

suckhoedoisong.vn

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.