Đi qua những tháng ngày khó khăn, “giông bão” của năm đầu nhiệm kỳ, Hà Tĩnh đang vững bước, tự tin khép lại năm 2019 với nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả đó đang tạo nền tảng vững chắc, tiếp thêm động lực mới, khí thế mới để Hà Tĩnh tăng tốc, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu KT-XH năm 2020 - năm “về đích” của một nhiệm kỳ đầy khó khăn, thử thách.
Năm 2019 đi qua với thành quả là những chỉ số phát triển khá ấn tượng: Hà Tĩnh đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu kế hoạch 2019 theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 4/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 108/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh. GRDP bình quân đầu người đạt 56,21 triệu đồng, thu ngân sách nội địa tăng 4% dự toán, kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp... Đó là kết quả của những trăn trở, nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trong tâm thế, sứ mệnh “tăng tốc” cho chặng “nước rút”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cùng đoàn đại biểu tham quan các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP Hà Tĩnh trong khuôn khổ hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (tháng 11/2019).Ảnh: Thái Oanh
Nắm bắt thời cơ, vận hội nhưng cũng nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức nên ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch trên cơ sở quán triệt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ và thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019. Với những chỉ tiêu và giải pháp căn cơ cho từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đây được xem là “khung” định hướng để các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế gắn bó mật thiết với đa số người dân Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển. Một năm không thật thuận lợi khi mưa lũ, dịch bệnh, hạn hán bủa vây, nhưng dưới sự điều hành linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của bà con, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được sự ổn định, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với cùng kỳ. Theo đó, tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 56,2 vạn tấn; các loại cây trồng cạn có năng suất và sản lượng cao hơn năm 2018; sản xuất thủy sản tăng trưởng khá cả về nuôi trồng và khai thác...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn trao bằng công nhận huyện NTM của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo huyện Can Lộc (tháng 12/2019). Ảnh: Đình Nhất
Năm 2019 cũng là thời điểm đánh dấu một thập kỷ xây dựng nông thôn mới (NTM) trên mọi vùng quê, để đến nay, với ý chí lớn, khát vọng cháy bỏng và quyết tâm rất cao trong xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã có những bước tiến mới, là điển hình của cả nước trong cách nghĩ, cách làm. Với 43 xã đạt chuẩn trong năm 2019 đã nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 201 xã (chiếm 86% tổng số xã toàn tỉnh); huyện Can Lộc được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và TP Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là những kết quả ấn tượng của NTM Hà Tĩnh trong năm 2019.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019 và tham gia các hoạt động cùng người dân tại thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh. Ảnh: Thu Trang
Song hành với đó, nhiệm vụ phát triển đô thị cũng đạt nhiều kết quả đáng mừng khi TP Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thị trấn Lộc Hà; lập đề án nâng hạng các đô thị TX Kỳ Anh, thị trấn Nghèn - Can Lộc.
Công nghiệp tiếp tục trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng mục tiêu nghị quyết đại hội. Thu ngân sách, đặc biệt thu từ xuất nhập khẩu chịu nhiều tác động của kinh tế thế giới nhưng đã mạnh mẽ vượt qua và vững vàng “cán đích” với tổng thu trên địa bàn đạt hơn 13.250 tỷ đồng (bằng 100,4% dự toán).
Công nghiệp tiếp tục trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh trong năm qua.
Nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ, đồng hành cùng sự phát triển, khởi nghiệp của doanh nghiệp… Nhờ đó, đã có 1.110 doanh nghiệp thành lập mới - cao nhất từ trước tới nay; đã chấp thuận chủ trương đầu tư 97 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 3.834 tỷ đồng và 6 dự án FDI với tổng vốn 12,8 triệu USD.
Điều đáng mừng trong năm 2019 là nhiều nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến khảo sát nghiên cứu, đề xuất thực hiện các dự án về công nghiệp sau thép, phát triển năng lượng, cảng biển. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải đề xuất dự án xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng công nghệ đốt rác và sản xuất điện năng tại TX Hồng Lĩnh; Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và nhà máy bia tại TX Hồng Lĩnh; Công ty Silavon SSP GmbH - CHLB Đức đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất thép không gỉ tại Khu Kinh tế Vũng Áng (khoảng 1 tỷ USD)…
Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) có công suất 50 MWp, tổng diện tích 60ha, do Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 1.458 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Hoài
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo đồng bộ, ban hành nhiều đề án chính sách phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức tốt các sự kiện lớn, các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, người dân bước đầu được theo dõi, quản lý sức khỏe thông qua hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử. Tập trung triển khai chủ trương đổi mới giáo dục, củng cố chất lượng giáo dục toàn diện, phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn. Lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội đạt kết quả thiết thực; tích cực triển khai nhiệm vụ đào tạo nghề, kết nối thị trường lao động; duy trì kết quả giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm cao so với chỉ tiêu kế hoạch; đời sống nhân dân ổn định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tình hình chung ổn định, tạo môi trường tích cực cho phát triển.
Đặc biệt, nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm là sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII được Hà Tĩnh thực hiện quyết liệt, cẩn trọng, chắc chắn và bám sát các quy định của Trung ương. Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, sau sắp xếp, tỉnh Hà Tĩnh có 216 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 182 xã, 21 phường và 13 thị trấn. Điều chỉnh, bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế giai đoạn 2019 - 2021.
2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2016 - 2020), có vai trò quyết định đến việc thực hiện nhiệm vụ cả nhiệm kỳ. 2020 cũng là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong khi đó, việc thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra đang gặp không ít khó khăn; động lực duy trì tăng trưởng kinh tế cao thời gian qua không còn nhiều dư địa; kinh tế thế giới nhiều biến động, thời tiết diễn biến khó lường… đòi hỏi cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân Hà Tĩnh phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc đồng bộ... Trong đó, trọng tâm là tạo sự bứt phá, nhằm hoàn thành, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu quan trọng như: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng từ 10,5-11%; GRDP bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 36.000 tỷ đồng; tổng thu ngân sách dự kiến trên 14.000 tỷ đồng...
Đô thị loại 2 - Thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chương trình OCOP đi vào chiều sâu, bền vững. Chỉ đạo nhóm các xã, huyện đang phấn đấu tập trung cao nhất để về đích NTM; các xã, huyện đã đạt chuẩn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, cập nhật và thực hiện theo chuẩn mới hướng tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tập trung phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp bằng việc tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 86/2018/NĐ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp sau thép, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo những sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường khu vực. Đồng thời phát huy năng lực sản xuất của các dự án đã đi vào hoạt động, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, các dự án đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dự án công nghiệp hỗ trợ sau thép...
Toàn cảnh Cảng Vũng Áng. Ảnh: Thu Trang
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh triển khai hệ thống đo lường sự hài lòng của người dân qua 5 cấp độ. Ảnh: Phúc Quang
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số PCI, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục; chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế về quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư gắn với công bố quy hoạch tổng thể KT-XH sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là xã hội hóa đầu tư hạ tầng dịch vụ y tế, giáo dục, thương mại, du lịch, dịch vụ; huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, TX Kỳ Anh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và giải ngân đầu tư các dự án trọng điểm cũng như phối hợp xử lý kịp thời kiến nghị, đề xuất của nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm chiến lược...
Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách ngay từ đầu năm; phấn đấu thu đạt và vượt dự toán. Tăng cường phối hợp giữa ngành thuế với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý thu. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý thị trường; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Những trang trại cam chanh, cam bù tại xã Sơn Mai (Hương Sơn) đạt triêu chuẩn Vietgap. Ảnh: Minh Lý
Chú trọng phát triển toàn diện văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định tình hình. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển KT-XH.
Các giải pháp cho năm về đích đã được căn cơ kỹ lưỡng, nhưng hơn hết, hệ thống chính trị và nhân dân Hà Tĩnh đều hiểu rằng, việc phát huy những kết quả, bài học đúc rút được từ thực tế kết hợp với phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân là điều cốt lõi để KT-XH vững vàng vượt qua mọi khó khăn, đưa Hà Tĩnh vươn lên đạt được những kết quả quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.
ảnh: pV-CTV
thiết kế: huy tùng