Đảng viên gốc giáo - tiếp nối thế hệ
Phúc Hải có 95% đồng bào có đạo. Điều đặc biệt là từ khi thành lập chi bộ đến nay (năm 1968), trừ 1 nhiệm kỳ, còn lại, người đứng đầu chi bộ Đảng đều do các đảng viên gốc giáo đảm nhận.
Từ việc nhỏ đến việc lớn, cấp ủy thôn Phúc Hải đều tổ chức bàn bạc, tìm phương án xử lý thấu đáo
Bác Nguyễn Hữu Đức - đảng viên, giáo dân có 18 năm làm bí thư chi bộ (1998 - 2006 và 2008 - 2017) chia sẻ: “Được Đảng tín nhiệm, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao. Trước khi nghỉ, tôi vẫn luôn trăn trở để tạo nguồn cho chi bộ. Đại hội nhiệm kỳ 2017 - 2020, chúng tôi tham mưu cho Đảng ủy phương án nhân sự và giới thiệu 1 đảng viên gốc giáo khác làm bí thư chi bộ. Kết quả bầu cử diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo được sự tiếp nối của một thế hệ lãnh đạo mới tại cơ sở”.
Người được lựa chọn kế cận Bí thư nhiệm kỳ 2017-2020 đó là Nguyễn Bá Hải (SN 1968) - một người năng động, thân thiện, dễ gần; là một giáo dân, ngư dân đánh bắt giỏi. Anh được các đồng chí trong chi ủy tiền nhiệm bồi dưỡng, dìu dắt, dần trưởng thành và trở thành người đứng đầu, đang cùng Chi bộ Phúc Hải lãnh đạo nhân dân tiếp tục giành thắng lợi trong các phong trào, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.
18 năm làm bí thư chi bộ ở vùng giáo toàn tòng Phúc Hải đã để lại cho nguyên Bí thư chi bộ Nguyễn Hữu Đức nhiều kinh nghiệm: “Đối với đặc thù vùng giáo phải lấy dân vận làm trọng tâm; phải luôn đặt lợi ích tập thể lên lợi ích cá nhân, trên nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Mỗi khi trong thôn có vấn đề vướng mắc, chúng tôi tổ chức họp chi bộ đột xuất, nói rõ phải trái cho đảng viên biết, sau đó, chính đảng viên lại về tuyên truyền, giải thích để dân hiểu rõ. Nhờ đó, chi ủy luôn tạo được uy tín trước tập thể, được bà con trong thôn đồng tình ủng hộ”.
Phó Bí thư chi bộ - Trưởng thôn Võ Quang Hoa cũng đã có 17 năm giữ vai trò là chi ủy viên. Là một giáo dân kính chúa, yêu nước, ông Hoa luôn gần gũi, trăn trở với cuộc sống nhân dân. Lăn lộn với phong trào, chia sẻ cùng bà con, ông thấu được những khó khăn, vất vả cũng như điểm mạnh, yếu của bên lương, bên giáo.
“Lãnh đạo một xóm giáo toàn tòng có cái khó nhưng cũng nhiều cái dễ. Đó là, có phải nói có, không thì bảo là không. Mọi cái phải rõ ràng cho dân biết. Cũng may, bà con Phúc Hải xưa nay có truyền thống đoàn kết, chấp hành nghiêm mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước" - ông Hoa chia sẻ.
Bao nhiêu năm gánh trọng trách, ông ngày càng trưởng thành, vững vàng trong mọi hoàn cảnh và tìm được cách để hài hòa giữa 2 yếu tố lương – giáo trong quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ.
Là địa bàn đặc thù, sự tiếp nối thế hệ này, có lẽ không mấy đơn vị có được. Điều quan trọng là qua bao nhiêu năm, trong cấp ủy của Chi bộ Phúc Hải luôn có đảng viên gốc giáo, đảm bảo được yếu tố kế thừa; người đứng đầu chi bộ luôn là giáo dân; tư tưởng của các đảng viên và bà con trong thôn ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và luôn nỗ lực vì phong trào chung. Có lẽ vì thế mà các phong trào ở thôn Phúc Hải đều được người dân tích cực tham gia, sôi nổi hưởng ứng.
Nhộn nhịp bến cá Cẩm Nhượng
Chi bộ vững, dân tin
Khi sự cố môi trường xảy ra (tháng 4/2016), sinh kế của toàn bộ người dân thôn ven biển này bị de dọa nghiêm trọng. Ai cũng hoang mang, lo lắng. Chi ủy và cán bộ thôn cũng đứng ngồi không yên. Bởi khi đó, tại các làng quê ven biển Kỳ Anh, Lộc Hà “nóng” như rang. Một bộ phận bà con nhân dân, trong đó, phần đông là giáo dân đã bị các thế lực thù địch lợi dụng sự cố để lôi kéo, kích động dẫn đến những hành động quá khích, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật, chống lại Đảng và Nhà nước.
Formosa nhận lỗi, chấp nhận bồi thường. Chính phủ ban hành các chính sách quy định đối tượng được nhận đền bù. Một ngày, chi ủy và ban cán sự thôn có khi đến 3 cuộc họp; 12h đêm, vẫn chong đèn làm việc. Mọi lúc, mọi nơi, Chi bộ Phúc Hải đều quán triệt đến toàn thể đảng viên và lồng ghép trong các cuộc họp thôn về đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước trong vấn đề giải quyết sự cố môi trường. Đảng ủy “tiếp sức” bằng cách cử đồng chí thường vụ - trưởng công an xã về phụ trách, chỉ đạo địa bàn, kể cả việc kê khai bồi thường. Sau đó, đồng chí bí thư kiêm chủ tịch UBND xã trực tiếp khâu nối với ban hành giáo để tranh thủ ý kiến của bà con giáo dân.
Cũng có chút băn khoăn, trăn trở thay cho bà con khi đối tượng được đền bù ban đầu còn hạn hẹp nhưng bằng trách nhiệm, các đồng chí trong chi ủy đã gần gũi, vận động, thuyết phục bà con lương - giáo bình tĩnh, kiên trì chờ đợi chính sách. Cũng có những người không đủ kiên nhẫn, bức xúc tức thời đã đến nhà Trưởng thôn Võ Quang Hoa “hỏi cho ra nhẽ”.
“Không phải 1 lần mà 3 lần bà con đến tận nhà tìm để đánh. Tôi cố giải thích nhưng lúc đó bà con bức xúc nên rất khó. Sau này, khi đã tỏ mọi chuyện, những người đó đã đến nhà xin lỗi” - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Võ Quang Hoa trải lòng.
Hiện Phúc Hải triển khai làm đường ống thoát thải toàn thôn với chiều dài 740m. Đây được xem là công trình có ý nghĩa với sự tham gia đóng góp của toàn bộ bà con lương - giáo trên địa bàn, hộ nhiều nhất đóng 2,2 triệu đồng, hộ ít cũng đến 1,5 triệu đồng. Ngay khi chi bộ họp bàn bạc, triển khai, chính đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã phụ trách địa bàn Nguyễn Đình Hoàn cùng các chi ủy viên đích thân cầm thước đo từng mét đường; cử cán bộ môi trường của xã xuống lập dự toán giúp bà con. Những việc làm đó đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền.
“Gian nan thử sức”, vượt qua những khó khăn, thử thách chưa từng có trong sự cố môi trường biển, chi bộ vùng giáo Phúc Hải với bề dày truyền thống gần 50 năm đã chứng minh được “tay chèo” dẻo dai, khéo léo và bền bỉ của mình. Những tháng ngày gian khó nhất đang dần qua và mỗi bình minh, trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang, những con thuyền đầy ắp cá tôm lại rộn ràng cập bến Cửa Nhượng với niềm tin, niềm hy vọng mới.
(Còn nữa)