Khó từ lực lượng trẻ...
Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) Trần Thanh Hải chia sẻ: “Hiện tại, toàn xã có hơn 1.100 người đi xuất khẩu lao động. Bình quân, mỗi năm có khoảng 150 người đi du học và lao động ở nước ngoài. Độ tuổi đi xuất khẩu lao động từ 25 đến dưới 40, đó cũng là độ tuổi tốt nhất để phát triển đảng viên. Vì vậy, hầu như năm nào xã cũng thiếu nguồn phát triển Đảng, nhất là ở độ tuổi đoàn. Những năm qua, việc kết nạp đảng viên trẻ đa phần tập trung ở 3 chi bộ nhà trường, còn 8 chi bộ nông thôn rất khó khăn”.
Lãnh đạo xã Ân Phú (Vũ Quang) họp bàn về công tác phát triển đảng viên tại các chi bộ thôn xóm.
Tại TX Kỳ Anh, mặc dù chỉ tiêu kết nạp Đảng vẫn đảm bảo và tỷ lệ đảng viên tăng khá lớn hàng năm, thế nhưng, theo Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Nguyễn Anh Ngọc, hầu hết lực lượng trẻ đi làm ăn hoặc đi lao động, nhất là những người trẻ tuổi, có năng lực. Bởi vậy, cũng như nhiều địa phương, nguồn phát triển Đảng của thị xã có những khó khăn nhất định, nhất là ở độ tuổi đoàn.
“Nguồn lao động làm việc trên địa bàn tuy khá dồi dào nhưng đa phần không ổn định. Hiện tại, thị xã có 2 chi bộ doanh nghiệp trực thuộc Thị ủy nhưng để thành lập thêm chi bộ doanh nghiệp rất khó. Đây cũng là những nguyên nhân tác động tới công tác kết nạp đảng viên” - Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Kỳ Anh trăn trở.
Cùng chung nỗi niềm về nguồn phát triển Đảng, đồng chí Cao Viết Ngọc - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hương Khê cho hay: “Mỗi năm, huyện đưa ra kế hoạch mở 3 lớp học đối tượng Đảng, kết nạp 200 đảng viên nhưng đến nay, chỉ kết nạp được hơn 90 đảng viên. Nguyên nhân là do lực lượng thanh niên đi học đại học, cao đẳng, học nghề, làm ăn xa, xuất khẩu lao động; số ít ở lại địa phương thì hoặc không mặn mà vào Đảng, hoặc chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết nạp. Trong khi đó, lực lượng quần chúng của các tổ chức hội hầu hết đã lớn tuổi”.
Thực trạng thiếu nguồn để kết nạp Đảng, nhất là trong độ tuổi đoàn đang diễn ra ở tất cả 13 huyện, thị, thành phố. Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Nguyễn Quốc Lập, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Đăng Kỷ đều xác nhận thực trạng và bày tỏ nỗi lo lắng thiếu đoàn viên ưu tú để kết nạp vào Đảng. Tại cuộc giao ban bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (ngày 29/3/3017), Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh Đặng Thanh Hải đã nêu vấn đề này và kiến nghị tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ.
... Đến vùng đặc thù
Hà Tĩnh có số lượng người theo đạo khá đông (chiếm 12% dân số) nên công tác phát triển Đảng ở vùng giáo luôn được các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, toàn tỉnh mới chỉ có 711 đảng viên gốc giáo trong tổng số 96.320 đảng viên toàn Đảng bộ (năm 2016).
Hương Khê là địa phương có số lượng giáo dân đông nhất tỉnh và cũng là huyện có tỷ lệ đảng viên/tổng dân số chiếm tỷ lệ thấp: 6.917 đảng viên/110.000 dân (chiếm 6,28%, thấp hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh gần 7,7%); trong đó, chỉ có 168 đảng viên gốc giáo. Thậm chí, trên địa bàn, nhiều chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên.
Năm nay đã là năm thứ 8, Chi bộ Tân Hương - thôn giáo toàn tòng ở xã Hương Trạch không kết nạp được đảng viên trên địa bàn dân cư, mặc dù cấp ủy, chính quyền và chi bộ đã nỗ lực với giải pháp đưa đảng viên từ nơi khác về thành lập chi bộ. Ông Nguyễn Văn Sửu - Bí thư Chi bộ thôn Tân Hương chia sẻ: “Tôi ở thôn Tân Trung được cử sang đây cùng với 2 đảng viên công chức xã, 1 đảng viên khối trường học thành lập chi bộ tại Tân Hương. Từ năm 2002 về trước, Tân Hương không có chi bộ Đảng. Đến nay, mặc dù chi bộ đã tuyên truyền, vận động nhưng không thể kết nạp được đảng viên là người dân trong thôn.
Đoàn viên thanh niên là nguồn quan trọng để phát triển Đảng tại các địa phương nhưng phần nhiều đã rời địa bàn để học tập, tìm kiếm việc làm. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên huyện Hương Khê hỗ trợ xã Hương Vĩnh làm giao thông nông thôn.
Là địa phương có tới 80% dân số theo đạo, số đảng viên gốc giáo đông nhất toàn huyện với 40 đồng chí, thế nhưng, Đảng ủy xã Gia Phố chưa bao giờ thôi lo lắng về công tác phát triển Đảng do nhiều biến động. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Mỗi năm, xã phấn đấu kết nạp 6-8 đảng viên, chúng tôi tìm nguồn từ người trẻ có tư tưởng tiến bộ, đào tạo, bồi dưỡng và định hướng để họ trở thành thế hệ cán bộ kế cận của địa phương. Tạo điều kiện là vậy nhưng cố gắng lắm thì mới đạt chỉ tiêu. Cũng có khi kết nạp được rồi, đảng viên cũng tham gia sinh hoạt được một thời gian nhưng vì nhiều nguyên nhân lại ngừng sinh hoạt. Bao nhiêu nỗ lực của cả hệ thống trở thành công cốc!”.
Theo tìm hiểu, không chỉ Hương Khê mà tại Vũ Quang và một số địa phương thuộc TX Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc…, việc kết nạp quần chúng có đạo vào Đảng cũng rất khó khăn và chưa có lời giải; thậm chí, nhiều đảng viên gốc giáo còn tìm cách ra khỏi Đảng.
Khi “một bộ phận” phai nhạt lý tưởng
Khó khăn trong tạo nguồn đảng viên hiện nay còn chịu tác động của nguyên nhân: Một bộ phận không nhỏ đảng viên thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, phai nhạt lý tưởng phấn đấu, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng vào Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để từ đó, các cấp ủy đảng có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện, cùng chung sức xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh.
“Nói thật là trong chi bộ cũng có những đồng chí thiếu gương mẫu, ảnh hưởng đến uy tín của chi bộ, tư cách người đảng viên. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn phát triển Đảng” - đảng viên Nguyễn Trọng Kính, Chi bộ Đông Tiến, Phú Lộc (Can Lộc) cho hay. Đáng nói hơn, theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh đã có một số cán bộ từng giữ chức vụ lãnh đạo sở, ngành, giữ chức vụ cao trong quân đội, nay không mặn mà sinh hoạt Đảng, không đóng Đảng phí, thậm chí bỏ sinh hoạt Đảng, không thiết tha cống hiến cho tập thể tại khu dân cư.
Những biểu hiện suy thoái, phai nhạt lý tưởng như đã đề cập ở trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phấn đấu vào Đảng của quần chúng. Song, “tiên trách kỷ”, chính tuổi trẻ thiếu ý thức, tu dưỡng, thậm chí sống buông thả cũng là nguyên nhân chính để họ không đủ tiêu chuẩn đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đảng viên Nguyễn Văn Minh - nguyên Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh (nay là Thành ủy Hà Tĩnh), nguyên Đại biểu Quốc hội khóa III, sinh hoạt tại Chi bộ tổ dân phố 8, thị trấn Thạch Hà thẳng thắn nhìn nhận: “Ngày trước, để được vào Đảng, chúng tôi phải phấn đấu rất vất vả, bao giờ cũng phải ưu tú hơn, lăn lộn hơn những quần chúng còn lại. Vậy mà, hiện nay, tôi thấy có không ít thanh niên dường như thiếu lý tưởng, thiếu ý chí phấn đấu nên không đủ tiêu chuẩn để vào Đảng”.
Thực trạng nói trên cũng là câu chuyện chung trong cả nước. Một lãnh đạo Phòng Tổ chức Đảng - Đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhìn nhận: “Nguồn phát triển Đảng hiện khá khó khăn vì lực lượng thanh niên đi học, làm ăn xa, có bộ phận thiếu lý tưởng phấn đấu, một số linh mục cản trở, gây khó khăn đối với quần chúng có nguyện vọng vào Đảng. Ngoài thanh niên thì bộ phận còn lại tuổi đời cao, nhiều người tâm huyết, trách nhiệm với tập thể nhưng vi phạm chính sách dân số... Không chỉ quần chúng mà hiện nay, đảng viên đi làm ăn ở nước ngoài cũng tương đối nhiều. Đây chính là những lý do ảnh hưởng đến công tác Đảng nói chung”.