Vụ hỏa hoạn xảy ra tại một tiệm bánh ở đường Hải Thượng Lãn Ông, TP. Hà Tĩnh vào sáng 5/5 (ảnh Hoàng Trần)
Thời điểm báo động về cháy nổ
Hà Tĩnh đang bước vào những ngày nắng nóng trên diện rộng, đây cũng là thời điểm nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nhất trong năm.
Mới đây, vào lúc 1h sáng ngày 5/5 xảy ra cháy tại một cửa hàng bánh ngọt ở đường Hải Thượng Lãn Ông, TP. Hà Tĩnh.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an Hà Tĩnh đã xuất 6 lượt xe cùng 30 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia chữa cháy. Rất may, vụ cháy không gây ra thiệt hại về người.
Hiện trường vụ cháy cơ sở kinh doanh phụ tùng ô tô ở thị trấn Cẩm Xuyên khiến 2 người thiệt mạng (ảnh Văn Chung)
Trước đó, khoảng 2h30’ ngày 28/3/2020, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp nhận tin báo xảy ra vụ hỏa hoạn ở Cơ sở kinh doanh săm lốp, phụ tùng ô tô của anh Lê Hồng Cường (SN 1975, tại số 124, đường Hà Huy Tập, thị trấn Cẩm Xuyên).
Hơn 40 lượt cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng lên xe chuyên dụng để làm nhiệm vụ. Mặc dù những người tham gia cứu chữa rất nỗ lực nhưng vụ cháy đã để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến 2 người thiệt mạng.
Đại úy Võ Xuân Hoàng - Phó đội trưởng Đội PCCC&CNCH trung tâm hướng dẫn cán bộ, chiến sỹ cách sử dụng các thiết bị trên xe chữa cháy chuyên dụng.
Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy, làm 2 người chết, thiệt hại về tài sản khoảng 4 tỷ đồng.
Trong đó, 8 vụ cháy nhà dân, 3 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, 1 vụ cháy phương tiện giao thông và 1 vụ cháy siêu thị mini.
Trung úy Nguyễn Anh Khởi - Đội PCCC&CNCH trung tâm cho biết: “Các vụ cháy gần đây xảy ra trong thời điểm đêm khuya, kết cấu nhà hẹp nên rất khó để cán bộ, chiến sỹ tiếp cận, triển khai lực lượng. Vào mùa hanh khô, dự báo nguy cơ cháy nổ sẽ tăng cao, vì vậy, việc chủ động các phương án phòng ngừa là nhiệm vụ vô cùng bức thiết”.
Ý thức của người dân là yếu tố quyết định
Đội PCCC&CNCH thuộc Công an huyện Hương Sơn được thành lập vào tháng 3/2019 kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết về PCCC&CNCH trên địa bàn huyện và những vùng lân cận; góp phần nâng cao khả năng ứng trực, sẵn sàng chữa cháy kịp thời khi có cháy nổ xảy ra... (ảnh Hùng Linh)
Từ vụ hỏa hoạn xảy ra vào sáng 4/5, làm căn nhà gỗ 3 gian của gia đình anh Nguyễn Xuân Toàn (ở tổ dân phố 2, thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh) hư hỏng nặng, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH trăn trở về việc thành lập đội cảnh sát PCCC&CNCH do Công an huyện quản lý.
“Xe chữa cháy phát huy tối đa hiệu quả cao nhất trong bán kính 5 km nhưng quãng đường từ TP Hà Tĩnh lên Hương Khê phải mất gần 1 giờ đồng hồ. Vì vậy, dù lực lượng ứng cứu rất quyết tâm nhưng sẽ khó để khẳng định quá trình xử lý đạt hiệu quả như mong muốn”, Thượng tá Hoàng Văn Long - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Hà Tĩnh cho biết.
Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng là một trong những khuyến cáo của cơ quan chức năng nhằm giảm thiểu hỏa hoạn xảy ra
Về các giải pháp chuẩn bị ứng phó trong mùa nắng nóng, Thượng tá Long cho biết thêm, cán bộ, chiến sỹ đơn vị thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng các thiết bị trên xe chữa cháy chuyên dụng để đảm bảo vận hành hiệu quả, tránh trục trặc trong quá trình xảy ra sự cố.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để ngăn ngừa cháy nổ, đó là mỗi người phải nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình đều cần chủ động phương tiện, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Cán bộ, chiến sỹ Đội PCCC&CNCH trung tâm thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng và kiểm tra, vận hành các thiết bị chữa cháy
Để làm được điều đó, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC trong doanh nghiệp, các khu dân cư, trường học… hết sức cần thiết và phải thường xuyên, liên tục, tránh bệnh hình thức.
Theo đó, đối với các cơ quan, doanh nghiệp, việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện chữa cháy phải theo đúng thiết kế của ngành chức năng, đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống chống sét, chống rò điện, bố trí sắp xếp kho nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm… ở những nơi riêng biệt, tránh cháy lan, cháy lớn.
Ở hộ gia đình, cần đầu tư ít nhất một bình chữa cháy và có dụng cụ phá vỡ để chữa cháy, thoát nạn…
Quan trọng nhất, cần chủ động nắm bắt, sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy. Nếu không ngăn ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu, cháy lan, cháy lớn sẽ gây ra hậu quả khôn lường.