PMI Việt Nam tăng mạnh nhất trong 18 tháng

(Baohatinh.vn) - Nikkei vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 của Việt Nam (một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất). Trong đó, PMI Việt Nam tăng từ 51,7 điểm trong tháng 10 lên 54 điểm trong tháng 11, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất, và đây là mức cải thiện mạnh nhất trong một năm rưỡi.

Chỉ số PMI Việt Nam tháng 11 tăng mạnh nhất 1 năm rưỡi. (Ảnh minh họa: Reuters)

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh đã làm cải thiện mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh ở các công ty sản xuất Việt Nam trong tháng 11 khi mà sản lượng đã tăng trở lại từ mức thấp của tháng trước.

Khối lượng công việc nhiều hơn đã làm các công ty phải tăng nhanh hơn việc tuyển dụng nhân công và hoạt động mua hàng hóa đầu vào. Chi phí đầu vào cũng tăng nhanh hơn, và kết quả là các công ty đã phải tăng giá bán hàng mạnh nhất trong năm năm rưỡi.

Các điều kiện đã cải thiện trong suốt một năm qua. Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng mạnh và ngày càng nhanh trong tháng 11, với tốc độ tăng đã được đẩy nhanh tháng thứ ba liên tiếp và trở thành mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2015.

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng nhanh hơn, khi nhu cầu khách hàng được cải thiện dẫn đến tăng số lượng đặt hàng cả từ trong nước và nước ngoài. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã làm sản xuất tăng trở lại sau khi giảm trong tháng 10. Sản lượng tăng mạnh và nhanh nhất trong thời kỳ 16 tháng.

Lượng công việc tồn đọng chỉ thay đổi một chút trong tháng 11 khi sản lượng đã tăng trước áp lực sản xuất, nhưng đồng thời số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng.

Với số lượng đơn đặt hàng mới tăng, các nhà sản xuất Việt Nam đã phải tuyển thêm nhân viên, với tốc độ tuyển dụng nhanh hơn so với tháng trước. Như vậy, việc làm đã tăng trong suốt tám tháng qua. Các công ty cũng tăng nhanh hơn hoạt động mua hàng, và mức tăng gần đây là mạnh nhất kể từ tháng 3/2011.

Với nhu cầu hàng hóa đầu vào tăng và có một số báo cáo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn đáng kể trong tháng 11. Mức tăng gần đây là mạnh nhất trong 30 tháng. Giá cả đầu ra cũng tăng nhanh hơn và là mức tăng mạnh nhất trong thời kỳ năm năm rưỡi.

Các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng lượng hàng dự trữ trong tháng, từ đó làm tăng tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm. Mức tăng hàng tồn kho trước sản xuất chỉ yếu hơn một chút so với tháng trước, trong khi hàng tồn kho thành phẩm đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong một năm rưỡi.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã được rút ngắn do có tình trạng cạnh tranh giữa các nhà cung cấp. Tuy nhiên, mức độ rút ngắn thời gian giao hàng nhìn chung chỉ là nhỏ khi vẫn cò một số thành viên nhóm khảo sát cho biết việc giao hàng bị chậm do thiếu hàng hóa nguyên liệu.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: “Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh nhất trong một năm rưỡi đã thúc đẩy ngành sản xuất trong tháng 11, theo đó sản lượng đã tăng trở lại và việc làm và hoạt động mua hàng cũng tăng nhanh hơn. Do đó, lĩnh vực sản xuất dự kiến có mức phát triển mạnh mẽ vào cuối năm 2016 trong khi IHS Markit dự aáo DDP tăng trưởng 6,3% trong năm 2017”.

Theo ông Harker: “Một tác động ngược chiều có thể làm sức ép lạm phát lại xuất hiện. Tốc độ tăng chi phí đã gia tăng mạnh, từ đó làm cho giá aán hàng tăng nhanh nhất trong thời kỳ năm năm rưỡi”.

(Theo Nikkei)

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói