Bánh chưng Tết Việt ở xứ sở Bạch Dương

(Baohatinh.vn) - Bánh chưng Việt tại Nga, nếu nói một cách khiêm tốn nhất, thì nó ngon không thua bánh chưng Hà Nội, Hà Bắc, thậm chí còn ngon hơn nữa là đằng khác!

Bánh chưng Tết Việt ở xứ sở Bạch Dương

Gói bánh chưng tết ở Đại sứ quán Việt Nam ở Nga

Ở Matxcơva hiện có ba khu chợ lớn, mỗi khu chợ có khoảng từ chục ngàn đến hai chục ngàn người Việt làm ăn, buôn bán. Bên cạnh khu trung tâm chợ rất lớn dành cho các quầy hàng vải, các nhà hàng, thì ở khu bán thực phẩm ê hề các chủng loại thịt, rau, đậu phụ, gạo, mắm, bánh chưng, bánh cuốn, bánh giò, bánh giầy và thiên hình vạn trạng vật phẩm quê nhà.

Có thể nói không cường điệu một chút nào, là cái gì ở các chợ Hà Nội, Sài Gòn có thì ở đây không thiếu. Chỉ có một điều là giá cả mỗi thứ cao hơn đến vài lần, vì nó phải cõng thêm tiền cước máy bay, tiền mặt bằng và nhân công khồng hề rẻ.

Trước đây, tức là thời Liên Xô vẫn còn, trong bối cảnh bao cấp, mọi thứ chỉ có thể tồn tại và giao dịch ở cửa hàng bách hóa, thì dĩ nhiên cái thứ đặc sản Việt Nam mỗi năm xuất hiện một lần, có tên gọi là bánh chưng hoàn toàn vắng bóng. Thực ra nó chỉ có mặt rất hạn hữu ở Đại Sứ quán hoặc Thương vụ Việt Nam, nơi mỗi tuần mỗi chuyến máy bay sang, các cán bộ ta không quên cho vào va li một vài chiếc xuất ngoại.

Ở các ký túc xá, gọi là ốp công nhân, với sức sáng tạo vô biên của anh chị em từ các miền đất Việt sang lao động, vào đầu những năm chín mươi thi thoảng đã có một vài lò bánh chưng ngày Tết đỏ lửa.

Bên này đậu xanh thì không thiếu, nhưng khó lòng đưa gạo nếp bên nhà sang, vả lại, lá dong hầu như không có. Gạo nếp thì có nguồn mang từ Tasken, thuộc Cộng hòa Uzbekixtan, tuy không dẻo như nếp mình, nhưng dẫu sao vẫn ngon hơn gạo tẻ; lá dong thì đành khắc phục bằng lá chuối được gửi một cách hạn chế từ trong nước. Thế mà bằng bàn tay khéo léo của những người đầu bếp tự phát, những chiếc bánh chưng madein Vietnam được nấu bằng nồi áp suất đã đem không khí Tết đến miền giá lạnh.

Sau khi Liên Xô tan vỡ, cơ chế thị trường được khai sinh, các chuyến máy bay từ Hà Nội sang, ngoài hàng hóa mang tính chất thương mại còn có các vật phẩm ruộng đồng, đó là gạo nếp cái, lá dong xanh và cơ man là đồ gia vị.

Cứ khoảng sau hai mươi tháng Chạp, căn cứ theo số lượng đơn đặt hàng của bà con (mà số này không phải là ít, phải đến hàng ngàn, bởi mỗi gia đình đều cần có một cặp bánh chưng để cúng gia tiên), thế là các chủ lò bánh chưng phát huy hết công suất hoạt động.

Bánh chưng Tết Việt ở xứ sở Bạch Dương

Trẻ em nước Nga tập gói bánh chưng với cộng đồng người Việt

Các khu nhà bếp ngày giáp Tết giống như một góc sân đình trong nước, cả chục người đãi nếp, đãi đỗ, xả thịt dưới hàng chục vòi nước chảy như tháo cống. Những chiếc nồi nhôm “đại tướng” chứa được ba chục chiếc được đưa vào vận hành.

Ở các khu ốp tỉnh lẻ, hoặc ngoại ô Matxcơva, một số chủ lò nấu bằng than củi bạch dương, rất nhiều và rất đượm. Còn ở Matxcơva thì người ta đặt lên nồi bếp gas và đun suốt đêm. Giá gas nước Nga thì chỉ đắt hơn không khí một chút nên giá gas tiêu thụ không thành vấn đề. Nhưng rủi ro cho việc đun bánh chưng bằng gas là việc thấy nhãn tiền nên người ta cũng hạn chế nấu.

Trước đây, hằng năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga thường đặt bánh chưng với số lượng khá lớn để tổ chức đón Tết cộng đồng nhưng một mặt để hưởng ứng phong trào tiết kiệm, mặt khác tạo nên không khí đầm ấm nơi xa quê, lãnh đạo Đại sứ quán đã có sáng kiến gói bánh chưng tại hội trường. Hàng chục anh chị em nhân viên, kể cả Đại sứ cũng tham gia gói hàng chục chiếc bánh rất đẹp mắt và canh nồi bánh chưng thâu đêm, đủ phục vụ cho cuộc gặp mặt mấy trăm người.

Bánh chưng Tết Việt ở xứ sở Bạch Dương

Bánh chưng là món ăn ngày tết đầu tiên mà sinh viên Việt Nam tại Nga chuẩn bị cho những cái tết xa nhà

Bánh chưng Việt tại Nga, nếu nói một cách khiêm tốn nhất, thì nó ngon không thua bánh chưng Hà Nội, Hà Bắc, thậm chí còn ngon hơn nữa là đằng khác! Lý do thật đơn giản: nếp và lá dong, lạt giang “đánh” từ Việt Nam sang, do cước vận chuyển đắt, nên những chủ hàng rất kỹ tính, luôn chọn loại ngon nhất và chất lượng nhất.

Bên Nga thịt lợn, đậu xanh rất rẻ và tha hồ chọn. Duy chỉ có một điều là giá thường gấp đôi so với bánh trong nước, đó là điều dễ hiểu, nhưng mỗi năm có một lần Tết, chẳng ai so đo giá cả, miễn là có được cặp bánh chưng cúng vừa ý.

Cũng như trong nước, bên này, các chủ lò bánh chưng cũng nấu làm ba đợt, đợt đầu là để cúng ngày ông Táo chầu trời hai ba tháng Chạp; đợt hai cúng tất niên và đợt ba sau đó gần hai tuần cúng rằm tháng giêng. Ăn rả rích cả tháng vẫn không hết, đến nhà nào cũng thấy mâm cỗ có bánh chưng, măng miến, đậm đặc hương vị dân tộc.

Sinh viên Việt Nam ở Nga trong mấy năm qua có khoảng gần tám ngàn người, các cháu không về Tết được, thường tổ chức đón Tết trong ký túc xá. Ngoài các món Tây bổ sung, bao giờ món chính Việt cũng lên ngôi bằng bánh chưng, nem, dưa hành, thịt đông, phồng tôm và nộm. Sinh viên các nước khác luôn được mời dự và bao giờ mâm tiệc cũng kết thúc nhanh nhất là hai món nem và bánh chưng!

Trước đây, người Việt thường mang bánh biếu các gia đình người Nga. Trừ những người từng ở Việt Nam hoặc qua du lịch thì họ ăn một cách hào hứng, những người nếm thử lần đầu thì hãy còn dè dặt vì mùi vị vẫn chưa ăn nhập vào mâm konbaxa, bánh mì và bơ sữa. Nhưng sau đó, khi vị nếp béo quyện với vị thịt bùi, đậu thơm phương đông đã quyến rũ họ, thì ngày Tết đến họ chẳng ngại ngần đặt vấn đề: “nếu có thể, anh chị tặng tôi một chiếc bánh như năm ngoái nhé”.

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast