Xảy ra bệnh dịch tả lợn tại Trạm truyền giống chăn nuôi Can Lộc:

Sau 21 ngày "cấm cửa" để tập trung phòng chống bệnh dịch tả lợn, kể từ ngày 19 - 8, mọi hoạt động xuất bán tinh và xuất nhập khẩu con giống tại Trạm truyền giống chăn nuôi Can Lộc trở lại hoạt động bình thường. Đây không chỉ là niềm vui riêng của cán bộ, nhân viên trạm giống mà còn là niềm vui chung của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Can Lộc.

Lại chuyện chủ quan trong phòng chống dịch bệnh gia súc

Ngược dòng bệnh dịch...

15 - 7 là một ngày bình thường như bao ngày bình thường khác. Song, với những người làm công tác cung ứng giống chăn nuôi tại Trạm truyền giống Can Lộc thì đây là một ngày rất đáng quên nhưng buộc phải nhớ khi một số chuồng nuôi xuất hiện tình trạng nhiều con lợn con theo mẹ và lợn con sau cai sữa ốm sốt, biếng ăn, đi ngoài phân trắng lẫn ít máu tươi...

Từ các biểu hiện bất thường đó, nhân viên trạm giống đã mạnh tay bổ sung khẩu phân ăn hậu hĩnh và các chế độ vệ sinh chuồng trại nghiêm ngặt hơn; cùng đó, trạm đã tiến hành tiêm kháng sinh cho số lợn con bị ốm nhưng tình hình vẫn tiếp tục xấu đi khi lợn chết rải rác bắt đầu xảy ra.

Đến ngày 24 - 7, số con ốm chết đã lên đến 27, với bệnh tích chủ yếu là tụ huyết ở tai và bụng.

Không thể nhẫn nại hơn, ngày 26 - 7, lãnh đạo trạm giống đã đề nghị cơ quan thú y huyện lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và nhận được kết luận dương tính với bệnh dịch tả sau đó một ngày.

Cán bộ kỹ thuật chăn nuôi, thú y tỉnh kiểm tra thể trạng gia súc trước khi công bố trở lại sản xuất cho Trạm truyền giống Can Lộc
Cán bộ kỹ thuật chăn nuôi, thú y tỉnh kiểm tra thể trạng gia súc trước khi công bố trở lại sản xuất cho Trạm truyền giống Can Lộc

Công tác bao vây, khoanh vùng dịch bệnh nhanh chóng được thực hiện đồng bộ bằng việc cách ly lợn ốm, phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, rải vôi bột từ cổng trại vào tận các chuồng nuôi. Để sớm khống chế mầm bệnh, Trung tâm Giống chăn nuôi tỉnh - cơ quan chủ quản của trạm truyền giống đã quyết định chôn hủy thêm 33 lợn con theo mẹ và lợn con cai sữa dù biểu hiện bệnh của chúng là chưa rõ ràng.

Tính đến ngày 29 - 7, thời điểm mà các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT quyết định đình chỉ việc xuất bán tinh và xuất nhập khẩu con giống, số lợn ốm và tiêu hủy tại trạm đã lên đến 60 con.

Về nguyên nhân xảy ra dịch bệnh, báo cáo ban đầu cho rằng đó là do quá trình lưu thông và chuồng trại chưa đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, đi sâu vào diễn biến sự việc lại cho thấy, lần tiêm phòng gần nhất mà trạm tiến hành cách thời điểm lợn bị ốm 2 tháng (trước 15 - 5) trong khi toàn bộ số lợn con bị bệnh đều ra đời sau thời điểm này nhưng chưa được tiêm phòng dịch tả. Vì thế, dịch bệnh xảy ra tại trạm truyền giống Can Lộc là điều tất yếu.

Bài học từ việc chủ quan

Sau 3 tuần tích cực thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch dịch, ngày 18 - 8, trạm truyền giống Can Lộc đã lấy 3 mẫu tinh dịch của 3 con lợn đực giống và 3 mẫu huyết thanh của 3 con lợn nái gửi đi xét nghiệm và đã cho kết quả âm tính với bệnh dịch tả. Điều này đồng nghĩa với toàn bộ số lợn còn lại hiện nay (31 nái Móng Cái cấp ông bà, 7 đực ngoại cấp bố mẹ và 83 lợn con theo mẹ, lợn con cai sữa) đều an toàn với bệnh dịch tả.

Trước tín hiệu vui này, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT quyết định cho phép trạm truyền giống trở lại xuất bán tinh, cung cấp con giống kể từ ngày 19 - 8, đồng thời yêu cầu cơ sở này tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin theo quy định; không được khai thác tinh đối với số lợn giống dự kiến loại thải; thực hiện nghiêm túc chế độ theo dõi, giám sát dịch bệnh để có báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất cho cơ quan chủ quản lẫn cơ quan quản lý nhà nước về thú y.

Theo lãnh đạo trạm truyền giống chăn nuôi Can Lộc, tổng thiệt hại mà dịch tả lợn gây ra xấp xỉ 60 triệu đồng, cụ thể: con giống mất 30 triệu, kinh phí dập dịch 8 triệu đồng (thuốc thú y, hóa chất, vôi bột), thức ăn 11,9 triệu đồng, tiền không khai thác bán tinh trong 21 ngày qua là 8,4 triệu đồng. Với một cơ sở sản xuất giống cấp huyện, mỗi năm chỉ cung ứng từ 500 - 550 con lợn giống và từ 6.000 - 6.500 liều tinh thì khoản tiền gần 60 triệu đồng là rất lớn.

"Sẽ phải mất một thời gian dài tập trung tăng cường kỹ thuật chuyên môn nhằm tăng cường lứa đẻ, cai sữa sớm cho lợn con chúng tôi mới bù đắp được thiệt hại. Đây là một bài học đắt giá không chỉ cho trạm truyền giống Can Lộc mà cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn không kể của Nhà nước hay tư nhân" - ông Phạm Nam Anh - Q.Giám đốc Trung tâm giống chăn nuôi Hà Tĩnh khẳng định.

Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục thú y Hà Tĩnh cho rằng, những nỗ lực dập dịch trong thời gian qua của trạm truyền giống Can Lộc rất đáng ghi nhận. Dù không muốn nhưng vẫn phải thẳng thắn với nhau là trạm giống Can Lộc đã rất chủ quan trong công tác phòng chống dịch, thể hiện rõ nhất là không tiến hành tiêm phòng bổ sung khi phát triển đàn mới, khi có biểu hiện bất thường về dịch bệnh lại không kịp thời báo cáo với cơ quan thú y mà tùy tiện sử dụng kháng sinh để tự điều trị. Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế còn cho thấy, trạm đang thiếu các trang thiết bị phòng dịch như: dụng cụ bảo hộ, máy phun động cơ, hố vôi khử trùng.

Rút kinh nghiệm từ sự việc này, Chi cục thu ý tỉnh yêu cầu trạm truyền giống Can Lộc cần kịp thời lập hồ sơ quản lý các đối tượng nuôi để tiêm gối cho những con mới phát triển đàn, đồng thời dự phòng thường xuyên các loại hóa chất, vôi bột để tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh hàng ngày.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast