Công trình nước sạch: Người dân thờ ơ

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống dân sinh. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trở thành một tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Dẫu vậy, vì lý do này lý do khác, vẫn tồn tại không ít công trình nước sạch trở thành “đống phế liệu” sau khi hoàn thành, còn người dân vẫn “nhịn” khát ngay cạnh công trình nước sạch đó.

Nếu không hiệu quả thì cũng gặp khó khăn

Nhiều năm nay, từ các nguồn vốn khác nhau, vùng nông thôn, nhất là những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nguồn nước được đầu tư xây dựng công trình nước sạch với tổng số vốn lên hàng chục tỷ đồng. Sẽ không ai bàn nếu chúng phát huy tác dụng vốn có, đằng này dẫu đã tốn tiền tỷ thì không ít trong số đó vẫn trở thành đống “tiền chết” khi các công trình có hiệu quả chóng vánh, thậm chí không một lần được sử dụng.

Công trình cấp nước sinh hoạt Tân Lộc (Lộc Hà) bị bỏ hoang từ 5 năm nay

Công trình cấp nước sinh hoạt Tân Lộc (Lộc Hà) bị bỏ hoang từ 5 năm nay

Sau cơn mưa, đường vào công trình nước sạch Tân Lộc (Lộc Hà) lầy lội làm cho cảnh tượng nơi đây dường như càng ảm đạm hơn. Công trình được đầu tư với tổng số vốn 2,8 tỷ (đã sử dụng hết 1,7 tỷ từ nguồn hỗ trợ của nhà nước) nằm trên vị trí đắc địa khi một bên là đồi và một bên là hồ Khe Hao có dung tích trên 800 nghìn m3 bị bỏ hoang đã 5 năm nay từ khi vừa hoàn thành. Nơi đây, giờ không một bóng người qua lại, không một hoạt động ngoài những cơn gió thỉnh thoảng làm đồi cây nghiêng lất phất, cả công trình đồ sộ đứng trong “chết lặng”. Bác khuyến nông xã đi cùng chân tình: “Chẳng mấy ai lai vạng đến đây làm gì ngoài ông bảo vệ được xã hợp đồng để trông coi công trình thỉnh thoảng ghé qua”. Bên trong, khuôn viên cỏ dại mọc um tùm, che hết lối đi; mái của nhà chính đã bị lật ngói do những đợt mưa, bão; ống dẫn nước chính từ hồ Khe Hao vào trạm bị đất vùi lấp; hệ thống bể lọc bị hoen ố, meo mốc; hệ thống bể chứa bị lật nắp; ở những nơi nước đọng trở thành nơi trú ngụ của các loại bọ gậy, ruồi muỗi... Phía dưới chân đồi không xa, hàng ngày người dân nơi đây vẫn gồng mình thích nghi với nguồn nước nhiễm phèn từ nước giếng khoan. Khác một chút về hoàn cảnh nhưng công trình cấp nước xã Cương Gián (Nghi Xuân) cũng không mấy “khá khẩm” hơn là mấy. Hơn 2 tỷ đổ vào công trình cấp nước sinh hoạt vậy mà cái kết cuối cùng lại chua chát: “Công trình cấp nước sinh hoạt chỉ hoạt động trong vòng 1 tháng. Theo quan sát của người dân, nước lấy từ đấy (công trình nước sạch- PV) bị nhiễm phèn, nấu lên nổi váng đen không thể dùng được. Đường ống đã đấu nối về cho 700 hộ gia đình nhưng cũng để đấy thôi, nước giếng khoan còn trong hơn nhiều”- ông Hoàng Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Hay như ở Thạch Long (Thạch Hà), một công trình nước sạch có vốn đầu tư vào loại lớn được xây dựng vào năm 2009 do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 7 tỷ đồng lại chật vật với nguồn nước cấp. Do không có nguồn nước mặt tự nhiên nên công trình được đấu nối vào mạng lưới cấp nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Hà Tĩnh tại điểm đấu nối phía bắc Cầu Cày. Nghe đâu, vướng mắc chính là công trình xây xong chờ nước, còn nước lại chỉ được cấp về khi…đầu nguồn của đủ! Vậy là, sau khi hoàn thành vào đầu tháng 3/2011, trong vòng 1 năm, cả công trình cấp nước hoành tráng mới chỉ hoạt động được 5 lần, trong đó chỉ 2 lần bơm nước, còn lại là bơm thử áp. Mới đây, dẫu đã được sửa chữa nhưng đến nay nhiều đoạn ống dẫn từ trạm bơm của xã về các hộ vẫn rò rỉ, nước chảy về với dân vẫn cứ “đì đẹt”.

Kể cả những công trình được coi là hiệu quả như ở Thái Yên (Đức Thọ), Thạch Bàn (Thạch Hà) cũng không khỏi “lao đao” mới trụ được. Phần lớn, các công trình đã xuống cấp và lỗi thời so với nhu cầu nước hiện nay nhưng để có vốn, có cơ chế…nâng cấp nhà máy lại không phải là chuyện nhỏ. Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Vừa qua chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra đi khảo sát lại hiện trạng của các công trình cấp nước trên địa bàn. Sự thật đáng buồn là trong 15 công trình kiểm tra đợt 1, chỉ còn 3 cái còn sử dụng được, còn lại không bị xóa sổ hoàn toàn thì cũng tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân chính do công tác khảo sát, đánh giá nguồn nước cũng như nhu cầu sử dụng nguồn nước ở các địa phương quá sơ sài và hời hợt”.

Người dân thờ ơ với nước sạch

Nói là vậy, nhưng cũng không thể đổ lỗi tất cả cho nhà đầu tư hay đội ngũ thi công, công trình nước sạch kém hiệu quả là sự tác động hai chiều. Nhìn thẳng vấn đề, thực tế người dân vùng nông thôn còn quá thờ ơ với nước sạch. Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch& VSMT nông thôn, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là 74,6% song số liệu đó theo chúng tôi vẫn chỉ là trên giấy tờ mà thôi. Toàn tỉnh có 53 công trình cấp nước tập trung theo chương trình MTQG thì có đến 39 công trình không phát huy được hiệu quả. Trong số các công trình đang hoạt động, giỏi lắm, mỗi công trình cũng chỉ đạt từ 50%- 70% số hộ đăng ký sử dụng so với thiết kế, còn lại phổ biến là các nhà máy nước thường xuyên “ế ẩm” người sử dụng. Theo đó, giá điện, giá vận hành cứ thế đội giá thành của nước, khiến người dân càng ngại hơn với công trình nước sạch. Ông Nguyễn Duy Lan, xã Tân Lộc (Lộc Hà) cho biết: “Từ xưa tới nay gia đình tôi vẫn sử dụng nước giếng khoan, sau này thì có xây bể nước mưa 4 m3 dùng để trữ nước uống, như thế là cũng tạm đủ rồi. Còn nước máy, nếu xã hỗ trợ thì đấu nối chứ nhà có hai ông bà cũng không cần thiết lắm”. Tư tưởng này không hề quá khó gặp ở các vùng nông thôn, nước giếng khoan và nước mưa là hai nguồn chính trong sinh hoạt của họ. Thế mới sinh ra chuyện, không đầu tư xây dựng thì thiếu, nhưng khi hoàn thành rồi nhà đầu tư lại “bạc mặt” với việc thu vốn đối ứng. Được biết, tính đến thời điểm này các địa phương, đơn vị còn nợ Trung tâm Nước sạch& vệ sinh môi trường nông thôn gần 6,2 tỷ đồng đối ứng, trong đó trên 5,7 tỷ đồng là của công trình cấp nước tập trung.

…Và câu chuyện quản lý

Chúng tôi tìm về xã Thạch Bàn (Thạch Hà) với hi vọng sẽ tìm ra một chút kinh nghiệm của một mô hình cấp nước nhỏ nhưng đã có hiệu quả đáng kể. Anh Trương Hoàng Thông, Chủ tịch UBND xã xua tay: “Không không chị ơi, hoạt động thì tốt còn quản lý thì rối như tơ vò”. Anh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện 7- 8 năm về trước, xã anh được hưởng lợi nguồn vốn xây dựng công trình nước sạch của Chương trình MTQG Nước sạch & VSMT nông thôn 400 triệu đồng. Dù nội lực còn đầy rẫy khó khăn nhưng niềm khao khát nguồn nước sạch bấy lâu đã thôi thúc lãnh đạo xã bằng mọi giá huy động tìm nguồn đối ứng thêm gần một nửa số tiền được hỗ trợ. Giấc mơ thành sự thật khi một nhà máy nước mini đủ cung cấp cho 300 hộ dân của xã và một phần của Thạch Đỉnh được xây dựng lên. Tiền hạn hẹp, hồi đó công trình chỉ được xây dựng bằng cách ngăn đập từ khe tự chảy Hao Hao, dẫn nước về bể lọc thô, bể trữ và đường ống dẫn về các bể tập trung trong thôn. Anh tâm sự thêm: “Nước lấy từ công trình được áp hơn 1.000 đồng/m3 nhưng cũng chỉ được một hai năm đầu. Vì không có đồng hồ đo khối lượng tận hộ nên không có cách nào thu được phí nước. Ban quản lý nước sạch chỉ làm nhiệm vụ xử lý môi trường, xử lý rò rỉ một số chỗ nhỏ, còn việc thu phí nước sinh hoạt lại chẳng ai dám đứng ra chịu trách nhiệm cả. Mỗi năm xã có trích 10 triệu để tu sửa nhà máy nhưng chỉ ở những hạng mục nhỏ, còn nâng cấp, đầu tư hiện đại hơn thì ngoài khả năng”. Ông Nguyễn Viết Nhất, Giám đốc Trung tâm Nước sạch & VSMT nông thôn cho biết: “Lĩnh vực Nước sạch& VSMT nông thôn đòi hỏi phải có đội ngũ năng lực và kinh nghiệm cao về khả năng phân tích nguồn nước đến áp dụng quy trình kỹ thuật phù hợp. Trong khi đó, ở cấp huyện trở xuống, BCĐ Chương trình chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn và trình độ. Cộng theo đó là sự vào cuộc chưa quyết liệt, thiếu chiều sâu và có tư tưởng ỷ lại Nhà nước và cơ quan chuyên môn đã vô hình chung đẩy các công trình vào bế tắc và càng loay hoay trong công tác vận hành, quản lý”.

Nước giếng khoan và nước mưa là hai nguồn sinh hoạt chính của người dân Thạch Long (Thạch Hà)

Nước giếng khoan và nước mưa là hai nguồn sinh hoạt chính của người dân Thạch Long (Thạch Hà)

Tại cuộc họp tổng kết thực hiện Chương trình MTQG Nước sạch&VSMT nông thôn tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng nên tổ chức khảo sát, đánh giá và trùng tu, sữa chữa một số công trình thay vì đầu tư mới một cách phân tán. Điều đó, vừa tận dụng được cơ sở vật chất vốn có, tránh lãng phí, cũng như “khơi dậy tiềm năng” cho các công trình. Phải chăng đây là một hướng đi đúng?! Hiệu quả của một công trình chính là chiếc gương phản chiếu khả năng của nhà đầu tư, bộ cơ chế chính sách, sự quan tâm của chính quyền sở tại và cả ý thức tham gia của người dân đối vấn đề bức thiết nước sạch. Tất cả những điều đó là một tổng thể hòa hợp, hay nói đúng hơn chỉ có sức mạnh xã hội hóa mới đủ sức hóa giải câu chuyện quản lý các công trình nước sạch hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast