Thế giới ngày qua: Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF

(Baohatinh.vn) - Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF; Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố từ chức... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 20/8 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới ngày qua: Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF

Một vụ thử tên lửa của Mỹ ở bang Alaska. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF: Ngày 19/8, Lầu Năm Góc thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình được phóng từ mặt đất và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500km.

Đây là vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đầu tháng 8 này. Tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết vụ thử tên lửa được tiến hành hôm 18/8 tại đảo San Nicolas, bang California. Tên lửa này là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Phản ứng về thông báo của Mỹ, Chính phủ Nga ngày 20/8 tuyên bố, vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất của Mỹ là đáng tiếc và cho thấy, nước này từ lâu đã chuẩn bị cho sự đổ vỡ của INF.

Bình luận về vụ thử, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang và vẫn không có ý định triển khai tên lửa trừ khi Mỹ khơi mào.

Thế giới ngày qua: Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. (Ảnh: Getty Images)

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố từ chức: Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đưa ra quyết định từ chức trong bài phát biểu trước quốc hội Italy hôm 20/8, phiên làm việc đầu tiên sau khi các nghị sĩ quay lại từ kỳ nghỉ hè, theo Reuters.

Thủ tướng Italy sẽ chính thức nộp đơn từ chức vào cuối ngày 20/8 cho Tổng thống Sergio Mattarella. Ông Mattarella sẽ chủ trì phiên họp giữa các đảng phái chính trị để tìm cách hình thành một liên minh chính phủ mới. Nếu không thể đạt được điều đó, tổng thống sẽ giải tán quốc hội và một cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra.

Quyết định của ông Conte đã được dự báo từ trước, sau khi có những bất đồng xảy ra trong liên minh chính phủ cầm quyền. Hồi tuần trước, ông Conte, người ít khi nóng nảy, đã thẳng thừng chỉ trích ông Salvini, nói rằng ông này "bị ám ảnh với việc không cho các tàu chở người nhập cư cập bến Italy".

Thế giới ngày qua: Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF

Tượng đài cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành và cố lãnh đạo Kim Jong-il. (Ảnh: Reuters)

Mỹ gia hạn lệnh cấm công dân du lịch Triều Tiên thêm một năm: Yonhap đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/8 đã gia hạn lệnh cấm các công dân nước này du lịch tới Triều Tiên thêm 1 năm.

Thông báo của cơ quan trên khẳng định “tiếp tục tồn tại nguy cơ nghiêm trọng về việc bắt giữ và cầm tù dài hạn đối với các công dân Mỹ” ở Triều Tiên.

Lệnh cấm du lịch được áp đặt vào tháng 9/2017 sau cái chết của Otto Warmbier, một sinh viên đại học người Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên và tử vong không lâu sau khi trở về nhà trong trạng thái hôn mê. Quy định miễn trừ chỉ được áp dụng đối với các nhà báo và các lý do nhân đạo cho một chuyến đi duy nhất.

Biện pháp trên đã được gia hạn lần thứ nhất vào năm 2018. Với quyết định mới được ban hành, lệnh cấm du lịch Triều Tiên sẽ kéo dài tới ngày 31/8/2020.

Thế giới ngày qua: Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF

Bảng thông báo "Chúng tôi không bán hàng Nhật" được treo tại một cửa hàng ở Seoul, Hàn Quốc ngày 17/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật Bản, Hàn Quốc nhất trí tiếp tục đối thoại: Ngày 20/8, các quan chức cấp cao của Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí tiếp tục đối thoại trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước láng giềng này rơi xuống mức thấp mới do tranh cãi leo thang về vấn đề lịch sử và thương mại.

Quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã xấu đi nghiêm trọng sau các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.

Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Đáp lại, Hàn Quốc thậm chí đe dọa xem xét sẽ chấm dứt GSOMIA sau khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 24/8 tới.

Thế giới ngày qua: Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF

Tàu chở dầu Grace 1 của Iran ngoài khơi bờ biển Gibraltar ngày 15/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hy Lạp chưa nhận được yêu cầu cập cảng của tàu chở dầu Iran: Ngày 20/8, Bộ trưởng Hàng hải Hy Lạp Ioannis Plakiotakis cho biết không nhận được yêu cầu cập cảng của tàu chở dầu Iran Adrian Darya 1 (trước đó có tên là Grace 1), sau khi trang web Marine Traffic chuyên theo dõi hoạt động hàng hải cho rằng "điểm đến" của con tàu này là cảng Kalamata của Hy Lạp.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Plakiotakis khẳng định: "Không có yêu cầu chính thức nào liên quan đến việc cập cảng Hy Lạp của tàu chở dầu Iran nói trên".

Tàu Grace 1 đã bị Hải quân Hoàng gia Anh và chính quyền Gibraltar (vùng lãnh thổ thuộc Anh) bắt giữ từ ngày 4/7 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chở dầu tới Syria. Iran bác bỏ cáo buộc trên.

Ngày 15/8, chính quyền và Tòa án Tối cao Gibraltar đã quyết định dỡ bỏ lệnh bắt giữ và thả tàu Grace 1 sau khi Iran cung cấp một số tài liệu cần thiết. Tuy nhiên, một ngày sau, Bộ Tư pháp Mỹ công bố lệnh bắt giữ tàu này và có ý định tịch thu toàn bộ số dầu trên tàu trị giá 995.000 USD, do vi phạm Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA). Động thái mới của Mỹ tiếp tục khiến căng thẳng tại vùng Vịnh leo thang.

Thế giới ngày qua: Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF
(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast