BVĐK Hà Tĩnh triển khai thành công kỹ thuật cấy máy phá rung tự động trong buồng tim

(Baohatinh.vn) - Các bác sỹ Khoa Tim Mạch - Lão học (TMLH), BVĐK Hà Tĩnh vừa thực hiện thành công ca cấy máy phá rung tự động trong buồng tim cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp thất dưới sự hỗ trợ của các bác sỹ Viện Tim mạch quốc gia.

BVĐK Hà Tĩnh triển khai thành công kỹ thuật cấy máy phá rung tự động trong buồng tim

Việc cấy máy phá rung tự động trong buồng tim thành công là nhờ có máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA

Bệnh nhân Bùi Văn Thư (90 tuổi) ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) có tiền sử bệnh suy tim, bệnh động mạch vành, đã đặt Stent kèm theo bệnh đái tháo đường nhiều năm, chức năng tim dưới 35%. Người nhà cho biết, cách đây 7 năm, bệnh nhân có những cơn loạn nhịp từng thất, có thể gây ra ca rung thất, ngừng tim và đã được cấy máy phá rung tự động trong buồng tim tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân có biểu hiện rung giật từng cơn, mệt mỏi, khó thỏ nên vào BVĐK Hà Tĩnh điều trị. Tại đây, sau khi kiểm tra máy phá rung tự động cho thấy máy có dấu hiệu hết pin và cần được thay máy mới...

Dưới sự hỗ trợ của Viện Tim mạch quốc gia, các bác sỹ BVĐK Hà Tĩnh đã thực hiện thành công ca cấy máy phá rung tự động trong buồng tim cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã bớt mệt mỏi, dễ thở hơn.

BVĐK Hà Tĩnh triển khai thành công kỹ thuật cấy máy phá rung tự động trong buồng tim

Máy phá rung tự động trong buồng tim qua hình ảnh chụp xóa nền DSA

Tiến sỹ Lê Văn Dũng - Trưởng khoa TMLH cho biết: Việc cấy máy phá rung tự động trong buồng tim thành công được là nhờ có sự đóng góp vô cùng quan trọng của máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA (Digital Subtraction Angiography) mà BVĐK tỉnh mới đầu tư.

Những hình ảnh thu được từ phương pháp chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA) đã cung cấp thông tin chính xác về quá trình lưu thông máu khi đi qua các bộ phận của cơ thể, đặc biệt là quá trình cung cấp máu cho não và tim. Nhờ hệ thống DSA, nhiều trường hợp bệnh lý tim mạch, mạch máu não (tiêu biểu là nhồi máu cơ tim, đột quỵ) đã được chẩn đoán rõ ràng và được can thiệp kịp thời. Từ đó, tận dụng được “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân.

Theo bác sỹ Dũng, khi mắc những bệnh lý trên, bệnh nhân thường phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ và đột tử. Trước đây, khi chưa triển khai kỹ thuật mới này, bệnh nhân thường phải đi ra các bệnh viện lớn ở Trung ương để chữa trị.

Máy phá rung tự động được đặt trong cơ thể bệnh nhân từ 7-10 năm. Người bệnh nào có nhiều cơn rối loạn nhịp, máy phải làm việc nhiều, tuổi thọ của pin ngắn hơn. Khi pin hết sử dụng được sẽ thay máy mới. Thời gian đầu được đặt máy, người bệnh luôn cảm thấy lo lắng nhưng dần dần sẽ thích nghi được.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast