Làm gì khi vợ là... "sếp"?!

(Baohatinh.vn) - Ngày nay, phụ nữ thành đạt hơn đàn ông không còn là chuyện hiếm. Việc cân bằng giữa công việc và giữ gìn hạnh phúc gia đình của những người phụ nữ thành đạt đôi khi không dễ dàng.

Làm gì khi vợ là... “sếp”?!

Ngày càng có nhiều phụ nữ thành đạt hơn đàn ông trong sự nghiệp (Ảnh internet)

Vợ chồng chị Ngọc Hà có một cuộc sống tạm gọi là ổn định. Thu nhập không quá cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình. Chồng chị rất yêu vợ, thương con, thường giúp đỡ chị việc nhà. Sau một thời gian phấn đấu, chị Hà được lãnh đạo công ty tín nhiệm bầu giữ chức trưởng phòng. Từ khi làm ở vị trí mới, thu nhập của chị khá hơn rất nhiều nhưng thời gian dành cho gia đình không như trước.

“Thời gian đầu, chồng tôi vẫn giúp vợ chăm con mỗi khi tôi bận việc, đi công tác. Nhưng gần đây, anh ấy tỏ ra không thoải mái, hay cáu bẳn mỗi khi tôi nhắc đến chuyện công việc. Tôi hiểu là anh ấy không thích khi vợ phải làm việc ngoài giờ quá nhiều”.

Chị Thanh Hằng không chỉ thu nhập hơn chồng mà còn là sếp của chồng nên những tình huống khó xử mà chị gặp phải còn nhiều hơn. Dù đã rất tế nhị trong ứng xử với chồng ở công ty, về nhà, chị cố gắng sắp xếp thời gian để chăm chồng con nhưng chị Hằng vẫn không tránh được cho ông xã những lần chạnh lòng bởi cảm giác thua kém vợ. Là người thành đạt, đảm đang nhưng với gia đình chồng, chị vẫn bị chê trách bởi cái “tội” giỏi hơn chồng. Đã không ít lần chị tính từ bỏ sự nghiệp để lui về với gia đình.

Làm gì khi vợ là... “sếp”?!

Phụ nữ thành đạt hơn chồng rất dễ nảy sinh những mâu thuẫn trong cuộc sống (Ảnh internet)

Cảm giác tự ti, thua kém là tâm lý của phần lớn đàn ông Việt khi có vợ thành đạt hơn. Tư tưởng gia trưởng đã ăn sâu trong tiềm thức và họ quen với vị trí “thống trị” trong gia đình nên dễ tự ái khi thấy mình không bằng vợ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho nhiều gia đình vợ thành đạt hơn chồng không hạnh phúc.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách toàn diện, để thành đạt, phụ nữ phải cố gắng, hy sinh hơn nhiều so với đàn ông. Họ cũng cần được ghi nhận và cần sự cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ từ gia đình, đặc biệt là từ người chồng. Ngược lại, người chồng làm “hậu phương” cho vợ phải được tôn trọng bởi những đóng góp đó. Khi cả hai công việc được nhìn nhận một cách công bằng, hạnh phúc gia đình mới bền vững được.

Làm gì khi vợ là... “sếp”?!

Cần sự dung hòa, thấu hiểu để dù ở vị trí nào vợ chồng vẫn giữ hạnh phúc gia đình (Ảnh internet)

Người vợ thành đạt hơn chồng, bằng sự tinh tế, nhạy cảm vốn có của phụ nữ vẫn có thể dung hòa được mối quan hệ trong cuộc sống, khéo léo để người bạn đời cảm thấy mình vẫn là trụ cột trong gia đình.

Anh Thái (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Vợ tôi làm sếp của một doanh nghiệp, thu nhập khá hơn tôi rất nhiều nhưng cô ấy vẫn luôn tôn trọng chồng. Là người tinh tế, khéo léo, những việc lớn nhỏ trong gia đình, cô ấy luôn tôn trọng ý kiến của tôi, khuyến khích các con xin ý kiến của bố trong việc học hành, cuộc sống. Tôi không có cảm giác quá nặng nề vì vợ thành đạt hơn mình trong công việc và chúng tôi vẫn giữ được hạnh phúc”.

Hôn nhân rất cần sự dung hòa và thấu hiểu để dù là ở vị trí nào, vợ chồng vẫn giữ được ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast