Dịch LMLM gia súc và cúm gia cầm tại Cẩm Xuyên: Cần nhìn lại căn nguyên

Sau hai trận lũ lịch sử, Cẩm Xuyên là địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh xuất hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm . Theo thống kê, toàn huyện có 125 con trâu, bò bị nhiễm bệnh LMLM; 10.215 con gia cầm bị tiêu huỷ, thiệt hại lên đến gần 900 triệu đồng. Đã đến lúc Cẩm Xuyên nên có cái nhìn thẳng thắn về căn nguyên tại sao dịch bệnh luôn “ghé thăm”.

Năm 2008, dịch "tai xanh" ở lợn bắt đầu từ xã Cẩm Bình đã nhanh chóng trở thành đại dịch khi lây lan khắp các xã, thị còn lại trong huyện, buộc 31.880 con lợn, gây thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Từ đó đến nay, dịch bệnh nối tiếp dịch bệnh, hết dịch tả lợn vào tháng 2/2009 đến dịch cúm gia cầm vào đầu năm nay đã khiến không biết bao nhiêu người nông dân, trang trại bị khuynh gia bại sản. Mới đây, sau hai trận lũ hồi đầu tháng 10, trên địa bàn huyện có đến 125 trâu, bò nhiễm LMLM và 10.215 con gà, vịt bị tiêu huỷ vì dương tính với cúm gia cầm.

Người dân xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) thu gom gia cầm chết (đợt dịch đầu tháng 10)
Người dân xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) thu gom gia cầm chết (đợt dịch đầu tháng 10)

Vậy, căn nguyên sâu xa do đâu? Yếu tố khách quan là môi trường sau lũ bị ô nhiễm nặng nề cộng với điều kiện thời tiết giao mùa, ẩm ướt là cơ hội để những mầm bệnh nguy hiểm sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, năm nay, vắc xin cúm gia cầm cung ứng muộn hơn so với mọi năm trong khi đối tượng gia cầm đã hết thời gian miễn dịch, tạo điều kiện cho dịch bệnh tấn công vật nuôi một cách dễ dàng.

Hơn nữa, được sự ưu đãi của tự nhiên cộng với kinh nghiệm truyền thống từ lâu đời, Cẩm Xuyên là địa phương có nền chăn nuôi (nhất là lợn) phát triển vào loại nhất tỉnh. Tổng đàn vật nuôi không ngừng tăng lên, riêng năm 2010, tuy nhiều bất lợi, song tổng đàn vật nuôi của huyện vẫn đạt cao với 21.441 gia súc và 356.467 gia cầm, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi không chỉ là mô hình kinh tế XĐGN mà còn là giải pháp làm giàu của địa phương. Đáng tiếc là do phát triển theo hình thức tập quán nên chủ yếu là manh mún và tự phát theo hộ gia đình, còn những trang trại, mô hình có quy mô lớn thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi. Do vậy, dù luôn là “điểm nóng” của các loại dịch bệnh nhưng công tác về an toàn phòng dịch, nhất là tuân thủ chỉ tiêu tiêm phòng ở đây vẫn đang bị xem nhẹ. Đến hết thời hạn tiêm phòng của tỉnh, tỷ lệ thuộc diện tiêm vẫn đạt thấp.

Ông Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Bài học đắt giá từ nhiều năm nay là dịch bệnh luôn xảy ra trên số gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch hoặc chưa được tiêm phòng văcxin. Nhưng, một thực tế luôn tồn tại ở huyện Cẩm Xuyên đó là sự tăng trưởng của đàn vật nuôi không tương ứng với công tác quản lý, phòng dịch gây ra hệ quả tỷ lệ thuộc diện đã tiêm phòng luôn thấp hơn rất nhiều so với tổng đàn trên thực tế. Hậu quả là khi dịch xảy ra thường diễn biến phức tạp và dai dẳng”.

Phải nói rằng, nguyên nhân dẫn đến thực tế này xuất phát từ hai phía, cả người dân lẫn chính quyền địa phương. Trong khi các chủ hộ chăn nuôi không thành thật khai báo số lượng đàn vật nuôi của mình cho cơ quan chức năng thì chính quyền sở tại lại khá buông lỏng trong công tác quản lý, kiểm soát. Điều đó đã tạo ra khe hở để các tư thương “lách luật” để kiếm lời thông qua mua bán, vận chuyển, gây biến động, bất ổn tổng đàn vật nuôi.

Thậm chí, tại một số địa phương như: Cẩm Hưng, Cẩm Dương, Cẩm Quan…công tác thú y còn bị “khoán trắng” cho ngành chuyên môn. Phải đến khi dịch bệnh bùng phát và lây lan thì cả chính quyền lẫn người chăn nuôi mới “nháo nhác” vào cuộc một cách quyết liệt! Chính vì vậy, đến thời điểm này một số huyện như: Hương Sơn, Can Lộc…dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, riêng Cẩm Xuyên vẫn tiếp tục phát sinh thêm. Nguy hiểm hơn, dịch tai xanh ở lợn đã trở lại hoành hành ở một số địa phương của Hà Tĩnh. Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp (so với tổng đàn) cộng với lơ là trong công tác quản lý là những nguy cơ đe doạ đến sự an toàn của đàn vật nuôi ở đây.

Để thúc đẩy thành phần kinh tế mang tính chủ lực, đồng thời phát huy hết thế mạnh của vùng về chăn nuôi, thiết nghĩ đã đến lúc chính quyền địa phương nên hoạch định một chiến lược phát triển bền vững, nhất là công tác an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm hơn đến chế độ, chính sách phục vụ công tác thú y và phòng dịch, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả công việc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast