Mỹ “dịu giọng” sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dọa đóng cửa hai căn cứ quân sự

(Baohatinh.vn) - Lầu Năm Góc được cho là đang cố gắng khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố có đủ quyền hạn để cấm Mỹ sử dụng căn cứ chiến lược Incirlik và Kurecik nếu Washington áp đặt trừng phạt Ankara.

Mỹ “dịu giọng” sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dọa đóng cửa hai căn cứ quân sự

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: AP)

“Chúng tôi xem sự hiện diện của các lực lượng Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ như là một biểu tượng cho cam kết đã có từ hàng thập kỷ của chúng tôi để giúp bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh và đối tác chiến lược của NATO”, Hãng thông tấn Sputnik của Nga dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết.

Căn cứ không quân Incirlik nằm cách biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria 110 km, có tầm chiến lược quan trọng với NATO và quân đội Mỹ. Trong khi đó, Kurecik là căn cứ quân sự ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nơi NATO đặt hệ thống radar cảnh báo sớm để đối phó các cuộc tập kích bằng tên lửa đạn đạo từ năm 2012.

Tháng 10/2019, Washington áp đặt các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ do nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và việc Ankara phát động cuộc tấn công quân sự ở miền Bắc Syria nhắm vào người Kurd nhưng sau đó đã gỡ bỏ chúng, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dọc theo biên giới với Syria.

Tuy rút lại các lệnh trừng phạt, các thượng nghị sĩ Mỹ vẫn thông qua một nghị quyết công nhận vụ thảm sát dưới thời Đế chế Ottoman đối với người Armenia cách đây một thế kỷ là tội ác diệt chủng. Động thái này tiếp tục vấp phải những phản ứng dữ dội từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước Mỹ, đã có Pháp cùng trên 20 nước công nhận đây là vụ diệt chủng người Armenia. Armenia cho rằng có khoảng 1,5 triệu công dân nước này đã bị giết hại trong vụ thảm sát diễn ra thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Trong khi đó, Ankara vẫn luôn bác bỏ cáo buộc về vụ thảm sát, cầm tù và trục xuất người Armenia từ năm 1915 và sau đó leo thang thành vụ diệt chủng dưới thời Đế chế Ottoman ngày 24/4/1915.

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang trở lại sau khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ (SFRC) ngày 11/12/2019 ủng hộ dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ Thông qua Lệnh Cấm vận (CAATSA) đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau chiến dịch tấn công quân sự ở miền Bắc Syria và thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Nếu dự luật được Thượng viện thông qua và được Tổng thống Donald Trump ký, điều đó có thể dẫn đến việc đóng băng tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ, hạn chế thị thực và hạn chế tiếp cận tín dụng.

Mỹ “dịu giọng” sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dọa đóng cửa hai căn cứ quân sự

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. (Ảnh: Sputnik)

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Mỹ nhiều lần phản đối hợp đồng này, cho rằng S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và đe dọa tới tiêm kích tàng hình F-35.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh sẽ tiếp tục nhận các hệ thống S-400 tiếp theo. Lô hàng thứ 2 dự kiến sẽ tới nơi vào cuối năm sau. Ankara nhiều lần bày tỏ cam kết mua hệ thống phòng thủ S-400 được dự kiến sẽ hoạt động đầy đủ tại nước này vào tháng 4/2020, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Mỹ “dịu giọng” sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dọa đóng cửa hai căn cứ quân sự
(Theo Sputnik)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast