"Duyên nợ" Mỹ - Trung: Sự chia cắt không dễ dàng

Lợi ích của Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng gắn kết, vì thế các mối quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này không thể bị chia cắt bởi bất kỳ bên nào.    

“Duyên nợ” Mỹ - Trung: Sự chia cắt không dễ dàng

Lợi ích ngày càng gắn kết, vì thế các mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể bị chia cắt bởi bất kỳ bên nào. (Nguồn: Chinausfocus)

Đó là tuyên bố được người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong (Gao Feng) đưa ra ngày 29/8, được cho là nhằm đáp lại việc một số nhà hoạch định chính sách Mỹ yêu cầu các công ty của nước này rút khỏi Trung Quốc và tìm các thị trường thay thế. Phía Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng, leo thang cuộc chiến thương mại là đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc, Mỹ và tất cả người dân trên toàn thế giới, thậm chí có thể gây ra những hậu quả "thảm khốc" cho thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần trước thông báo sẽ tăng thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, vài giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh thuế trả đũa nhằm vào 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây Tổng thống Donald Trump lại khẳng định cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ “sớm được nối lại” và đây sẽ là một bước đột phá trong cuộc chiến thương mại của hai siêu cường kinh tế.

Chờ kịch tính vào tháng 9-10/2020

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson là người tin tưởng vào thiện chí của Trung Quốc trong việc duy trì những khoản đầu tư lớn vào thị trường trái phiếu và chứng khoán của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính 1 thập kỷ trước, do đó đã giúp ngăn chặn một cuộc suy thoái trở thành một cuộc khủng hoảng. Trong những bài phát biểu gần đây, ông Paulson đã cảnh bảo rằng, Chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách dựng lên “bức màn sắt kinh tế” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bằng việc nhận diện Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh quốc gia cũng như mối đe dọa kinh tế, những người có đường lối diều hâu ở Washington đang thảo luận về các cơ chế theo phong cách Chiến tranh Lạnh để kiểm soát công nghệ - lý do khiến Chính quyền Mỹ tìm cách gây sức ép buộc các nước khác phải từ bỏ việc mua các sản phẩm của công ty Huawei trong cuộc đua mạng 5G.

Tuy nhiên, như chiến dịch tẩy chay Huawei cho thấy, giờ đây, môi trường không khác gì thời Chiến tranh Lạnh, vì lý do đơn giản là hầu hết các nước, trong đó có các đồng minh phương Tây sẽ vẫn làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc.

William Reinsch, một chuyên gia về thương mại Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết: “Ông Trump đã tự đưa mình vào thế mà ông sẽ chỉ còn hai lựa chọn: chấp nhận một thỏa thuận yếu ớt hoặc tiếp tục cuộc chiến”.

Reinsch là cựu quan chức cấp cao tại Cục Thương mại và là cựu Chủ tịch Hội đồng ngoại thương quốc gia. Về hai lựa chọn, nếu ông Trump tiếp tục cuộc chiến, các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ đề cập đến chính sách thất bại, thiệt hại ngoài dự kiến, nhà đàm phán kém cỏi, rằng ông đã gây ra tất cả tổn thất này và không mang lại điều gì...

Thay vào đó, nếu Tổng thống Trump nỗ lực đạt được một thỏa thuận, ông có thể nói rằng, đây là thỏa thuận tuyệt vời nhất từng có và tuyên bố chiến thắng. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ kịch tính sẽ tiếp tục cho đến tháng 9 hoặc tháng 10/2020, thời điểm ông sẽ nỗ lực giành được một chiến thắng kỳ diệu – hoặc điều gì đó mà ông sẽ gọi như thế”.

Họ không thể đạt được điều mình mong muốn

Những người theo đường lối cứng rắn cho rằng, kể từ khi Trung Quốc mở cửa với thế giới năm 1978 và ngày càng thị trường hóa nền kinh tế của mình, người Mỹ đã tìm cách đưa Bắc Kinh hội nhập vào hệ thống kinh tế dựa trên quy tắc theo phong cách phương Tây và nhận ra họ không thể làm điều đó.

Trung Quốc và Mỹ không thể cùng chung không gian địa chính trị và kinh tế. Các chuẩn mực sống và những kỳ vọng về xã hội và ý thức hệ của họ quá khác biệt. Trong khi đó, người Trung Quốc đang "lấy mất" công ăn việc làm, quyền sở hữu trí tuệ và sự thịnh vượng của Mỹ.

“Duyên nợ” Mỹ - Trung: Sự chia cắt không dễ dàng

Tách khỏi Trung Quốc là mục đích thực sự của Tổng thống Trump. (Nguồn: Axios)

Giải pháp mà Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, thúc giục Tổng thống thông qua là kiên quyết tách khỏi Trung Quốc, trên thực tế là đảo ngược quá trình đạt được tiến bộ trong thương mại và tài chính toàn cầu hóa suốt 40 năm qua, phá bỏ các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ làm việc trong lĩnh vực địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh vốn đã tiến triển thất thường.

Thái độ đó dường như ẩn sau một loạt dòng tweet gây sửng sốt của ông Trump hôm 23/8, sau khi Trung Quốc tuyên bố một đợt áp thuế mới đối với hàng hóa Mỹ trị giá 75 tỷ USD, tuyên bố rằng: “... Đất nước của chúng ta đã để mất hàng nghìn tỷ USD vào tay Trung Quốc trong nhiều năm. Họ đã đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta với mức hàng trăm tỷ USD/năm và họ muốn tiếp tục làm điều đó. Tôi sẽ không để việc này xảy ra! Chúng ta không cần Trung Quốc và nói thẳng ra là chúng ta sẽ khá giả hơn nhiều khi không có họ... Do đó, các công ty Mỹ vĩ đại của chúng ta ngay lập tức phải bắt tay tìm kiếm những lựa chọn thay thế Trung Quốc, kể cả việc đưa các công ty về nước và sản xuất tại Mỹ”.

Trong khi đó, ông Trump tỏ ra cứng rắn hơn nhiều đối với các tập đoàn Mỹ đang làm ăn với Trung Quốc bằng cách áp thuế. Và kể từ khi ông bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, một số chuyên gia đã nghi ngờ rằng, mục đích của ông từ đầu là đạt được điều gì đó ấn tượng hơn so với việc chỉ có một thỏa thuận mới. Bằng cách đòi hỏi những điều kiện khá cao từ Bắc Kinh - trên thực tế là yêu cầu nước này phải hủy bỏ hệ thống chủ nghĩa tư bản do nhà nước bảo trợ, cũng như tuân thủ luật pháp và các quy định của phương Tây liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và hợp đồng kinh doanh - ông đã khiến các cuộc đàm phán thất bại và ủng hộ một “cuộc ly hôn” với Trung Quốc.

Trong hình dung của đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump, bằng cách nào đó, một kết quả như vậy sẽ khôi phục được sự thịnh vượng mà nhiều người Mỹ đang tiếc nhớ, từ những ngày tầng lớp công nhân trung lưu được trả lương hậu hĩnh chưa bị ảnh hưởng bởi “giá Trung Quốc” và nguồn cung cấp lao động giá rẻ dường như vô hạn, đặc biệt là từ Đông Á.

Adam Posen, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, cho rằng: “Họ có thể gây ra nhiều thiệt hại, nhưng không thể đạt được điều mình mong muốn”. Ông tin rằng, tách khỏi Trung Quốc là mục đích thực sự của Tổng thống Trump kể từ trước khi ông trở thành Tổng thống. Ông Posen và những người khác không những chỉ ra thiệt hại đối với thị trường khổng lồ Trung Quốc mà còn cả sự tổn hại đối với uy tín toàn cầu của các thương hiệu Mỹ và khả năng các công ty châu Âu sẽ nhanh chóng bước vào để thay thế vị trí của Mỹ.

Tuy nhiên, Michael Pillsbury, người từng có thời gian làm cố vấn cho Tổng thống Trump về vấn đề Trung Quốc nói với tờ Foreign Policy rằng, Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn của ông đã bị chọc giận từ hồi tháng 4/2019, khi phía Trung Quốc có vẻ đã rút khỏi cam kết củng cố các biện pháp bảo hộ “có ràng buộc về mặt pháp lý” chống lại những hành vi vi phạm thương mại tại tòa án, được tóm gọn trong một thỏa thuận mang tính thăm dò dày 150 trang. Ông Pillsbury cũng tin rằng, các cuộc đàm phán này đã bị trì hoãn bởi một nhóm mới gồm các cố vấn có đường lối hiếu chiến xung quanh nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhưng trong tuyên bố mới đây, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cũng đưa ra nhận định, việc "chia cắt" hai nền kinh tế không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích của các doanh nghiệp và người dân Mỹ, mà còn đe dọa đến an ninh chuỗi công nghiệp toàn cầu và gây nguy hiểm đối với thương mại quốc tế cũng như nền kinh tế thế giới.

Ông Cao Phong cho rằng, bản chất của các mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc là cùng có lợi và hai bên không phải là những đối thủ của nhau trong "một cuộc chơi có tổng bằng 0", mà là các đối tác cùng lợi ích và "có đi có lại".

Theo Foreign Policy, Washington Post/TG&VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast