Chậm thanh quyết toán BHYT, các bệnh viện ở Hà Tĩnh thành "con nợ"

(Baohatinh.vn) - Các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh đã chuyển dần sang cơ chế tự thu - chi, nhưng từ 2017 cho đến nay, chưa được BHXH thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT do vượt dự toán. Điều này đã khiến nhiều đơn vị thiếu kinh phí hoạt động, thậm chí trở thành "con nợ" của các nhà cung ứng thuốc, vật tư y tế.

Là bệnh viện tuyến cuối trong khám và điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn nên tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, trung bình mỗi ngày có từ 900 - 1.100 bệnh nhân điều trị ngoại trú và từ 800 - 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Hầu hết nguồn thu của bệnh viện đều đến từ BHYT.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, việc BHXH chậm thanh quyết toán gây khó khăn cho bệnh viện về kinh phí hoạt động và công tác hạch toán kế toán, đối chiếu công nợ. Năm 2017, chi phí khám chữa bệnh BHYT chưa được thanh quyết toán tại BVĐK tỉnh là trên 35 tỷ đồng và năm 2018 là trên 25 tỷ đồng.

Chậm thanh quyết toán BHYT, các bệnh viện ở Hà Tĩnh thành “con nợ”

Chuyển sang cơ chế tự chủ nên BHYT đang là nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu của các bệnh viện

Còn tại BVĐK TP Hà Tĩnh, theo số liệu từ bệnh viện, năm 2017, nguồn vượt quỹ mà BHXH chưa thanh toán cho đơn vị là gần 12 tỷ và năm 2018 là 17 tỷ đồng.

Bác sỹ Trần Nguyên Phú - Giám đốc BVĐK TP Hà Tĩnh cho biết, để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, một phần nguồn tiền tạm ứng từ BHXH phải ưu tiên dành cho việc chi trả các chế độ lương, phụ cấp… cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ. Còn tiền vật tư, thuốc men thì bệnh viện đành phải tạm nợ các đơn vị cung ứng. Do việc BHXH chậm thanh toán nên từ năm 2017 đến nay, bệnh viện như một “con nợ” của các đơn vị cung ứng vật tư.

Theo số liệu từ Phòng Tài chính – kế toán của bệnh viện, năm 2017, BVĐK TP Hà Tĩnh còn nợ các đơn vị cung ứng vật tư 11 tỷ đồng và năm 2018 là gần 8 tỷ đồng.

Ngay như Bệnh viện Y học cổ truyền, số tiền mà BHXH chưa thanh quyết toán năm 2017 là 3 tỷ đồng và năm 2018 là khoảng 2 tỷ đồng. Theo ông Dương Đăng Hiền - Giám đốc bệnh viện, việc đơn vị bị chậm thanh quyết toán trong bối cảnh hoàn toàn tự chủ nên gặp nhiều khó khăn, nhất là giải quyết chế độ lương, các chính sách cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ. Ngay như tiền phẫu thuật, thủ thuật trả cho bác sỹ của năm 2017 thì phải đến 2018 mới trả được và của năm 2018 thì phải đến năm 2019. Điều này chưa động viên, khích lệ được các y bác sỹ.

Ngoài BVĐK tỉnh, BVĐK TP Hà Tĩnh, Bệnh viện Y học cổ truyền thì các bệnh viện khác trên địa bàn cũng đều chịu chung tình cảnh chậm thanh toán khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Đặc biệt, các bệnh viện rơi vào cảnh “nợ nần” các đơn vị cung ứng vật tư y tế. Do nợ nên các đơn vị cung ứng chỉ cung cấp thuốc men, dụng cụ y tế một cách “nhỏ giọt” cho bệnh viện, ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám chữa bệnh.

Chậm thanh quyết toán BHYT, các bệnh viện ở Hà Tĩnh thành “con nợ”

Việc chậm thanh quyết toán đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các bệnh viện

Báo cáo từ BHXH tỉnh cho thấy, tổng chi phí KCB vượt quỹ 2017 chưa được thanh toán trên 98 tỷ đồng và 2018 chưa được quyết toán là 96 tỷ đồng. Chi phí KCB quý I/2019 chưa được thẩm định quyết toán là 361 tỷ đồng.

Theo ông Võ Viết Quang – Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh): Số tiền vượt quỹ dự toán của năm 2017 sẽ sớm được thanh toán trong thời gian tới. Đến nay, BHXH vẫn chưa tiến hành quyết toán quý nên khi có thì sẽ thanh toán ngay số tiền vượt quỹ năm 2017 cho các bệnh viện. Còn đối với năm 2018, trong 26 cơ sở ký hợp đồng với BHXH thì có 6 cơ sở không vượt dự toán nên được thanh quyết toán. 20 cơ sở còn lại đều vượt dự toán và số tiền vượt này BHXH đã xác định là do nguyên nhân khách quan.

Tuy nhiên, để có thể thanh toán được số tiền này cần phải thực hiện theo đúng quy trình. Theo đó, đầu tiên là phải báo cáo UBND tỉnh và rồi với BHXH Việt Nam. Ngay sau đó, BHXH Việt Nam báo cáo với hội đồng quản lý để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện nay, việc thanh toán số vượt dự toán 2018 của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh đang chờ ý kiến của Chính phủ.

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast