Thương mại điện tử - cơ hội phát triển sản phẩm “made in Hà Tĩnh”

(Baohatinh.vn) - Nâng cấp cổng thông tin điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển các sản giao dịch hàng hoá, nông sản, sản phẩm chủ lực… là những hoạt động nổi bật của Sở Công thương Hà Tĩnh góp phần phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

Thương mại điện tử - cơ hội phát triển sản phẩm “made in Hà Tĩnh”

Cùng với việc hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm, Sở Công thương Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình phát triển thương mại điện tử.

Sau quá trình xây dựng và hoàn thiện, tháng 4 vừa qua, Cổng thông tin điện tử của Sở Công thương tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được nâng cấp thành công, kết nối trực tiếp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Tĩnh, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh

Anh Nguyễn Văn Nam (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Với việc truy cập nhanh vào website của Sở Công thương, sau đó dùng tài khoản của mình đăng nhập và tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết, chúng tôi có thể nhanh chóng hoàn thành giao dịch trên môi trường mạng giống như đang thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Bởi, các thủ tục hành chính đều đã có sẵn trên website của sở”.

Cùng với đó, Sở hoàn thiện và đưa bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng hóa lên Cổng thông tin điện tử của đơn vị theo địa chỉ http://socongthuong.hatinh.gov.vn/. Bản đồ cung cấp các điểm phân phối, bán hàng, các cơ sở, đại lý, siêu thị kinh doanh thương mại... trên địa bàn tỉnh; có thể đề xuất các địa điểm theo yêu cầu của người mua, người tiêu dùng, nhà quản lý.

Thương mại điện tử - cơ hội phát triển sản phẩm “made in Hà Tĩnh”

Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng hoá cung cấp khá đầy đủ về điểm phân phối, bán hàng, các cơ sở, đại lý, siêu thị kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh...

Bà Tôn Thị Thu Trang – cán bộ phụ trách phát triển thương mại điện tử (Sở Công thương) cho biết: “Bản đồ cũng có thể coi như một bức tranh" phản ánh thực trạng, quy mô thị trường tỉnh Hà Tĩnh bao gồm: Mạng lưới phân phối trên toàn địa bàn tỉnh; hệ thống hậu cần; các đầu mối (nhà phân phối lớn); hệ thống đại lý, cửa hàng ...

Đây là công cụ để hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước truy xuất thông tin về các điểm bán hàng, làm căn cứ điều chỉnh qui hoạch và vận hành mạng lưới phân phối trên toàn tỉnh phù hợp nhu cầu và định hướng phát triển thị trường theo hướng tích cực.

Đồng thời, doanh nghiệp có thể tìm hiểu mạng lưới phân phối hàng hoá tại khu vực và các vùng lân cận để có được sự đầu tư đúng đắn khi chọn ngành nghề kinh doanh, vị trí xây dựng cửa hàng”.

Thương mại điện tử - cơ hội phát triển sản phẩm “made in Hà Tĩnh”

Sở Công thương đang trong quá trình xây dựng sàn giao dịch thương mại nông sản Hà Tĩnh kết nối các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Được biết, hệ thống bản đồ sẽ tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung nhiều thông tin và các tiện ích trong thời gian tới, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước.

Nhằm từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đồng hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, Sở Công thương Hà Tĩnh đang nghiên cứu, tiến hành hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho 5 doanh nghiệp chủ lực trong các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Thương mại điện tử - cơ hội phát triển sản phẩm “made in Hà Tĩnh”

Trước đó, Sở Công thương đã chính thức đưa vào hoạt động website thương mại điện tử bán sản phẩm đặc sản tỉnh Hà Tĩnh tại địa chỉ dacsan.hatinh.vn.

Nằm trong nỗ lực phát triển thương mại điện tử trong thời gian tiếp theo, Sở Công thương đang xây dựng sàn giao dịch thương mại nông sản kết nối các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Dự kiến, đến tháng 3 năm 2020, sàn giao dịch này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động. Điều này hứa hẹn sẽ mở ra các kênh xúc tiến thương mại mới và nhiều tiềm năng để giới thiệu sản phẩm hàng hoá tiêu biểu của tỉnh đến gần hơn với khách hàng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh Lê Mạnh Tường cho biết: “Các hoạt động trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa Hà Tĩnh tiến xa hơn trong việc phát triển thương mại điện tử; tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường; đưa sản phẩm “made in Hà Tĩnh” đến gần hơn với khách hàng và các đối tác…

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chú trọng khâu ứng dụng thương mại điện tử hơn nữa, đẩy mạnh hoạt động thông qua những tiện ích mà thương mại điện tử mạng lại trong quá trình phát triển như thị trường, tiếp thị,...”.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast