Nâng cao kỹ năng điều hành các cấp về xây dựng nông thôn mới

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự tại buổi họp Ban chỉ đạo nông thôn mới tỉnh vào chiều 12/4.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Yêu cầu các cấp cần nâng cao kỹ năng điều hành nông thôn mới, nhất là đối với cấp huyện
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Yêu cầu các cấp cần nâng cao kỹ năng điều hành nông thôn mới, nhất là đối với cấp huyện

Theo báo cáo, đến nay đã có 233/235 xã đã hoàn thành việc phê duyệt đồ án quy hoạch, còn lại hai xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh) và Thạch Hải (Thạch Hà) chưa phê duyệt vì nằm trong Khu Kinh tế Vũng Áng và vùng mỏ sắt Thạch Khê. Có 231/235 xã đã phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới và đề án phát triển sản xuất, trong đó một số địa phương đã bắt đầu đi vào thực hiện như: Hương Sơn, Đức Thọ, Cẩm Xuyên và Nghi Xuân. Công tác chuyển đổi ruộng đất được quan tâm triển khai, tính đến hết tháng 3, có 156/223 xã đã hoàn thành công tác chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2. Bình quân sau chuyển đổi mỗi hộ sử dụng 3,2 thửa/hộ so với 6 thửa/hộ trước đây. Bên cạnh đó, công tác tổ chức hội thảo và công tác đào tạo trong tháng qua đã phát huy được hiệu quả thực chất, tập trung theo từng chuyên đề chuyên sâu. Các mô hình sản xuất liên tục được xúc tiến đầu tư, theo đó cơ cấu kinh tế bước đầu đã có sự chuyển dịch rõ rệt theo hướng chăn nuôi và sản xuất rau, củ, quả.

Qua kiểm tra 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới, ngân sách hỗ trợ năm 2011 là 17,205 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 12,315 tỷ đồng, phát triển sản xuất 4,890 tỷ đồng. Các địa phương đã huy động được 135,213 tỷ đồng. Trong năm 2012, tổng nguồn vốn dự kiến là 171,904 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và tỉnh; ngân sách cấp huyện là 48,137 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm này đã có 61 đơn vị đăng ký tài trợ, đỡ đầu cho 86 xã xây dựng nông thôn mới với số tiền đăng ký qua Văn phòng điều phối là 17,430 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc tích cực chuyển quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao. Đặc biệt là việc xúc tiến đầu tư các mô hình sản xuất, góp phần quan trọng tạo ra hình thái sản xuất mới, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vẫn còn chậm so với yêu cầu. Một số địa phương và ngành chuyên môn còn lúng túng, thiếu quyết liệt. Việc tổ chức thực hiện đề án sản xuất, hầu hết các địa phương chưa xây dựng dự án một cách chuyên sâu, cụ thể; vai trò của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh chưa thể hiện được một cách rõ nét… Để tăng hiệu quả thực hiện xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp cần nâng cao kỹ năng điều hành nông thôn mới, nhất là đối với cấp huyện. Các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị nhằm tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất; lọc tuyển và công bố sản phẩm chủ lực cấp huyện, cấp xã; xây dựng dự án chi tiết đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo chiều sâu; chú trọng đào tạo nghề. Đồng chí giao các ngành chuyên môn có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo thông tư 13/2001/TTLT- DXD- BNNPTNT- BTN&MT.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast