Đại biểu nói gì về những 'trưởng ngành' tín nhiệm thấp?

Ngay sau khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần 2 được công bố, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này phản ánh khách quan, công tâm và cũng chia sẻ với những khó khăn của các trưởng ngành có nhiều phiếu tín nhiệm thấp.

Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên sau khi kết thúc phiên họp ngày 15/11.

Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên sau khi kết thúc phiên họp ngày 15/11.

Kết quả không bất ngờ

Đánh giá chung, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua. Kết quả đó cũng cơ bản phản ánh đúng đánh giá của cử tri.

Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) cũng cho biết, kết quả này không làm ông bất ngờ vì phản ánh đúng thực tế đang diễn ra: “Các đại biểu Quốc hội đã thực hiện trọng trách của mình hết sức công tâm và trách nhiệm”.

Với những trưởng ngành “lội ngược dòng” trong lần lấy phiếu này, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, điều đó thể hiện sự ghi nhận của đại biểu, cử tri với những nỗ lực trong công việc của họ.

“Qua đợt lấy phiếu lần này, tôi rất mong các cá nhân có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cố gắng nhìn lại lĩnh vực mình được giao. Đó là những lĩnh vực rất khó, liên quan đến mọi người dân, nên mong các đồng chí cố gắng tìm giải pháp hữu hiệu gỡ những khó khăn trong giai đoạn trước mắt”, đại biểu Bùi Thị An nói.

Nói về một số thành viên Chính phủ khác có ít phiếu tín nhiệm cao như Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ… đại biểu Trần Quốc Tuấn chia sẻ với trưởng ngành này, bởi đây là những lĩnh vực không phải dễ làm, liên quan đến lĩnh vực, đến người dân… muốn xử lý dứt khoát cũng không đơn giản.

“Ví dụ như Bộ Nội Vụ, muốn kiên quyết tinh giản biên chế, làm gọn bộ máy thì chưa chắc Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã làm được, mà cái này là phải từ chủ trương chung từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, rồi đến Ban chấp hành Trung ương, rồi mới đưa ra Quốc hội. Nên tôi rất chia sẻ với Bộ Nội vụ. Chứ không phải nói tinh giản biên chế là làm ngay được. Tương tự là Bộ Y tế - Đôi khi sự cố gắng chỉ đến một chừng mực nào đó thôi, lực bất tòng tâm”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.

Va chạm nhiều, dễ “mất phiếu”

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng nhận xét việc các chức danh của cơ quan hành pháp có phiếu tín nhiệm thấp hơn cơ quan lập pháp là đương nhiên, bởi những cơ quan hành pháp là những nơi va chạm nhiều. “Những bộ, ngành lăn xả, va chạm với các địa phương thì "mất phiếu" là bình thường. Chúng ta không thể nào cào bằng hết được. Tôi nghĩ nên đánh giá các cơ quan hành pháp riêng, lập pháp riêng thì hay hơn”, đại biểu nêu ý kiến.

Về việc hai lần có số phiếu tin nhiệm thấp nhiều của người phụ trách ngành y, đại biểu Nguyễn Văn Rinh nhìn nhận: “Cũng khó có thể trách được Bộ trưởng Tiến vì đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân, muốn có sự chuyển biến ngay phải đòi hỏi nhiều đơn vị, bộ ngành liên quan. Theo tôi thì Bộ trưởng Tiến cũng đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua”.

Nói về các trưởng ngành có phiếu tín nhiệm thấp, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng mong rằng các bộ trưởng phải đánh giá thật kỹ để thấy rõ những hạn chế, yếu kém để tới thời gian tới có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

“Không thể nói các cá nhân phụ trách ở lĩnh vực có tín nhiệm thấp chưa cố gắng. Tôi nghĩ mỗi đại biểu Quốc hội đã thể hiện chính kiến của mình trong phiếu tín nhiệm, với thái độ chung là động viên và mong muốn Quốc hội, cử tri sẽ hỗ trợ để mỗi ngành đó có chuyển biến trong thời gian tới”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ.

Khó khăn không hẳn không vượt qua được

Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần hai, đại biểu Dương Trung Quốc (Hà Nội) lưu ý một số điểm đáng chú ý. Nêu ví dụ về lĩnh vực giao thông, từng là một lĩnh vực rất nhạy cảm nhưng giờ đây có một hình ảnh rất khả quan, đại biểu nhận xét “qua đó cho thấy, không phải cái gì khó khăn cũng không thể vượt qua được”.

Điểm đáng chú ý thứ hai là có những lĩnh vực tưởng rất ít người quan tâm, như Bộ Nội vụ, nhưng số phiếu tín nhiệm cao lại thấp. Điều này chứng tỏ cả những lĩnh vực không bộc lộ, va chạm nhiều cũng được đánh giá. Cách đánh giá qua lá phiếu cũng mang những "thông điệp" đáng được ghi nhận, mặc dù Chính phủ có những lĩnh vực đa dạng, phức tạp mà đòi hỏi của người dân bao giờ cũng cao hơn rất nhiều.

“Từ "hiệu ứng" của lần lấy phiếu trước, lần này chúng ta thấy có người phấn đấu lên được, có người chưa, thậm chí có người lại bộc lộ yếu kém hơn. Và đương nhiên, những lĩnh vực gắn với đời sống thì không chỉ sự đánh giá, mà cả sự hài lòng cũng rất là khó. Đại biểu Quốc hội ngoài nhận thức riêng của mình, không thể không phản ảnh cái tâm thế của xã hội. Theo tôi, kết quả lấy phiếu không có gì bất ngờ và phản ánh tương đối sát với hiện thực, tương đối chính xác”, đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng nhiều vấn đề của đời sống không chỉ do một bộ quyết định, mặc dù bộ chủ quản vẫn phải chịu trách nhiệm. Và bên cạnh những con số về phiếu tín nhiệm, cần có cả sự chia sẻ của xã hội, động viên đối với những lĩnh vực đó./.

Theo Hoàng Yến/Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast