Làm sạch môi trường do ảnh hưởng chăn nuôi gia súc ở Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Chính quyền các cấp lẫn người chăn nuôi ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã và đang có nhiều cố gắng để hoạt động chăn nuôi gia súc tác động ít nhất đến môi trường sống cũng như cảnh quan nông thôn.

Làm sạch môi trường do ảnh hưởng chăn nuôi gia súc ở Lộc Hà

Hằng ngày, cứ vào sáng sớm là đàn trâu bò hàng trăm con của thôn Tân Thành lại “hành quân” từng đàn ra bãi chăn thả, phóng uế trên đường.

Gần 3 năm nay, ngày nào bà Phan Thị Liên (57 tuổi, thôn Tân Thành, xã Tân Lộc) cũng dậy sớm cho đàn bò ăn, rồi lùa ra bãi chăn thả để kịp về dọn phân do trâu, bò phóng uế trên các trục đường trong thôn. Mùa đông cũng như mùa hè, bà Liên và bà Nguyễn Thị Sâm (56 tuổi - cùng thôn) phải giành thời gian 1 tiếng đồng hồ (từ 8 – 9 giờ sáng) để làm sạch tất cả các tuyến đường trong thôn.

Làm sạch môi trường do ảnh hưởng chăn nuôi gia súc ở Lộc Hà

Bà Phan Thị Liên tranh thủ dọn dẹp chuồng trại gia đình trước khi đi dọn phân trâu, bò trên các trục đường thôn.

Bà Phan Thị Liên cho biết: “Dù việc đồng áng, chăn nuôi, nhà cửa tất bật cả ngày nhưng khi thôn đề xuất việc đi thu gom phân trâu, bò hằng ngày, tôi đồng ý ngay vì nó sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và làm cho cảnh quan nhà cửa, xóm làng thêm phần sạch đẹp. Tiền công của chúng tôi do bà con trong thôn tự đóng góp, mức chi trả là 850.000 đồng/tháng".

Làm sạch môi trường do ảnh hưởng chăn nuôi gia súc ở Lộc Hà

Đẩy chiếc xe rùa, mang theo dụng cụ, bà Liên đi dọn vệ sinh khắp các trục đường làng.

Ông Nguyễn Doãn Châu - Trưởng thôn Tân Thành chia sẻ: “Hàng chục năm nay, thôn chúng tôi luôn duy trì đàn trâu, bò từ 400 - 500 con nên công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường gặp rất nhiều khó khăn. Mấy năm về trước, môi trường sống trong thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đàn trâu, bò hằng ngày cứ phóng uế bừa bãi từ nhà ra đường, từ đầu thôn đến cuối xóm, mùi hôi thối bốc lên khắp nơi. Cùng đó là hệ thống đường sá cấp phối, nhỏ hẹp nên rất mất vệ sinh, nhất là vào lúc trời mưa. 3 năm trở lại đây, cùng với việc mở rộng, đổ bê tông hệ thống đường sá, thôn chúng tôi đã cắt cử người dọn vệ sinh hằng ngày và di dời chuồng trại đúng khoảng cách quy định nên đã sạch đẹp hơn”.

Làm sạch môi trường do ảnh hưởng chăn nuôi gia súc ở Lộc Hà

Người dân thôn Tân Thành đóng góp công sức, tiền của để xây dựng hệ thống mương thoát thải bảo vệ môi trường trong khu dân cư.

Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Nguyễn Duy Đoàn cho biết, Tân Lộc là một trong những xã chăn nuôi trọng điểm của huyện nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sống, nhất là ở vùng Tân Thành. Chính quyền địa phương, thôn/xóm cũng đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, khuyến khích bà con xây dựng chuồng trại kiên cố, di dời công trình vệ sinh nằm sát đường, xây mương thoát thải, chăm dọn vệ sinh chuồng trại… và đã được bà con đồng tình cao. Nhờ vậy, chăn nuôi ngày càng phát triển nhưng môi trường vẫn luôn sạch sẽ, cảnh quan đẹp hơn trước, các khu dân cư kiểu mẫu ngày càng nhiều.

Làm sạch môi trường do ảnh hưởng chăn nuôi gia súc ở Lộc Hà

Các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung ở Lộc Hà đều xa khu dân cư, có hệ thống xử lý môi trường đảm bảo, cây cối xanh tốt bao quanh. (Trong ảnh: Khu chăn nuôi tập trung xã Thạch Mỹ).

Không chỉ có thôn Tân Thành mà ý thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi của người dân Lộc Hà đã chuyển biến rất tốt, nhất là ở các xã trọng điểm chăn nuôi như: Tân Lộc, Hồng Lộc, Thạch Mỹ, Bình An, Mai Phụ… Người chăn nuôi trên địa bàn đã ý thức được việc giữ gìn môi trường trong chăn nuôi là nhân tố quyết định để vừa bảo vệ sức khỏe cho gia đình, sức khỏe cộng đồng, mỹ quan xóm làng vừa giúp sản xuất bền vững nên hoạt động thu gom chất thải, dọn dẹp chuồng trại được thực hiện thường ngày.

Làm sạch môi trường do ảnh hưởng chăn nuôi gia súc ở Lộc Hà

Dù chăn nuôi nhiều nhưng chuồng trại bà Mai Thị An (xã Hồng Lộc) luôn gọn gàng, sạch sẽ. (Ảnh T.L).

Bà Mai Thị An ở thôn Quan Nam (xã Hồng Lộc) cho biết: “Vườn không rộng, mật độ dân cư trong thôn khá cao, vì vậy gia đình chọn mô hình nuôi nhốt 9 – 10 con bò lai/lứa. Để đảm bảo môi trường chung, ngày nào tôi cũng quét dọn chuồng 2 – 3 lần, đàn bò được tắm rửa thường xuyên, thức ăn và dụng cụ được cất đặt gọn gàng, phân và nước thải được thu gom cẩn thận, không thải ra ngoài”.

Làm sạch môi trường do ảnh hưởng chăn nuôi gia súc ở Lộc Hà

Người dân Phù Lưu di dời chuồng trại để đảm bảo môi trường và mỹ quan thôn xóm.

Ông Phan Tiến Dũng - Trưởng phòng TN&MT huyện Lộc Hà cho biết: Toàn huyện có 6 cơ sở chăn nuôi tập trung, 18 trang trại nuôi bò quy mô 10 - 30 con, 12 trang trại nuôi lợn quy mô dưới 50 con và 11.644 hộ gia đình chăn nuôi quy mô nông hộ (nuôi trâu bò 6.643 hộ, chăn nuôi lợn 772 hộ, còn lại là nuôi gia cầm). Cùng với việc tuân thủ nghiêm quy định về môi trường của các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn, các hộ gia đình, cá nhân đã nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường công cộng trong chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, môi trường sống của người dân được bảo vệ ngay từ mỗi tuyến đường thôn, ngõ xóm, trong từng cộng đồng dân cư...”.

Chủ đề Ô nhiễm môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast