Một thoáng Vũng Áng

Chỉ là một thoáng thôi. Chặng dừng trên đường từ Quảng Trị về Hà Nội, đến Hà Tĩnh dự kiến trong một ngày chỉ để đi thăm mấy ngôi chùa cổ mà cuối cùng tôi lại dành cả buổi sáng và nửa buổi chiều để đến với một khu công nghiệp.

Khi các doannh nghiệp, tập đoàn trong KKT Vũng Áng đi vào hoạt động sẽ là cơ hội lớn để Kỳ Anh tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế, phát triển toàn diện
Khi các doannh nghiệp, tập đoàn trong KKT Vũng Áng đi vào hoạt động sẽ là cơ hội lớn để Kỳ Anh tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế, phát triển toàn diện

Bắt đầu từ bữa ăn sáng, một người bạn là quan chức của tỉnh hỏi tôi đã bao giờ đến Vũng Áng chưa. Đã nghe đến địa danh này như một dự án lớn với vùng cảng nước sâu thuộc loại tốt nhất miền Trung, với mỏ sắt Thạch Khê thuộc loại lớn trên thế giới... nhưng cũng nghe đến những khó khăn của một dự án đã triển khai từ 5 năm nay vì khủng hoảng kinh tế hay khó khăn về kỹ thuật... Thành phố Hà Tĩnh đã khang trang rất nhiều so với “thời Nghệ Tĩnh” 20 năm trước, nhưng Hà Tĩnh vẫn chưa phải là tỉnh giàu.

“Vũng Áng đang thay đổi từng ngày”, câu nói ấy khiến tôi muốn ngó qua và anh bạn của tôi cũng muốn chứng minh điều đó. Chạy từ thành phố đầu tỉnh đến huyện cuối tỉnh là Kỳ Anh rồi tạt về phía biển là đến Vũng Áng. Cả một khu kinh tế rộng những 20.000 mẫu tây, trong đó khu cảng nước sâu, nơi một công ty của Đài Loan đầu tư chiếm 1/10 diện tích, ấy là điểm chúng tôi đến đầu tiên. Có anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp dẫn đường nên qua cổng của Công ty Formosa xe khỏi phải dừng để kiểm soát, lại không phải qua cân điện tử, môt thủ tục bắt buộc thể hiện cách quản lý rất chặt chẽ của một trong những tập đoàn lớn nhất của Đài Loan.

Tác giả, Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tác giả, Nhà sử học

Dương Trung Quốc

Tất cả mới là một công trường mù mịt bụi, chỉ có những bãi đất đang san nền xen kẽ với những ruộng lúa bạc màu. Nói đến đất ruộng, anh bạn tôi giải thích ngay rằng đấy là những cánh đồng đã nhiễm mặn và bạc màu, chỉ cấy được một vụ với năng suất rất thấp. Để biến thành đất nền của một khu công nghiệp nơi có một nhà máy thép lớn nhất khu vực và một cảng biển nước sâu lớn nhất miền Trung, 2000ha ấy phải tôn nền cao trung bình là 4m. Vậy thì bao giờ mới xong khi trên công trường không thấy nhiều xe - máy, chỉ thấy nhiều đường ống vòng vèo qua nơi này nơi khác.

Ra đến mép nước, anh trưởng ban chỉ ra phía biển nói rằng nguồn đất chủ yếu chính là móc từ đáy biển lên bằng những chiếc tàu đặc chủng chuyên hút cát và đất đá dưới đáy nước, vừa để đào sâu luồng lạch, vừa đáp ứng một khối lượng vô cùng lớn cho việc san lấp 2000ha nền. Chiếc tàu đang đỗ gần bờ là chiếc nhỏ nhất trong đội tàu 4 chiếc, trong đó có chiếc thuộc loại lớn và hiện đại nhất thế giới có sức chứa tới 46.000 mét khối đất cát hút lên chỉ trong một ca sản xuất, lúc này đang hoạt động phía xa, lấp sau hòn đảo Sơn Dương án ngữ phía trước biển như tấm bình phong chắn sóng gió.

Tất cả khối đất cát ấy được tập kết tại một điểm ngoài khơi, họng của một hệ thống ống dẫn dài tới 13km đưa vào bờ và vận chuyển đất cát đến điểm xả làm nền. Ống thép có đường kính cả thước ấy được máy nén thuộc loại “khủng” thổi đất cát vào bờ với công suất mỗi ngày lấp đầy... 5ha mặt ruộng trũng. Máy chạy liên tục thì nhẩm tính để lấp đầy 2000ha phải mất hơn một năm. Tuy nhiên trên những mặt nền đã được san lấp đã thấy bóng dáng các công trình xây dựng được triển khai.

Phía xa là những tấm vải nhựa đang trải trên mặt đất xử lý nền đất yếu cho một toà nhà 6 tầng của trung tâm quản lý nay mai sẽ hoàn thành với công nghệ xây dựng hiện đại. Còn cả một bãi đất bằng phẳng tựa như một sân bóng đá nơi chúng tôi đang đứng thì anh bạn trưởng ban cho biết chỉ ít hôm nữa họ sẽ tập kết những tấm thép không gỉ rất lớn để hàn lại làm những thùng rỗng có kích cỡ hoành tráng: dài 65m, rộng 10m và cao tới 27m tựa như một toà nhà 9 tầng. Những chiếc thùng lớn như vậy sẽ được đánh chìm sát mép nước rồi nhồi loại bêtông đặc biệt, đem nối lại tạo nên một cầu cảng vững chãi có hành lang rộng 10m và độ sâu 27m, có thể cập cảng những con tàu trọng tải tới 400.000 tấn.

Bến cảng ấy trong tương lai không xa sẽ gắn kết với đường 12A để làm cửa ngõ cho cả các quốc gia lân cận như Lào hay Đông Bắc Thái Lan tiếp cận với biển Đông và trực tiếp phục vụ cho việc xuất nhập của nhà máy thép lớn nhất khu vực được xây tại đây... Tất cả được ấn định thời gian đi vào hoạt động bắt đầu từ năm 2014. Một hy vọng sáng sủa.

Rời khỏi công trường xây dựng của đối tác nước ngoài, chúng tôi đến với những công trình khác đang rải rác trên phần không gian còn lại của Khu Công nghiệp Vũng Áng. Dọc đường, đây đó thấy những lá cờ đuôi nheo trang hoàng cho lễ khởi công vừa diễn ra cách đó vài ngày khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa khánh thành Tổng kho khí hoá lỏng Bắc Trung Bộ, liền kề với một tổng kho xăng dầu có sức chứa chỉ sau tổng kho ở Hải Phòng.

Từ đó nhìn ra phía xa là một cầu cảng chuyên dụng xuất nhập xăng dầu và khí hoá lỏng đã được xây dựng. Tất cả các công trình hạ tầng ấy là bước đi đầu tiên cho sự hình thành một khu công nghệ lọc dầu nay mai sẽ được hình thành trong Khu Kinh tế Vũng Áng. Cầu cảng này được đánh số là 27, con số cuối cùng trong dự án sẽ xây chuỗi các cảng biển ở khu vực này mà cho đến nay đã có 2 cảng hoạt động từ nhiều năm.

Hai cảng số 1 và 2 nằm liền thước thợ, với độ sâu 17m tự nhiên, lại sát với đất liền khiến việc xây dựng cảng và kết nối với hệ thống kho tàng trên bờ rất thuận lợi. Con tàu “Crimson Venus” mang cờ Panama trọng tải 50.000 tấn đang cập cầu tới cảng số 2 nhập hàng là gỗ bạch đàn tai tượng. Còn phía ngoài là một chiếc tàu khác 40.000 tấn cũng đang đậu bên cảng số 1. Cho đến khi lấp đầy bờ biển Vũng Áng đủ 27 cầu cảng cùng với cảng nước sâu của đối tác nước ngoài, toàn bộ khu vực này sẽ là một cảng biển có quy mô chưa thể hình dung nổi...

Rời bờ biển đi sâu vào đất liền, qua những đụn cát cao người ta đã thấy trên nền trời hiển hiện hai khối nhà cao của 2 tổ máy thuộc Nhà máy Nhiệt điện số 1 với công suất cộng lại là 1200MW. Những người thợ lắp máy LILAMA đang khẩn trương hoàn tất lắp đặt 2 tổ máy để đến tháng 4-2012 sẽ phát điện. Ba nhà máy tương tự sẽ lần lượt được xây tiếp trong khu công nghiệp này, dự kiến đóng góp một lượng điện đáng kể không chỉ cho khu công nghiệp mà còn góp vào lưới điện quốc gia. Gần đây còn có một nhà máy thép của doanh nghiệp trong nước đang xây thì gặp những khó khăn về tài chính nên còn dở dang ...

Tàu ăn hàng tại cảng Vũng Áng. Ảnh: Hoài Nam


Khi thống kê viễn cảnh những dự án để lấp đầy Khu Công nghiệp Vũng Áng, anh trưởng ban cho biết cái lo nhất đối với tỉnh là đáp ứng được việc làm cho nhiều chục ngàn lao động trong vài ba năm tới. Lúc này, trên công trường của đối tác nước ngoài, nguồn nhân lực có chuyên môn điều khiển các loại xe - máy chuyên dụng chủ yếu lấy từ một vài nước Đông Nam Á nhưng khi đã hình thành một khu công nghiệp thì nguồn nhân lực tại chỗ sẽ trở nên quan trọng nhất và ngày càng nan giải...

Giờ đây bên ngoài cầu cảng đã hình thành dãy “phố” dịch vụ với những nhà bè sử dụng làm nhà hàng nổi với những món đặc sản của một vùng đánh bắt hải sản. Bên đĩa “mực nhảy” bóng nhẫy, câu chuyện trước lúc chia tay với Khu Kinh tế Vũng Áng tràn trề những hy vọng vào sự thay đổi của vùng đất vốn thuần nông đang đi vào con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá cùng cả nước.

Ngồi cùng bàn còn có một người tuổi còn trẻ nhưng được giới thiệu là nhân vật kỳ cựu nhất đã đồng hành với dự án Khu Công nghiệp Vũng Áng từ buổi khởi đầu. Bây giờ anh đã là người đứng đầu cơ quan Đảng của thành phố Hà Tĩnh. Sau những lời sôi nổi nói về sự đổi thay của quê hương, anh bỗng trầm xuống giọng đầy ưu tư: Bây giờ đang lao vào cuộc xây dựng thì thấy hưng phấn lắm, nhưng ngẫm kỹ cũng thấy xót xa. Cái cảng đẹp nhất, tốt nhất phải để cho người ngoài xây dựng và khai thác những 70 năm, không biết rồi đây ta sẽ quản lý như thế nào, không khéo rồi lại thua ngay trên sân nhà như biết bao dự án khác... Từ bác Sáu Dân đến người đứng đầu chính phủ đương nhiệm đều nói đến Vũng Áng như một “báu vật” của thiên nhiên mà tổ tiên giao lại cho ta, làm sao đừng để lợi bất cập hại trong cách làm ăn của thời buổi đầy thách đố này.

Đứng ở Vũng Áng, với trời và mây, đất và biển rồi đây sẽ mọc lên những công trình lớn, nhưng ở phía xa nơi trên triền núi Ô Tôn (hay còn gọi là Mũi Ròn) hiện lên một ngôi đền cổ, nhỏ nhưng rất dễ nhận thấy. Đó là ngôi đền thờ vọng một ngươì đàn bà có cái tên rất đẹp là Bích Châu, là phi của vua Trần Duệ Tông.

Đầu thế kỷ XIV, vua Duệ Tông tiến hành cuộc Nam chinh đánh Chiêm Thành, bà không can ngăn được nên xin đi theo chăm sóc quân vương. Đến vùng biển này, khi đó gọi là cửa biển Kỳ Hoa, gặp bão tố bà tình nguyên gieo mình xuống biển làm vật tế sinh... Xác bà dạt vào chính nơi dựng ngôi đền này tạm táng để rồi sau này mới được chuyển về lập đền thờ chính Hải khẩu Linh Từ ở xã Kỳ Ninh.

Sau này, vua Lê Thánh Tông phong bà hiệu Chế Thắng phu nhân để nêu gương người đàn bà có chí sáng đã từng dâng “Kê Minh thập sách” nêu 10 điều để vua sáng mắt chăn dân, lấy dân làm gốc, tránh xa mọi xấu xa của kẻ cầm quyền và trước khi chết, bà còn dặn đấng quân vương cũng là người chồng của mình: “Sau khi thiếp chết, xin bệ hạ sửa văn, nghỉ võ, kén dùng người hiền, làm điều nhân nghĩa, dựng mưu chước lâu dài cho đất nước”.

Giữa một Khu Kinh tế Vũng Áng hiện đại lại có cái cổ tích chứa đựng những ý nghĩa sâu xa như thế cũng là một nét đẹp. “Kê Minh” tức là tiếng gà gáy giục sáng: sáng trời, sáng dạ, sáng cả tâm hồn.

Một Vũng Áng đang thức dậy...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast